Thời gian này tại khoa Hồi sức cấp cứu, Viện bỏng quốc gia tiếp nhận không ít những ca bỏng nặng nhưng cùng lúc 3 người phải nhập viện vì bỏng gas như gia đình anh Bùi Văn Thành (xóm Trại, Trung Hà, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) thì thật sự đặc biệt. Bị bỏng đến 70% cơ thể và đang có biến chứng suy hô hấp khiến cho anh Thành đang phải từng giây, từng phút chiến đấu để giành giật lấy sự sống cho mình cho dù đã có lúc mệt mỏi và buông tay.
Đi chăm anh, em của anh Thành là anh Bùi Văn Thạo sốt ruột và lo lắng như ngồi trên đống lửa, anh kể: “Anh Thành nhập viện được hơn 1 tuần đã tiêu tốn khoảng 130 triệu đồng rồi. Cả nhà 3 người bất ngờ bị như thế, chúng em ai cũng đổ xô đi vay tiền để cứu nhưng giờ không biết vay ở chỗ nào nữa chị ạ. Nhà chúng em toàn anh em làm ruộng, người đi làm phụ xây nên chẳng ai có tiền cả”.
Nói rồi anh cố gắng lấy lại bình tĩnh kể lại sự việc xảy ra sáng hôm 6/4 khi cả gia đình đang nấu ăn thì ngửi thấy mùi gas. Lúc đó tá hỏa anh em mọi người đã chạy đi hết rồi, chỉ còn lại vợ chồng anh Thành và cháu Thiện (5 tuổi) ở gần đó chưa chạy kịp thì bình gas phát nổ vì bị bén ngọn lửa ở 1 chiếc bếp khác đặt gần đó. Sau tiếng nổ kinh hoàng, cả người anh Thành cháy như 1 ngọn đuốc khiến ai cũng hoảng sợ, vội vàng đưa tới bệnh viện Việt Tiệp – Hải Phòng rồi từ đó chuyển thẳng lên Viện Bỏng quốc gia.
Tại khoa Hồi sức cấp cứu của Viện bỏng quốc gia, tình trạng của anh khá nặng và đang có chiều hướng diễn biến xấu. Bác sĩ Lê Quang Thảo là người trực tiếp điều trị, cho biết: “Bệnh nhân bị bỏng nặng, bỏng hô hấp và hiện đang được trợ thở bằng máy. Diện tích bỏng là 68% trong đó có 31% bỏng sâu độ 3,4 toàn thân. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực, chống sốc, dùng giảm đau an thần và được phẫu thuật 1 lần cắt hoại tử ghép da hai tay.
Hiện tổn thương bỏng của bệnh nhân còn rất nặng kèm nhiễm trùng, biến chứng phổi suy hô hấp tiến triển. Bệnh nhân không có bảo hiểm y tế nên số tiền điều trị lên đến 12-15 triệu đồng/ ngày, sắp tới bệnh nhân có thể phải lọc máu, lúc đó chi phí sẽ tăng lên khoảng gần 30 triệu/ ngày”.
Bản thân anh Thành đã thế, tình trạng của con trai cũng nguy kịch không kém khi toàn bộ vùng đầu và mặt bị cháy xém. Vợ anh là chị Vũ Thị Mùa bị bỏng phần cổ và hai bàn tay nhưng cũng không được nghỉ vì dậy chăm con. Gương mặt đầy lo lắng, chị vẫn liên tục bị giật mình hoảng hốt mỗi khi nghĩ đến tiếng nổ đinh tai và hình ảnh chồng cháy như ngọn đuốc ngày hôm đó. Mọi thứ diễn ra quá đột ngột khiến cả gia đình lao đao không còn kịp nghĩ được điều gì ngoài việc phải chịu những đau đớn hành hạ với tâm trạng bi đát và mất niềm tin.
Nằm trên giường bệnh là cậu bé Thiện với băng trắng quanh đầu, mặt, 2 tay, 2 chân và kéo dài lên đến cẳng chân. Còn khá đau và hoảng sợ nên em không nói, chỉ thi thoảng khẽ gật hay lắc mỗi khi chúng tôi hỏi điều gì đó. 5 tuổi, em còn nhỏ để biết được rõ ràng mọi thứ, cậu bé chỉ còn thấy đau và sợ mỗi khi anh đó hỏi gì về vụ tai nạn.
Lặng nhìn con, chị Mùa bộc bạch: “Bình thường anh chị làm ruộng, chị bán cháo và bánh mỳ kiếm thêm thu nhập. Vợ chồng mà khỏe mạnh thì anh chị vẫn chăm lo được cho các con mọi thứ, nhưng giờ đùng cái sự việc xảy ra như vậy, chị không biết phải làm gì trong lúc này cả. Anh Thành bị nặng, anh ấy mà có mệnh hệ gì thì không biết mẹ con chị sống sao em ạ”.
Bất lực và kiệt quệ trước số tiền đóng quá lớn, chị Mùa như ngã quỵ vật xuống nền nhà lúc nào không hay trong sự hoảng sợ của con trai. Tính mạng của chồng, tính mạng của con giờ như ngọn đèn trước gió có thể tắt bất cứ lúc nào nếu như chị không lo được tiền để điều trị tiếp. Nước mắt chảy xuống, chị nghe tim mình như chết lặng, đau đớn và tủi hờn bởi bế tắc chẳng thể thoát ra.
Tác giả: Phạm Oanh
Nguồn: Dantri.com