Phong cách phóng khoáng của beer club – Ảnh: Nikkei Asian Review |
“Thú trung lưu”
Tờ tạp chí Word Việt Nam nhận định không gian beer club thân thiện với nữ giới vì mang đậm văn hóa cà phê hơn là kiểu các quán nhậu truyền thống.
Chị Thủy – một khách quen của nhà hàng S. Beer House – cho biết nhóm bạn nam nữ của cô có thể đến đây mỗi ngày, uống bia từ 18-19g đến 21g rồi về nhà nghỉ ngơi để sáng đi làm. Đó là nơi giải trí lành mạnh sau một ngày làm việc.
Phụ nữ trung lưu với thú đi câu lạc bộ bia mùa lễ hội – Ảnh: FB oneplusbeer |
Cụm từ “beer club” có thể hiểu như một nơi để nhâm nhi, uống bia cao cấp hơn hẳn quán bia vỉa hè bình dân Việt Nam, nhưng cũng không quá sang trọng như nhà hàng cao cấp kiểu Tây. Beer club đang tạo ra một cú “hit” lớn trong tầng lớp trung lưu đang gia tăng của Việt Nam.
Tương tự, anh Nguyễn Thái Lan là một khách hàng thường xuyên của V. club, từ khi nhà hàng này khai trương gần văn phòng làm việc của anh ở quận Hoàn Kiếm, trung tâm Hà Nội.
“Không gian rộng thoáng và bia rất ngon”, vừa nói anh vừa cụng ly bia Carlsberg với hai người bạn.
“Nhân viên văn phòng đến V. bàn chuyện làm ăn nhưng cũng là để vui vẻ cùng nhau” – anh Trần Hồng Vương, quản lý tại G. G. restaurant group, tập đoàn sở hữu chuỗi beer club cùng chuỗi 10 nhà hàng khác cho biết. “Cách đây ba năm, họ hoặc là uống bia vỉa hè hoặc phải vào các nhà hàng. Nay chúng tôi tạo ra một khái niệm uống bia hoàn toàn mới”.
Nhái thương hiệu nổi tiếng
Kể từ khi V. mở “beer club” đầu tiên tại Hà Nội năm 2011, rất nhiều beer club đã “mọc lên như nấm” trên cả nước, với lối trang trí tựa nhau.
Trong tháng 10-2014, Vuvuzela đã mở chi nhánh tại Đồng Nai, Vũng Tàu và đang để mắt thêm nhiều địa điểm mới ở các thành phố phát triển khác.
Tạp chí Nikkei Asian Review (Nhật Bản) cho rằng nền kinh tế ảm đạm dường như không ảnh hưởng đến Vuvuzela – với 9 nhà hàng phục vụ khoảng 6.500 khách/ngày tại Hà Nội, TP.HCM, Vinh…
Sự trỗi dậy của các trạm bia (beer station) ven đường
Quán ăn vỉa hè bụi bặm đang ngày càng mâu thuẫn với khát vọng lối sống của tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở Việt Nam.
Giám đốc điều hành Vietnam Franchises Sean T. Ngo nhận định: “Khi thu nhập tăng đáng kể trong 15 năm qua và sẽ tiếp tục tăng nhanh nữa, thì beer club như V. nhắm đến người Việt thu nhập khá, chủ yếu là nam giới thích uống bia với bạn bè và đồng nghiệp”.
Không dừng lại ở đó, G.G. gần đây cũng mở ra các quán City beer station (tạm gọi là các trạm bia ven đường) bán bia chai rẻ hơn, nhắm vào thực khách thu nhập thấp hơn một chút so với khách hàng của V., tuy nhiên vẫn muốn phân biệt với các khách hàng bình dân thường uống bia hơi.
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, chủ một hệ thống cho biết mô hình beer station xuất phát từ ý tưởng kiểu làm chơi ăn thiệt của nhóm bạn năm người thường tụ tập uống bia chiều nhưng không muốn ngồi tại các quán vỉa hè.
Được biết sau sáu tháng đầu tư, đến nay hệ thống này đã mở được ba quán, bốn quán còn lại do hai người bạn tách ra mở riêng.
“Đó là những ví dụ điển hình của các thương hiệu “sang bình dân” dành cho tầng lớp lao động” – giám đốc điều hành Vietnam Franchises Sean T. Ngo nói.
Một người Việt uống 33 lít bia/năm Theo Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International (Anh), người dân Việt Nam uống hơn 4% trong tổng số 72 tỉ lít bia tiêu thụ khắp châu Á năm 2013, đưa Việt Nam – dù tăng trưởng kinh tế chậm chạp – trở thành thị trường bia lớn thứ 3 châu lục, sau Trung Quốc (70%) và Nhật Bản (9%). Trung bình, một người Việt uống 33 lít bia/năm. |
CH. LUÂN – H.NHƯ