Giải trí

Bi kịch cuộc đời của tiểu thuyết gia võ hiệp Kim Dung

Đệ nhất tiểu thuyết gia võ hiệp Trung Quốc Kim Dung từng ba lần kết hôn, và trải qua nỗi đau mất đi trưởng nam.

Mới đây, 10 chuyên gia và tác giả nổi tiếng, có uy tín của Trung Quốc đã tổ chức buổi công bố 40 tác phẩm sách có ảnh hưởng nhất nước với nền kinh tế, xã hội, chính trị và hệ tư tưởng trong 40 năm. Đáng chý ý, trong danh sách này, tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung được xếp ở vị trí thứ 7.

Kết quả này không hề bất ngờ, bởi từ lâu, nhắc đến tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc không thể không nhớ đến Kim Dung, với loạt tác phẩm đình đám như Tiếu ngạo giang hồ, Thần điêu đại hiệp, Thiên long bát bộ hay Lộc đỉnh ký… không chỉ vang danh trên mặt giấy, mà còn “nổi đình, nổi đám” khi được chuyển thể thành phim, vào game.

Nhà văn Kim Dung chụp chung "Tiểu Long Nữ" (Lưu Diệc Phi) và "Dương Quá" (Huỳnh Hiểu Minh) phiên bản người thật "bước ra" từ tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp nổi tiếng của ông.

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Chiết Giang (Trung Quốc). Trong sự nghiệp cầm bút của mình, ông nhận được vô số giải thưởng, danh hiệu danh giá, phải kể đến Huân chương Tử kinh (2000), Thành tựu trọn đời cho nghệ sĩ người Hoa có tầm ảnh hưởng thế giới (2008), có tên trong danh sách các bậc tông sư văn học vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc….

“Đế chế” tiểu thuyết võ hiệp của ông lớn mạnh tới mức, người ta còn xưng tụng ông là “Võ lâm minh chủ”. Không chỉ viết văn, ông còn là người sáng lập tờ Minh Báo nổi tiếng tại Hong Kong.

Sự nghiệp lừng lẫy như vậy, nhưng cuộc sống riêng tư của Kim Dung lại không mấy êm ả. Ông từng trải qua ba cuộc hôn nhân và phải chịu cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”.

Ba lần đò

Người vợ đầu tiên của tiểu thuyết gia là Đỗ Dã Phần. Hai người gặp nhau vào năm 1947, khi Kim Dung làm việc tại tòa soạn báo ở Thượng Hải. Trong một lần tình cờ, Kim Dung quen biết chàng trai Đỗ Dã Thu, vốn là độc giả của tờ báo mà Kim Dung đang làm việc.

Khi đến nhà Đỗ Dã Thu, Kim Dung bị chị gái của bạn, Đỗ Dã Phần, hút hồn bởi vẻ đẹp, sự thông minh, hài hước của cô. Để chinh phục người đẹp, ông tạo ấn tượng tốt với gia đình họ Đỗ bằng cách mời đi xem kịch, thường xuyên lui tới thăm hỏi.

Năm 1948, một đám cưới ngọt ngào diễn ra ở Thượng Hải. Sau đó, Kim Dung đưa vợ đến Hong Kong vì được tòa soạn cử đi làm việc. Cuộc sống đất khách quê người khó khăn, cộng với chồng quá bận rộn không có thời gian săn sóc khiến Đỗ Dã Phần không chịu nổi, bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Năm 1951, hai người ly hôn.

Sau này, nhắc lại cuộc hôn nhân ngắn ngủi này, Kim Dung cho biết, người vợ đầu tiên đã phản bội ông.

Kim Dung và người vợ đầu tiên.

Trong ba cuộc hôn nhân, “khắc cốt ghi tâm” nhất phải kể đến đoạn nhân duyên với người vợ thứ hai Chu Mai – mẹ ruột cả 4 người con của Kim Dung và cùng ông vượt qua giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời.

Chu Mai là người phụ nữ vừa xinh đẹp, lại vừa giỏi giang. Cô tốt nghiệp đại học ở Hong Kong, thanh thạo ngoại ngữ. Sau khi kết hôn với Kim Dung vào năm 1953, bà hỗ trợ chồng rất nhiều trong sự nghiệp.

Năm 1959, hai người cùng nhau sáng lập tờ Minh Báo. Kim Dung là tổng biên tập, còn Chu Mai là phóng viên duy nhất của tờ báo. Giai đoạn đầu, tờ báo vận hành không mấy thuận lợi, doanh số thấp. Chu Mai vừa đảm nhận vai trò làm vợ, làm mẹ, vừa là trợ thủ đắc lực cho chồng trong công việc.

Kim Dung kể lại, thời điểm đó gia đình ông thiếu thốn đến mức một ly cà phê hai vợ chồng uống chung. Tuy nhiên, theo ông, đó lại là quãng thời gian hạnh phúc nhất.

Năm 1970, sự nghiệp của Kim Dung phất lên. Ông hoàn thành 14 tiểu thuyết dài và vừa, Minh Báo trở thành tờ báo bán chạy nhất Hong Kong. Nhưng đó cũng là thời điểm, hôn nhân của ông và Chu Mai bắt đầu rạn nứt.

Một người bảo thủ, người kia hiếu thắng khiến những cuộc tranh cãi gay gắt giữa hai vợ chồng ngày một nhiều thêm. Chưa kể, Chu Mai phát hiện chồng thay lòng, mê đắm minh tinh Hạ Mộng và một phụ nữ khác. Năm 1976, Chu Mai yêu cầu ly hôn.

Khi đó, Chu Mai đưa ra hai yêu cầu với Kim Dung: một là bồi thường vật chất cho bà, hai là không được sinh thêm con, và được ông chấp thuận.

Cuộc sống sau ly hôn của Chu Mai không hề hạnh phúc, bị cô độc và nghèo khó bủa vây. Tháng 11/1998, Chu Mai qua đời ở tuổi 63 vì bạo bệnh. Đến tận lúc lìa xa cõi đời, bà chỉ có một mình trong bệnh viện, không con, không chồng. Trong cuộc phỏng vấn năm 90 tuổi, Kim Dung đã bật khóc khi nói về Chu Mai.

Kim Dung thuở còn mặn nồng với Chu Mai.

Hiện tại, Kim Dung đang sống cùng vợ ba Lâm Nhạc Di, kém ông 29 tuổi. Hai người quen nhau trong một lần Kim Dung vào quán rượu để giải sầu, còn Nhạc Di là người phục vụ trong quán.

Từ cuộc trò chuyện “tâm đầu ý hợp”, hai người dần thân thiết hơn, rồi trở thành vợ chồng. Dù khá kín tiếng trước truyền thông, nhưng mỗi lần xuất hiện công khai, cặp vợ chồng lệch tuổi rất tình cảm, có nhiều cử chỉ thân mật.

Một điều có thể nhận ra, Kim Dung đã tuân thủ lời hứa với Chu Mai. Ông và bà Lâm Nhạc Di không có con chung.

Hiện tại, ông đang tận hưởng tuổi già an nhàn bên người vợ ba kém 29 tuổi.

Nỗi dằn vặt về cái chết của trưởng nam

Qua ba lần kết hôn, Kim Dung có 4 người con (2 nam, 2 nữ). Tất cả đều là con của ông với người vợ thứ hai Chu Mai. Trong số 4 người con, thừa hưởng được tài năng văn chương của Kim Dung chỉ có trưởng nam Tra Truyền Hiệp.

Tra Truyền Hiệp từ nhỏ đã bộc lộ năng lực hơn người, thậm chí còn được ca ngợi là “thần đồng văn học”. Tra Văn Hiệp thuộc Tam Tự Kinh vào năm 4 tuổi, đọc văn thơ lưu loát vào năm 6 tuổi, 11 tuổi có tác phẩm đầu tay “Cuộc đời ta là vì cái gì”.

Kim Dung rất tự hào về trưởng nam. Ông đánh giá con trai có tư tưởng thông tuệ, suy nghĩ chín chắn, trưởng thành. Ông bỏ ngoài tai những nhận xét rằng, văn phong của Truyền Hiệp quá u uất so với tuổi thật, cho thấy cậu bé đang phải chịu nhiều áp lực.

Trưởng nam của Kim Dung được gọi là "thần đồng văn học".

Điều không ai ngờ đến là, vào tháng 10/1976, Tra Truyền Hiệp thắt cổ tự sát tại Mỹ. Lúc đó, anh chỉ mới 19 tuổi, đang học năm nhất Đại học Columbia. Theo nguồn tin, anh tìm đến cái chết sau khi cãi nhau với bạn gái ngoại quốc.

Tuy nhiên, nhiều người tin rằng, trưởng nam nhà họ Tra quá sốc vì tin bố mẹ muốn ly hôn, cộng với việc cãi nhau với bạn gái, nên đã hành động dại dột.

Cái chết của con trai cả thực sự giáng đòn mạnh vào tinh thần Kim Dung. Chia sẻ trên Chinanews vào năm 2004, ông cho biết đã khóc như một đứa trẻ lúc nhận được tin dữ.

Từ đó, Kim Dung tìm đến Phật giáo để có được sự thanh thản trong tâm hồn. Các tác phẩm sau này của ông cũng mang màu sắc Phật giáo.

Năm 1991, Kim Dung bán tờ Minh Báo cho Vu Phẩm Hải vì nhận thấy người này có nét giống con trai đã khuất, đồng thời còn cùng tuổi.

Ba người con còn lại của Kim Dung là con trai Tra Truyền Thích, hai con gái Tra Truyền Thi và Tra Truyền Nột không nối nghiệp văn chương của cha, mà theo đuổi sự nghiệp riêng.

Điều này dường như không khiến Kim Dung phiền lòng. Theo con gái út của ông, Kim Dung thường khuyến khích các con làm điều họ muốn, không cần học theo ông, mà quan trọng là phải giữ được bản ngã – cái quý giá nhất của con người.

Tác giả: Tú Oanh

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP