Trong nước

Bỏ điểm sàn, ‘con ông cháu cha’ điểm thấp lọt ĐH, có cửa thăng tiến?

Bỏ điểm sàn, liệu “con ông cháu cha” dù điểm thấp vẫn vào được ĐH và ra trường lại ngồi vào các vị trí do “quan hệ” mà có. Đây là một trong những băn khoăn nếu dự thảo bỏ điểm sàn được thực hiện.

“Điểm sàn”, điều kiện cần để thí sinh có thể tham gia xét tuyển đại học (ĐH) được nhiều năm qua, bất ngờ được bộ GD&ĐT xóa bỏ hoàn toàn trong dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017. Động thái mới nhất này của Bộ thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. PV báo Người Đưa Tin đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia giáo dục xung quanh vấn đề này.

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Hùng: “Không nên “chặn” con đường học của người ta”. Ảnh: Internet

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng cho rằng: “Quan trọng nhất là đầu ra. Thi ĐH hay không thi ĐH, quan trọng là người học. Chất lượng của sinh viên trong các trường ĐH là do tự học. Chính vì thế, việc bộ GD&ĐT dự kiến bỏ điểm sàn làm tăng khả năng lựa chọn cho học sinh. Ở cấp dưới người ta học chưa tốt, lên cấp ĐH, người ta sẽ chịu khó học. Quan trọng nhất là việc đào tạo, quy chuẩn đầu ra, đào tạo ra người học có việc làm.

Ở các nước khác, người ta đào tạo hình chóp nghĩa là vào rộng ra hẹp. Còn ở VN hiện nay, chúng ta đang đào tạo theo hình ống. Học là phải có sàng lọc. Người đầu vào điểm cao chưa chắc ra đã hơn anh điểm thấp hơn đâu. Vấn đề là có chịu khó học hay không? Tôi ủng hộ việc bỏ điểm sàn ĐH. Theo tôi không nên “chặn” con đường học của người ta”.

Trước ý kiến cho rằng nếu các thí sinh chỉ được tổng ba môn là 9, 10 điểm thì có đủ khả năng theo khi vào ĐH, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Hùng lại cho rằng: “Thực ra học ĐH không khó, phát huy mới khó.

Hơn nữa, thi THPT năm nay tích hợp nhiều môn. Mọi năm người ta bác bỏ vì cho rằng thi nhiều môn là nặng. Nhưng phổ thông là kiến thức nền tảng, khi từng môn tốt, kiến thức cơ bản tốt rồi thì việc tiếp nhận sẽ tốt. Dựa vào kết quả thi, các trường đã có chỉ tiêu rồi, họ sẽ lấy từ cao xuống thấp. Trong các môn thi, các em có môn 4, 5 nhưng có môn các em sẽ 7, 8. Các em sẽ chọn vào các trường theo thiên hướng đó. Việc thi THPT rộng, nhân trọng số môn sẽ phân loại thí sinh ngay”.

Cùng chung quan điểm ủng hộ dự kiến bỏ điểm sàn của bộ GD-ĐT, TS. Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng: “Bỏ điểm sàn giúp các trường tự chủ hơn trong việc tuyển sinh. Và thông lệ các nước trên thế giới cũng vậy. Các nước chỉ quy định khi vượt cấp học thì có quyền học cấp học cao hơn. Theo Luật Giáo dục Đại học, các trường tự quyết định điều kiện đào tạo của trường đó, Bộ không làm việc này. Các trường có thương hiệu thì nếu hạ điểm xuống là tự hạ giá trị của mình thôi. Rõ ràng, Bộ phải khống chế chỉ tiêu đào tạo sát với năng lực đào tạo và nhu cầu đầu ra của xã hội”.

Trả lời câu hỏi của PV: “Thực tế các năm trước, nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu. Số lượng sinh viên ra trường thất nghiệp được thống kê lên tới 191.000. Vậy việc “thả” đầu vào có đảm bảo đầu ra?”, TS. Khuyến nhấn mạnh: “Điều kiện tốt nghiệp lại khống chế ở cái khác. Nó khống chế ở chỉ tiêu tuyển sinh, liên quan đến năng lực đào tạo mà Bộ duyệt. Năng lực đào tạo đầu tiên là ở khả năng đào tạo của chính trường đó. Năng lực đào tạo còn phụ thuộc vào kết quả điều tra sinh viên ra trường có việc làm.

Sinh viên tốt nghiệp mà không có việc làm thì trường đó phải tự giảm chỉ tiêu tuyển sinh đi. Và bộ GD&ĐT phải giám sát chuyện đó. Hai việc đó khác nhau”.

Trước ý kiến nhiều người lo ngại, “con ông cháu cha” dù điểm thấp vẫn vào ĐH, ra trường lại ngồi vào các vị trí do “quan hệ” mà có được là tước đi cơ hội với các người khác, TS. Khuyến nói: “Phải có chính sách công bằng. Không quy định điểm sàn chung nhưng các trường sẽ có điểm sàn vào trường. Hơn nữa, các trường còn bị khống chế ở quy mô tuyển sinh của mình. Quy mô chỉ có vậy thì nguyên tắc là lấy điểm từ trên xuống dưới. Rõ ràng, nếu điểm thấp thì khó có thể nói “con ông cháu cha” học quá kém mà vào được”.

Dù ủng hộ việc bỏ điểm sàn nhưng TS. Khuyến cũng nhấn mạnh: “Việc Bộ yêu cầu các trường công khai về tỷ lệ sinh viên có việc làm chính vì thế. Các trường phải căn cứ vào đó để điều chỉnh chỉ tiêu. Và phải có giảm sát về kết quả này, theo tôi chỉ Bộ là không đủ mà phải huy động sự giám sát của xã hội, của báo chí để việc đào tạo thực sự hiệu quả”.

Đỗ Thơm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP