Chị Thạch kể: “Lần cuối anh gọi về nhà lúc 18 giờ 14 phút ngày 26/7 khi anh chuẩn bị đi làm thêm. Đâu ngờ, từ đó đến nay bặt vô âm tín. Sau khi sự việc xảy ra, Công ty Simco Sông Đà gọi điện về cho gia đình thông báo anh Nhâm và 2 lao động khác mất tích tại Libya. Tôi gọi điện vào số máy của chồng nhiều lần, lạ là vẫn đổ chuông bình thường?”.
Chị Thạch cho biết anh Nhâm là con trai cả trong gia đình. Từ khi mất liên lạc đến nay, cha anh Nhâm năm nay hơn 80 tuổi “sốc” nặng. Ngày nào ông cụ cũng khóc mong ngóng tin con.
Chị Thạch bộc bạch: “Anh Nhâm đi hơn 1 năm nay. 3 tháng gần đây, việc làm ít, anh chưa gửi tiền về cho gia đình. Một mình tôi nuôi 2 cháu nhỏ, chăm cha mẹ chồng. Ngày nào cũng chờ đợi vô vọng như thế này, tôi chả thiết làm ăn gì”.
Ông Đỗ Văn Hải, Phó giám đốc Trung tâm xuất khẩu lao động Simco Sông Đà cho hay đến thời điểm này công ty vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin liên lạc nào của anh Nguyễn Văn Nhâm cùng với 2 lao động khác của Vinaconexmec.
“Qua số điện thoại của anh Nhâm, công ty có điện nhiều lần thì thấy có lúc điện thoại đổ chuông nhưng không thấy ai nghe máy. Chúng tôi cũng rất lo lắng và hy vọng anh Nhâm chỉ bị giữ tạm ở chỗ nào đó. Hy vọng sau khi tình hình lắng xuống anh Nhâm sẽ được thả ra”, ông Hải nói.
Chiều 15/8, PV Thanh Niên Online cũng đã thử gọi vào số máy của anh Nhâm bên Libya. Điện thoại vẫn đổ chuông và không có ai nghe máy.
Mất tích hay bỏ trốn?
Theo chị Thạch, sau khi anh Nhâm mất tích, nhiều thông tin nhiễu loạn liên quan đến anh Nhâm khiến mọi người trong gia đình hoang mang.
Chị Thạch rầu rĩ: “Ban đầu công ty bảo anh ấy đi làm thêm không về. Sau đó vài ngày, báo chí lại đăng anh Nhâm bị bắt cóc khi đang ở biên giới Ai Cập. Rồi lại có thông tin anh Nhâm bỏ trốn… Tôi đã nhiều lần gọi điện, gửi thư cầu cứu khắp nơi nhờ giúp đỡ. Đến nay, vẫn chưa có tin tức gì”.
Đi cùng với lao động Nguyễn Văn Nhâm còn có anh Vũ Văn Hiệp (quê quán Thái Nguyên) và anh Trần Văn Thứ (quê quán Hòa Bình), do Công ty CP nhân lực và thương mại Vinaconexmec đưa đi.
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Văn Hiệp, Tổng giám đốc công ty Vinamconecmex, cho biết đây là hai lao động đã sang Libya lần thứ 3. Những lần trước họ đã có thời gian làm việc từ 2 đến 3 năm, cùng làm việc cho cùng nhà thầu tại công trình ở thành phố Benghazi, cả 2 đều thông thạo tiếng Ả rập.
“Khi nhận được thông tin của sứ quán về tình hình bất ổn ở Libya, công ty cũng đã chỉ đạo cho cán bộ quản lý đang ở cùng công nhân bên đó thông báo đến từng người lao động không được rời khỏi nơi ở và nơi làm việc để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, vào ngày 26/7, 3 lao động này vẫn tự ý rời bỏ nơi ở ra ngoài”, ông Hiệp nói.
Là người trực tiếp quản lý các lao động tại Libya, ông Nguyễn Văn Hải, phụ trách lao động của Công ty Vinaconecmex, cho biết: “Ngay buổi tối hôm đó, chủ sử dụng lao động đã cho xe ô tô chở đi tìm lao động. Nhưng đến công trường (các lao động nhận công trình xây nhà cho chủ người Libya – PV) thì không thấy ai. Hỏi chủ nhà nói các lao động đã về. Ban đầu chúng tôi nghĩ có thể họ đi chơi đâu đó, 3 ngày sau không thấy về, chúng tôi báo cáo đại sứ quán, công ty để phối hợp tìm kiếm. Thậm chí, chúng tôi đã đến tận bệnh viện thành phố, gặp những người bị thương, lật mặt từng xác người chết để nhận dạng nhưng đều không thấy. Hiện giờ 3 lao động ở đâu vẫn đang còn là “bí ẩn”.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết khu vực 3 lao động mất tích ở Benghazi giáp với khu vực xảy ra chiến sự. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đề nghị đại sứ quán, chủ sử dụng lao động và cơ quan chức năng tại Libya hỗ trợ tìm kiếm. Mặc dù vậy, đến nay việc tìm kiếm vẫn chưa có kết quả.
Theo Thu Hằng
Thanh Niên