Tin trong nước

Bi kịch của gia đình 'xác chết không đầu' hồ Rẻ Quạt

5 năm đã qua nhưng hai đứa con của nạn nhân vẫn không thể tha thứ cho người cha tàn ác đã giết chết vợ mình rồi chặt xác phi tang.

>> Điều tra người đàn ông mất đầu ở Hà Giang


Trong gia đình nhà vợ, Tuyên luôn được coi là đứa con rể hiền lành, biết thương vợ con. Cả gia đình bà Nguyễn Thị Vinh (mẹ vợ của Tuyên, thôn Mậu Lương, Kiến Hưng, Hà Nội) không ai ngờ được có một ngày chính Tuyên đã giết người từng “đầu ấp tay gối” với mình rồi chặt xác vứt nhiều chỗ để phi tang. Điều đáng nói là sau khi ra tay tàn độc, hắn còn đến nhà bố mẹ vợ chơi như không có chuyện gì xảy ra.


Chỉ đến khi Tuyên bị cơ quan công an bắt giữ, gia đình bà Vinh mới biết được chân tướng của gã con rể, thực chất là một kẻ sát nhân máu lạnh. Dù câu chuyện đã lùi xa 5 năm về trước, nhưng nỗi đau để lại cho người thân của gia đình còn dai dẳng khi người chết, kẻ tù tội, con cái mất mẹ, mất cha.


Tuổi tác đã cao cộng với nỗi đau con bị giết tức tưởi đã làm cho đôi mắt bà mờ đục vì những đêm đẫm nước mắt, tấm lưng gù cũng lộ rõ hơn trong cái dáng xiêu vẹo, khuôn mặt luôn đượm một nỗi buồn. Bà Vinh hiện đã 78 tuổi, đang ở cùng người con trai út, để tiện trông nom các cháu nhưng cũng vừa mong xóa dần đi ký ức tang thương thuở nào.


Người mẹ bất hạnh tâm sự: “Huệ lấy thằng Tuyên từ năm 1991. Hai vợ chồng phải tự bươn chải kiếm tiền nhưng cuộc sống không đến nỗi nào. Chúng nó có với nhau 2 mặt con, hai đứa lúc đó đều đã lớn cả. Thế mà, không ngờ…”. Vừa nói, bà vừa khẽ nâng vạt áo, lau dòng nước mắt nghẹn ngào. Bà Vinh nhớ lại, gia đình bà có 8 người con, Huệ tuy không phải con cả song luôn tần tảo sớm hôm nuôi mẹ, nuôi em.


Năm 32 tuổi, chị mới đi lấy chồng. Mặc dù được trời phú cho dáng người thanh thoát và khuôn mặt ưa nhìn, tuy nhiên do “quá lứa lỡ thì”, Huệ đồng ý làm vợ của Tuyên, gã đàn ông đã trải “một lần đò”.


Hai đứa con (Nguyễn Hồng Phương và Nguyễn Hồng Sơn) lần lượt ra đời khiến hoàn cảnh kinh tế của hai vợ chồng eo hẹp hơn. Chị Huệ đã phải làm rất nhiều công việc để kiếm tiền nuôi con. Trước khi bị Tuyên sát hại, chị từng buôn bán bún riêu, bún ốc ở đầu chợ Nhân Chính rồi sau đó lại đi làm thuê, nhận nấu ăn cho một số gia đình người Hàn Quốc sống trong khu vực.


Theo lời bà Vinh kể, trước đây hai vợ chồng Tuyên – Huệ ăn ở với nhau rất hòa thuận. Tuyên là con rể và đối xử với bên ngoại vẫn phải phép, giỗ chạp hay lễ tết vẫn về ăn cơm, thăm hỏi và mua hoa quả về thắp hương… Cuộc sống lẽ ra đã êm đềm trôi qua như thế, nếu không có một ngày Tuyên định lấy đi chiếc xe máy duy nhất của gia đình để chạy xe ôm nhưng bị chị Huệ giữ lại không cho vì sợ chồng cờ bạc. Hai bên to tiếng xô xát. Nhưng bà Vinh không ngờ, chỉ vì chút mâu thuẫn nhỏ ấy, Tuyên lại xuống tay giết vợ quá tàn độc.


Khi nghe báo chí đăng tin có xác không đầu được tìm thấy ở hồ Rẻ Quạt, với những đặc điểm nhận dạng và qua giám định pháp y, nạn nhân chính là chị Lê Thị Huệ, bà Vinh khuỵu xuống tại chỗ, không dám tin vào tai mình nữa.


Nhiều năm trôi qua, tưởng chừng như nỗi đau ấy đã nguôi ngoai, nhưng mỗi khi nhìn lên ban thờ có di ảnh của đứa con gái đáng thương phải hứng chịu một cái chết oan nghiệt, trái tim bà Vinh như có cả trăm nghìn vết dao đâm xé.


Thời gian đầu khi nhận được tin dữ, bà ốm liệt giường tưởng chết, những giọt nước mắt đã cạn khô, chìm đắm trong nỗi đau đớn đến tận cùng của sự xót thương… Sau những gì Tuyên đã gây ra, không chỉ bà Vinh mà cuộc sống của đại gia đình nhà bà đều đã bị đảo lộn. Bậc sinh thành ra chị Huệ như bà Vinh giờ chỉ biết ôm trọn nỗi đau nhìn đứa con gái của mình vĩnh viễn mất đi một cách hết sức thương tâm, những đứa cháu ngoại mồ côi, bơ vơ trong cảnh không cha, không mẹ.


Sự ra đi đột ngột của chị Lê Thị Huệ đã khiến cho hai đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn mất đi chỗ dựa, và sự khủng hoảng tâm lý nặng nề là điều không thể tránh khỏi khi người cha mang trọng tội sẽ phải nhận một mức án cao nhất là tử hình. Khi được hỏi về tình hình bên nội, bà Vinh cho biết, từ khi sự việc đau lòng trên xảy ra cho đến nay đã 5 năm, nhưng mọi liên lạc với bên đằng nội của hai cháu bặt vô âm tín, không ai hỏi han, thăm nom gì cả, hai cháu cũng không sang nhà nội.


“Bây giờ, bố mẹ đã không còn. Hai chị em phải sống mỗi đứa một nơi, thiếu sự chăm sóc của gia đình. Không biết tương lai sau này của hai đứa chúng nó sẽ đi về đâu?”, bà Vinh chua xót nói về hai đứa cháu ngoại.

Bà Vinh buồn rầu nhớ lại người con gái xấu số của mình.

Bà Vinh buồn rầu nhớ lại người con gái xấu số của mình.

Sau ngày xảy ra thảm kịch kinh hoàng đó, gia đình bà Vinh đã đưa 2 cháu về nhà ngoại để nuôi nấng, chăm sóc. Hiện nay, Nguyễn Hồng Phương (con gái lớn) đã 18 tuổi và Nguyễn Hồng Sơn (con trai thứ hai) đã tròn 12 tuổi. Phương là con gái lớn trong gia đình chị Huệ, khi gia đình xảy ra chuyện đau lòng, Phương được gia đình bên ngoại đón về ở với bà ngoại và ở cùng bà được 4 năm.


Cho dù lực học ở mức trung bình khá, nhưng kì thi tốt nghiệp vừa qua, Phương không đỗ, em đành phải ở lại thêm một năm nữa. Tiền học thêm và những chi phí sinh hoạt của Phương một phần được chu cấp do người bác (con cùng cha khác mẹ của bố Phương) ở miền Nam thỉnh thoảng gửi ra hỗ trợ.


Sơn là con trai út của gia đình chị Huệ, lúc xảy ra vụ án, Sơn còn rất nhỏ tuổi, để tránh cho em bị ảnh hưởng những cú sốc tâm lý quá nặng nề, người thân đã gửi em vào làng trẻ SOS (2008) để em nhanh chóng quên đi nỗi đau, hòa nhập được với mọi người. Những dịp lễ, tết nghỉ hè, người thân đón em về.


Quá khứ đã lùi xa 5 năm về trước, nhưng dường như nỗi buồn, sự căm phẫn đối với kẻ sát nhân máu lạnh ấy vẫn chưa được sự khoan hồng của tòa án lương tâm. Không chỉ bà Vinh, làng trên xóm dưới đều ghê tởm tội ác man rợ của kẻ giết người ấy. Ngay chính Phương khi được hỏi đến việc tha thứ cho người cha của mình, cô bé mắt đẫm lệ, xót xa trả lời: “Con thà không có bố”…


Chị Hoa (người trực tiếp nuôi nấng và dạy dỗ Sơn trong 5 năm qua ở làng trẻ SOS) cho biết, thời gian đầu mới nhập làng, Sơn rất ít nói, sợ những nơi đông người, ồn ào, tách mình ra khỏi tập thể. Chị tâm sự: “Có những hoạt động của làng SOS rất sôi nổi, nhưng Sơn e ngại và sợ hãi không muốn tiếp xúc với đông người”. Sơn thường cầu cứu mẹ Hoa: “Mẹ cho con về đi, con sợ đông người”. Nhưng thời gian sau đó, em bắt đầu hòa đồng hơn, lực học có tiến bộ hơn trước và thể lực khỏe mạnh, tuy em có hơi chậm chạp so với các bạn cùng trang lứa.

Ngày 9/5/2008, người dân Hà Nội bàng hoàng khi nghe tin tại khu vực hồ Rẻ Quạt, thuộc phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân có một xác chết chỉ còn nửa phần cơ thể, không đầu và không chân. Qua công tác giám định pháp y, công an quận Thanh Xuân xác định nạn nhân bị chết là nữ giới, khoảng 40 tuổi, đầu và 2 chân đã bị cắt rời. Hai ngày sau, cơ quan điều tra đã tìm thấy 2 chân, được xác định là những phần cơ thể của nạn nhân nêu trên ở mương nước Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai.


Theo Gia Đình Xã Hội

  Từ khóa: Hà Giang , Đàn ông , gia đình , bi kịch

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP