Trao đổi với chúng tôi về diễn tiến điều tra vụ án bé gái 15 tuổi nghi bị cưỡng hiếp nhiều lần xảy ra tại địa bàn xã Triệu Đông, công an huyện Triệu Phong (Quảng Trị) vừa cho biết đã giám định pháp y thương tích đối cháu bé và tiếp tục thực hiện các bước điều tra nhằm thu thập đầy đủ chứng cứ, căn cứ đảm bảo cho việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Đây không phải là vụ việc bắt quả tang, tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, bước đầu phía nghi can đã thừa nhận hành vi phạm tội.
Anh trai của N.L. bị chất độc da cam.
Thảm cảnh của một gia đình
Theo dòng Thạch Hãn tìm về thôn Nại Cửu (xã Triệu Đông) hỏi về vụ việc của bé N.L., nhiều người dân bày tỏ sự phẫn nộ tột cùng: “Thằng đó (nghi can – P.V) phải bị trừng trị nghiêm khắc, tội ác thấu trời. Con người ta là trẻ chất độc da cam. Tội quá cô ơi”.
Nghe tiếng người lạ, một bé trai bò lổm ngổm ra hiên mừng rỡ, cười ngây ngô. “Anh của N.L. đó, cũng bị chất độc da cam” – cậu bé dẫn đường cho tôi nói. Anh trai N.L. bổ người đến chụp lấy túi xách của tôi như vớ được quà. Người bố ốm dặt dẹo vừa rời giường chạy đến can con, gượng cười ra chiều xin thông cảm: “Nó thấy ai vào nhà cũng rứa”.
Từ dưới bếp, cô bé tầm 15 tuổi khá xinh gái chạy lên nhà. Tôi bất ngờ bị hút vào đôi mắt to, sâu và khuôn mặt thiếu nữ đẹp hiền dịu. “N.L. đó, em nó cũng nhiễm chất độc da cam”, người cha giới thiệu rồi buồn bã hướng mắt về đứa con trai: “Từ nhỏ, N.L. hay ốm đau, đi học lại không nhớ chữ, nhớ số nên ở nhà. Thường ngày con bé đi chăn bò, có lúc cơm nước và chăm anh trai”.
Bố của N.L. là anh Lê Hội, gia đình nhiều năm qua là hộ nghèo. Anh Hội bảo, bản thân cũng bị nhiễm chất độc da cam, 7 tuổi mới biết đi và đau ốm không đi học được. Đến lúc lập gia đình sinh đứa con trai đầu lòng vào năm 1994 đã tật nguyền từ khi mới chào đời. Hy vọng của anh chị đổ dồn vào đứa con thứ hai, bé N.L. (1998), bụ bẫm dễ thương nhưng cũng bị nhiễm chất độc da cam.
Anh Hội tâm sự, hằng ngày, mẹ N.L. ra ruộng, anh Hội lúc không ốm đau thì đi phụ nề, còn N.L. đi chăn đàn bò. Trong thôn có một nghĩa địa ở giữa cánh đồng, ở đó cỏ mọc tốt. Đàn bò nhà anh Hội thường quen ăn cỏ ở đó. N.L. tuy không nhớ con chữ, con số nhưng không phải ngớ ngẩn và rất nhớ lời cha mẹ, gắng chăm đàn bò để giúp gia đình thoát nghèo. Nên khi có kẻ đe dọa “Mi về kể với ba mẹ mi chuyện ni (bị cưỡng hiếp) là tau bắt bò”, N.L. nín thinh trong một thời gian dài, cho đến khi sự hoảng sợ đến tột cùng, em đã nói với bố bí mật đau đớn.
Tận cùng nỗi đau
Theo lời kể anh Hội, ngày 24/4/2013, như thường nhật, N.L. lùa bò ra đồng nhưng lại quyết không đi. Hai vợ chồng gặng hỏi thì N.L. cho biết: “Con sợ chú nớ đánh lắm”. Câu nói lấp lửng khiến vợ chồng anh Hội dồn dập hỏi. N.L khóc òa, sợ hãi. Vợ chồng anh nghĩ chắc chuyện xích mích chứ không bao giờ hình dung được những lời con anh sắp kể ra. “Chú Đ. chú “lấy” con. Chú nói nếu kể với ai thì sẽ bắt bò nhà mình, con sợ lắm”.
Theo lời tố cáo, người tên Đ. mà N.L. nói đến là người cùng xã, 40 tuổi, đã có vợ và con. Người này chăn bò cùng cánh đồng. Cô bé kể “chú Đ.” đã dùng sức mạnh để khống chế và hãm hại em ngay tại nơi có rất nhiều mồ mả. N.L sợ, dắt bò đi nơi khác nhưng vì đàn bò chỉ quen ăn một nơi nên N.L. không tránh được “yêu râu xanh”. Sau mỗi lần như thế, người đàn ông gây tội hăm dọa N.L.
Ngày 26/4, anh Hội quyết định báo cho cán bộ đoàn thể địa phương nhờ kêu cứu lên cơ quan chức năng. Vụ việc nhanh chóng được công an thụ lý. Được tin, Đ. cùng nhiều người thân đã sang nhà anh Hội để bàn chuyện, xin lỗi. “Công an đang điều tra, vì rứa cứ đợi công an thôi” – anh Hội cương quyết.
Theo Công An Đà Nẵng