Nghe chồng nói, chị Hương quay mặt đi giấu những giọt nước mắt chợt lăn. Để có tiền chữa trị cho cả gia đình, anh chị đã phải cầm sổ đỏ cả hai căn nhà của chú và cha mẹ, vay mượn khắp nơi hơn 100 triệu đồng…
|
Đơn xin nhờ giúp đỡ của gia đình gửi đến báo Dân trí |
Tìm đến nơi ở của vợ chồng anh Bùi Đình Trí (SN 1980) và chị Lê Thị Xuân Hương (SN 1984) trú tại khối phố Phương Hòa Đông (phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, Quảng Nam), chúng tôi mới biết rằng đây chỉ là nơi ở tạm của cả gia đình.
Thương gia cảnh khốn khó của đứa cháu bất hạnh, người chú sống độc thân đã cho gia đình anh Trí ở cùng. 13 năm qua, đều đặn mỗi tuần 3 lần anh Trí đều phải đến bệnh viện để chạy thận. Vì phải chạy thận liên tục khiến cơ thể anh dần suy yếu, biến chứng gây thấp khớp, tim, huyết áp… Tiền chạy thận thì đã có bảo hiểm hỗ trợ, nhưng vì biến chứng gây các loại bệnh khác nên anh phải dùng thêm thuốc ngoài.
|
|
Cả gia đình cùng lâm bệnh nặng khiến cuộc sống dần rơi vào cảnh bế tắc, khốn cùng. Số hóa đơn điều trị của gia đình 4 người cứ cao dần theo năm tháng, nợ nần cũng chồng chất |
Đồng hành cùng anh suốt quãng thời gian dài cơ cực ấy là người vợ mắc bệnh tim. Câu chuyện buồn của anh chị bắt đầu sau đám cưới, khi anh Trí đến bệnh viện điều trị bệnh thận, chị Hương đi chăm chồng thì thấy trong người mệt mỏi, khó thở.
Mỗi tháng anh chị được trợ cấp xã hội 1.050.000 đồng |
Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận chị bị bệnh tim, phải mổ thay van tim nếu không thì mạng sống khó toàn. Người nhà phải chạy lo giúp cho chị mổ tim hết 70 triệu đồng vào thời điểm năm 2009, xin thêm sự trợ giúp của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh được 10 triệu đồng. Từ đó, hai vợ chồng phải nương tựa vào nhau để chiến đấu cùng bệnh tật.
Hơn 13 năm đi viện chạy thận, tay anh dần sưng phồng vì phải lấy ven quá nhiều lần |
“Thấy mình bệnh nặng lại phải thường xuyên chạy thận, vợ mình đau buồn lắm rồi suy sụp dần. Khi phát hiện cô ấy mắc bệnh tim chân tay mình bủn rủn, tôi đã bệnh nặng thế này giờ ông trời lại đày đọa cả vợ. Dù đã thay van, nhưng 3 tháng phải ra Huế lấy thuốc uống vì vợ không hợp với thuốc bảo hiểm kê đơn. Cả hai phải cố gắng sống để mà lo cho hai đứa con thơ dại, tội nghiệp, chúng có tội gì đâu”- anh Trí nghẹn ngào chia sẻ.
Đôi vai sưng tấy, cử động khó khăn, đến việc mặc áo hay tắm giặt đều phải nhờ tay vợ giúp đỡ |
Bất hạnh chưa dừng lại ở đó, trong đợt đi thăm khám ở Huế, anh chị xin bác sĩ khám cho hai con là Bùi Lê Đình Nhật (học lớp 7) và Bùi Lê Đình Nam (học lớp 4) để đề phòng bất trắc. Nhưng khi nhận được kết quả từ bác sĩ, anh chị ngã quỵ. Hai cháu đều mắc bệnh nhiễm liên cầu, cần phải chữa trị nếu không sẽ có biến chứng nguy hiểm.
“Bác sĩ bảo bệnh nhiễm liên cầu này nếu không được điều trị kịp thời và đều đặn sẽ thành thấp khớp, rồi biến chứng thành bệnh thận hoặc tim giống như anh chị. Hai cháu phải điều trị đều đặn đến khi 22 tuổi may ra mới có cơ hội chữa khỏi. Cứ 3 tháng một lần, cả ba mẹ con đều phải đi Huế để tái khám, kiểm tra bệnh. Mỗi chuyến đi chi phí cũng khoảng 6-7 triệu đồng. Cũng chẳng biết cả gia đình có thể trụ đến bao giờ…”- anh Trí nói.
Điều vợ chồng anh trăn trở nhất là tương lai hai đứa con, chỉ mong con có tiền để tiếp tục chữa bệnh |
Trước, anh còn có thể đi vác bình gas cho họ để phụ thêm, nhưng giờ đây cơ thể ngày càng suy yếu anh chỉ có thể lẩn thẩn trong nhà. Đôi cánh tay vì lấy ven chạy thận quá nhiều mà giờ sưng phồng, đôi vai co cứng cử động rất khó khăn. Giờ đây đến cả chuyện đơn giản như mặc áo, tắm gội anh cũng phải nhờ đến vợ giúp đỡ.
Cửa hàng gas anh mở luôn trong tình trạng đóng cửa, nếu có người thương tình thì đến mua rồi tự mang về nhà. Chị Hương làm nghề may vá lúc có lúc không, rồi nhờ mẹ đang sinh sống ở xã gởi tiền để phụ thêm tiền mắm muối.
Cuộc chiến lâu dài với bệnh tật khiến kinh tế gia đình dần suy sụp. Hết cách, anh chị đành phải cầm cố căn nhà của chú và cha mẹ để lại cho ngân hàng được 320 triệu đồng. Đồng thời vay mượn khắp nơi hơn 100 triệu đồng…
Nhưng bao nhiêu cho đủ, số tiền ấy cũng dần đội nón ra đi theo mỗi lần ra vào viện của cả gia đình. Nợ nần chồng chất, anh chị như quay cuồng trong câu hỏi liệu mình còn đi được bao lâu…
“Bác sĩ bảo mình chỉ cần thay thận là cơ hội sống khá cao, không cần vất vả chạy thận nhưng chi phí quá lớn, gần cả tỷ đồng chứ phải ít ỏi gì. Nếu có một điều ước, tôi hy vọng vợ và con được khỏe mạnh. Trả hết nợ nần, chuộc lại căn nhà để hai con còn có chỗ trú mưa tránh nắng. Mình cũng thương lượng với chú bán căn nhà đang ở để lấy tiền trả bớt nợ nần, rồi tiếp tục chữa bệnh cho con nhưng khổ nỗi đến giờ vẫn chẳng ai hỏi mua”- anh Trí bần thần chia sẻ.
Biết hy vọng chữa khỏi cho mình khá mong manh, điều duy nhất mà anh trăn trở là các con có tiền điều trị đều đặn và lâu dài để không phải mang trên người căn bệnh như cha mẹ chúng. Đó là tất cả những mong ước của người cha đang hằng ngày phải chiến đấu cùng bệnh tật, đều đặn chạy thận hơn 13 năm nay. Sự sống mong manh, vất vả càng khiến anh nghĩ đến cảnh các con phải bơ vơ, không có điều kiện tiếp tục chống chọi với bệnh tật.
Chứng kiến cảnh cả gia đình anh Trí đều mang bệnh nặng, phải khó khăn chống chọi cùng bệnh tật, bà Trần Thị Thúy Hiền (Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ) trăn trở: “Với gia đình có một người mắc bệnh đã vất vả rồi, đằng này cả gia đình anh Trí đều lâm bệnh nặng khiến khó khăn càng tăng lên bội phần. Địa phương cũng đã có chính sách hỗ trợ hai vợ chồng anh mỗi tháng 1.050.000 đồng, khi có phần quà nào cũng ưu tiên cho gia đình. Chúng tôi cũng rất mong muốn bạn đọc báo Dân trí hỗ trợ để gia đình anh Trí tiếp tục điều trị bệnh, vượt qua khốn khó”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 2799: Anh Bùi Đình Trí: 0982367606, trú khối phố Phương Hòa Đông (phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, Quảng Nam).
- Số TK 108002600657 Lê Thị Xuân Hương (vợ anh Trí), Ngân hàng Vietin Bank chi nhánh Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam.
Tác giả: N.Linh-C.Bính
Nguồn tin: Báo Dân trí