BĐBP Hà Tĩnh tham gia tập huấn công tác trồng rau xanh do địa phương tổ chức. |
Từ năm 2010 đến nay, BĐBP Hà Tĩnh đã có chủ trương tập trung đầu tư cho đơn vị cơ sở về nguồn vốn, áp dụng mô hình kết hợp sử dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, gắn với việc xây dựng nguồn lực Hậu cần tại chỗ với phát triển Hậu cần khu vực phòng thủ.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phạm Nam Long, Phó Chỉ huy trưởng phụ trách Hậu cần, BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Để công tác tăng gia sản xuất đạt kết quả tốt, bảo đảm bền vững, ngoài nguồn vốn được Bộ Tư lệnh cấp và nguồn vốn vay theo định mức đầu tư cho đơn vị, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh đã huy động thêm nguồn kinh phí khác để hỗ trợ đầu tư mỗi đơn vị từ 35 triệu đến 45 triệu để có điều kiện tăng gia sản xuất một cách bài bản, khoa học”.
Với nguồn kinh phí trên, các đơn vị đã bắt tay vào xây dựng hệ thống vườn giàn, cột bê tông, khung sắt có mái che phục vụ tưới bán tự động. Hệ thống chuồng trại cũng được quy hoạch theo hướng tập trung, thống nhất, bảo đảm yếu tố vệ sinh môi trường. Cán bộ, chiến sĩ ở các đồn biên phòng chịu khó học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu các giống mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của mỗi đơn vị.
Đến nay, 100% các đơn vị trên 2 tuyến Biên phòng Hà Tĩnh đã xây dựng xong hệ thống quy hoạch khu tăng gia sản xuất. Nhiều đơn vị đã phát huy hiệu quả thiết thực các mô hình. Điển hình như Đồn BP CKQT Cầu Treo tập trung phát triển đàn lợn rừng lai hơn 200 con, 500 con gia cầm, 15 con trâu bò, thu gần 4 tấn thịt, 16,5 tấn rau xanh, 1,5 tấn cá, 250 lít nước mắm với 4.000m2 vườn giàn. Tại tuyến biển, mô hình trồng rau trên cát, chế biến nước mắm, làm ruốc tại ở Đồn BP Lạch Kèn, Đồn BP Cửa Sót, BCH CK Cảng Vũng Áng–Sơn Dương đạt hiệu quả cao.
Phát huy thế mạnh sẵn có, các đơn vị còn chăn nuôi thêm ong và các loại gia súc, gia cầm thả rông như, nhím, gà, vịt, ngan, ngỗng, … hàng năm đưa lại thu nhập tương đối cao, tăng thêm nguồn quỹ vốn đơn vị, nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội. Hiện nay, các cặp đồn tuyến biển và tuyến núi kết nghĩa để trao đổi kinh nghiệm sản xuất và tổ chức trao đổi sản phẩm tăng gia sản xuất tạo ra sự đa dạng thực phẩm.
Nhờ được đầu tư củng cố, áp dụng công nghệ, kết quả tăng gia sản xuất của BĐBP Hà Tĩnh đã đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Chỉ tính riêng trong năm 2014, BĐBP Hà Tĩnh thu hoạch được 139,5 tấn rau củ quả; 24,5 tấn thịt các loại; 11,5 tấn cá; 3.330 lít nước mắm; 1.130 kg mắm tôm, cá khô và tép khô… Giá trị thu từ tăng gia sản xuất, dịch vụ (trừ chi phí) đạt 1,5 triệu đồng/người/năm. Các đơn vị đưa vào ăn thêm cho cán bộ, chiến sĩ bình quân từ 2.000 – 4.000 đồng/người/ngày. Bên cạnh đó, còn giúp đảm bảo lương thực, thực phẩm dự trữ cho công tác sẵn sàng chiến đấu và hỗ trợ nhân dân biên giới khi xảy ra thiên tai, bão lũ.
Khu tăng gia sản xuất của Đồn BP CKQT Cầu Treo. |
Những kết quả trên đã góp phần tích cực trong việc củng cố xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, từng bước nâng cao chất lượng, bảo đảm đời sống cho bộ đội, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, khó khăn, địa bàn trọng điểm trên hai tuyến biên giới Hà Tĩnh. Các Đồn BP xa trung tâm như Bản Giàng, Phú Gia giờ đây đã chủ động tới 50% số lương thực, thực phẩm.
Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, kết quả tăng gia sản xuất chưa xứng với nguồn vốn đầu tư, tiềm năng thế mạnh và công sức của bộ đội, năng suất vật nuôi cây trồng chưa cao. Để nâng cao chất lượng tăng gia sản xuất, Phòng Hậu cần đã phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức tập huấn xây dựng chính quy công tác quân nhu, đẩy mạnh nuôi dưỡng bộ đội trong tình hình mới, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, cách phòng chống dịch bệnh; kỹ thuật trồng rau, củ, quả, nuôi ong lấy mật…
Trong đó, điểm nhấn mới là sự phối kết hợp với Sở NN&PTNT để đưa khoa học kỹ thuật, các giống mới và các quy trình sản xuất rau sạch, thực phẩm sạch vào đồn BP. Kết quả, đã làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, chiến sĩ làm công tác tăng gia sản xuất, kịp thời bổ sung những kiến thức còn thiếu, đưa công tác tăng gia sản xuất đi vào nề nếp chính quy, góp phần hoàn thiện các “tiêu chí của Đồn BP” mà Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai từ năm 2010.
Sau đợt tập huấn, Thượng tá Nguyễn Văn Tương, Chủ nhiệm Hậu cần, BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Trong thời gian tới, Phòng Hậu cần chú trọng phát triển các mô hình tăng gia sản xuất gắn với áp dụng khoa học kỹ thuật. Phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT để cung ứng giống, kiến thức khoa học kỹ thuật để tăng gia sản xuất đạt hiệu quả cao. Ngoài đảm bảo Hậu cần tại đơn vị cơ sở còn giúp đỡ bà con nơi địa bàn đóng quân phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống. Đây là cơ sở để chúng tôi báo cáo kết quả trong Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện tiêu chí Đồn BP sắp tới”.