Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng ngày 20/5, giáo sư Nguyễn Đức Tồn (thành viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ) cho biết, đã nhận được công văn của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước gửi Hội đồng ngành Ngôn ngữ, yêu cầu kiểm tra làm rõ thông tin ông bị tố cáo đạo văn của học trò.
"Tôi hoàn toàn nhất trí và cũng rất mong chờ cơ quan chức năng thẩm tra để xác định và kết luận rõ ràng tôi có đạo văn hay không", ông Tồn viết trong đơn.
Giáo sư Nguyễn Đức Tồn - thành viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ. Ảnh: NVCC. |
Việc bị tố cáo đạo văn, ông Nguyễn Đức Tồn nhấn mạnh, có ảnh hưởng lớn đến sinh mạng khoa học, chính trị và nhân phẩm công dân của cá nhân ông. Nó đồng thời liên quan uy tín của cả ngành Ngôn ngữ học Việt Nam vì ông từng là Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ và hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng biên tập tạp chí Ngôn ngữ. Uy tín, chất lượng hoạt động của Hội đồng chức danh giáo sư các cấp năm 2009 - năm ông Tồn được công nhận đạt chức danh giáo sư, vì thế cũng bị liên lụy.
Với mức ảnh hưởng lớn của nghi vấn đạo văn, ông Tồn mong muốn cuộc thẩm tra được tiến hành cẩn trọng, đúng pháp luật, có sự tham gia của Vụ Pháp lý, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những tài liệu được đưa ra xem xét phải đầy đủ và đảm bảo tính hợp pháp, trong đó có hồ sơ gốc đề nghị xét phong giáo sư của ông Tồn năm 2009. Quá trình thẩm tra không nên bị dồn ép về thời gian để đảm bảo các công đoạn được chính xác, trung thực và cho ra kết luận rõ ràng, đúng người đúng tội.
"Không cử vào ban thẩm tra này những người đã quy kết tôi đạo văn, trong đó có hai thành viên của Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học hiện nay là ông Trần Ngọc Thêm và ông Phạm Hùng Việt, những người tôi đã và đang đấu tranh lên án hành vi tiêu cực", ông Tồn viết trong đơn kiến nghị.
Giáo sư ngành Ngôn ngữ khẳng định nhiều lần bị dàn dựng tố cáo đạo văn vì đấu tranh chống tiêu cực tại Viện Ngôn ngữ học. "Cách đây hơn 10 năm, khi tôi đứng lên đấu tranh với những tiêu cực tại Viện Ngôn ngữ học, tôi cũng đã chịu cảnh tương tự và được các cơ quan chức năng giải quyết, kết luận rõ ràng tôi không đạo văn của học trò mình hướng dẫn", ông Tồn nhấn mạnh trong đơn gửi Thủ tướng.
Đơn kiến nghị được ông Tồn đồng gửi đến lãnh đạo nhiều cơ quan có liên quan như: Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; Ban Tổ chức Trung ương, Thường trực Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam...
Trước đó ngày 17/5, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước gửi công văn tới Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học đề nghị "kiểm tra và có ý kiến chính thức bằng văn bản" về việc GS Nguyễn Đức Tồn bị tố cáo đạo văn của học trò. Thời hạn gửi báo cáo trước ngày 1/6 để Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước xem xét và đưa ra quyết định theo quy định pháp luật.
GS Nguyễn Đức Tồn là thành viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ, hiện công tác tại Viện Ngôn ngữ - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ông bị tố cáo đạo luận văn, luận án, bài viết của học trò, đồng nghiệp trong các cuốn sách đã xuất bản và đưa vào hồ sơ công nhận đạt chức danh giáo sư. Cụ thể, cuốn sách Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt trong so sánh với các dân tộc khác xuất bản năm 2002 của ông Nguyễn Đức Tồn được cho là sử dụng gần hết luận án phó tiến sĩ (năm 1996) của bà Nguyễn Thúy Khanh - nghiên cứu sinh do ông hướng dẫn. Sách cũng được tố cáo sao chép gần 100 trang khóa luận tốt nghiệp của sinh viên Cao Thị Thu (chuyên ngành Ngôn ngữ, Đại học Tổng hợp Hà Nội), bảo vệ năm 1995. Cuốn sách thứ hai Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc THCS (xuất bản năm 2001) sử dụng nguyên văn bài báo của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hà đăng trên tạp chí Ngôn ngữ trước đó. Bài báo không có tên ông Nguyễn Đức Tồn trong phần tác giả, nhưng ở cuốn sách của mình, ông Tồn lại chú thích "bài viết có sự cộng tác của Nguyễn Thanh Hà, nghiên cứu sinh Viện Ngôn ngữ học). Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ - giáo sư Trần Ngọc Thêm, sau khi đối chiếu kỹ lưỡng hai cuốn sách của ông Nguyễn Đức Tồn đã khẳng định "có dấu hiệu đạo văn". Cuốn Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt trong so sánh với các dân tộc khác của ông Tồn có 4 trên tổng số 11 chương giống gần y nguyên luận văn của bà Nguyễn Thúy Khanh và một sinh viên khác do ông Tồn hướng dẫn. Cuốn sách gửi đăng ký giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016 của giáo sư Tồn, bị tố cáo chép gần y nguyên 3-4 trang về khái niệm văn hóa từ cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của ông Trần Ngọc Thêm. |
Tác giả: Quỳnh Trang
Nguồn tin: Báo VnExpress