Sau hai tuần nước rút, chúng tôi trở lại Bệnh viện Đa khoa Hương Sơn, cả đơn vị vẫn đang tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt. Từ cánh cổng vào, ra bệnh viện đến các dãy nhà ngang dọc, chỗ nào cũng còn phảng phất dấu vết trận lũ. Nhưng tại phòng khám, số người bệnh vẫn đông như thường lệ. Ngoài kia, một số nhân viên, hộ lý đang tiếp tục công việc lau chùi, phun hóa chất, tẩy uế… để lấy lại một không gian xanh – sạch – đẹp ngày nào.
Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Quang Hòe cho biết: Bệnh viện có đặc thù riêng, cứ tới cuối mùa thu thì không chỉ lo khám, chữa bệnh, bệnh viện còn phải lo ngay đến việc lập phương án chống bão, lũ. Nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại khi có bão lũ xảy ra, đơn vị đã thành lập Ban chỉ huy phòng, chống bão lũ (PCBL), đội cấp cứu, đội vận chuyển tải thương, đội phẫu thuật lưu động, tổ cấp cứu vùng một, tổ cấp cứu tại bệnh viện. Khi mưa ngàn càng to, càng dồn dập bao nhiêu, thì nước sông Ngàn Phố càng dâng to bấy nhiêu, khiến cả 32 xã trong huyện đều úng ngập cục bộ. Trong hoàn cảnh đó, cả thầy thuốc và người bệnh tại bệnh viện lại càng vất vả gấp bội phần. Sau đêm thức trắng nghe mưa gào gió xối, sáng ra tất cả các thành viên trong ban chỉ huy phòng, chống bão lụt, các đội cấp cứu vận chuyển, cán bộ các khoa, phòng vội vàng tiến hành khuân vác máy móc, trang thiết bị, sổ sách, hồ sơ, và hai kho thuốc lên vị trí khô ráo ở tầng hai. Đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác đóng gói, bốc xếp và kê gác tài sản từ nhiều năm, cho nên mọi người đều làm rất mau lẹ và an toàn. Phó trưởng Phòng kế hoạch Thái Văn Quang nhớ lại, so với trận lụt năm 2002 thì trận lụt vừa qua ngập cao hơn, toàn bộ tầng một của các phòng khám, cận lâm sàng, khoa nội, khoa cấp cứu – nhi đều ngập từ 40 đến 60 cm.
Nhưng các thiết bị và tài liệu quan trọng đều được bảo đảm an toàn.
Không chỉ có linh hoạt trong vận chuyển, kê kích máy móc, đơn vị còn đưa toàn bộ người bệnh ở các khoa lâm sàng lên tầng hai.
Đối với bác sĩ Trần Xuân Hạnh, Trưởng khoa ngoại vẫn chưa quên dấu ấn của ca trực cấp cứu phẫu thuật ruột thừa ngày 16-10 vừa qua.
Hôm đó, sau khi cả bệnh viện tập trung “chiến dịch sơ tán tránh lũ” xong thì anh Nguyễn Văn Công (ở xã Sơn Hồng) được người nhà thuê thuyền đưa tới viện cấp cứu với triệu chứng đau bụng quằn quại. Sau khi làm các xét nghiệm và siêu âm cho thấy: Người bệnh viêm ruột thừa đã tới mức độ nguy hiểm, cần được phẫu thuật ngay. Kíp mổ gồm Trưởng khoa Trần Xuân Hạnh và ba nhân viên y tá khác. Ca phẫu thuật kiểu này trong điều kiện bình thường thì không phức tạp, nhưng thực hiện trong lúc mưa dồn, gió dập thì quả là khó khăn. Vậy mà mọi công việc từ gây mê, phẫu thuật đến hậu phẫu vẫn bảo đảm kết quả tốt, an toàn và vô trùng cho người bệnh. Cùng ngày hôm ấy, một phụ nữ từ xã Sơn Thọ (huyện Vũ Quang) cũng bị đau ruột thừa được người nhà đưa tới cấp cứu.
Đặc biệt, ngoài đau ruột thừa cấp, chị còn bị “thiểu năng tuần hoàn não” gây choáng đầu và buồn nôn…
Vậy là bác sĩ Nguyễn Quang Hòe, cùng bác sĩ Trần Xuân Hạnh trực tiếp thực hiện ca mổ… Sau mổ, người bệnh được các bác sĩ và y tá thường xuyên theo dõi và chăm sóc chu đáo.
Rồi trong ngày lũ lớn đang “bủa vây bốn phía”, nhưng vẫn có tới chín sản phụ tới Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn vượt cạn. Và cả chín sản phụ “sinh đẻ trong ngày lũ lớn” đều “mẹ tròn con vuông”.
Bài và ảnh: PHAN THẾ CẢI
Nhân Dân