Tọa lạc trên diện tích 1,7 ha bám mặt đường ở khu đất đẹp của thị trấn, Trung tâm DN-HN-GDTX Đức Thọ trông bề thế với dãy nhà hiệu bộ, khu nhà học 3 tầng 18 phòng khang trang và nhà xưởng. Tổng mức đầu tư xây dựng theo dự án được phê duyệt là 13 tỷ đồng (sau khi bổ sung điều chỉnh), tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án mới được giải ngân gần 9 tỷ đồng. Sáng giữa tuần, Trung tâm đìu hiu, vắng lặng. Khoảng sân rộng mênh mông chỉ lác đác vài chiếc xe máy của cán bộ, giáo viên.
Mặc dù mới được đưa vào sử dụng (2 năm) nhưng gạch lát nền phòng học ở Trung tâm Dạy nghề – Hướng nghiệp – Giáo dục thường xuyên TX Hồng Lĩnh đã bong tróc. |
Không được khang trang và cơ bản hoàn thiện như ở Đức Thọ, Trung tâm DN-HN-GDTX của TX Hồng Lĩnh nằm khuất trong một con đường nhỏ gần dốc Đậu Liêu. Dãy nhà 3 tầng với 18 phòng học đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng vẫn tạo cảm giác lẻ loi, hiu quạnh khi nó là công trình duy nhất trong khuôn viên rộng 2,7 ha, lầy lội bùn đất sau những đợt mưa dầm.
Tiếp chúng tôi trong căn phòng học được sử dụng làm nhà hiệu bộ, cô Phan Thị Thu Thủy – Giám đốc Trung tâm cho biết: “Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm được phê duyệt năm 2006, đến năm 2009 thì khởi công. Sau 2 năm, dự án mới chỉ hoàn thành được dãy nhà học 3 tầng với 18 phòng học; nhiều công trình đã được phê duyệt như: nhà hiệu bộ, nhà xưởng thực hành, khu vệ sinh, sân cổng… vẫn chưa biết đến bao giờ mới được khởi công xây dựng. Cơ sở vật chất đầu tư không đồng bộ nên công tác giảng dạy ở Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn”. Thậm chí, ở nhiều trung tâm khác, mảng đào tạo nghề cơ khí nông nghiệp, điện dân dụng, hàn… còn bỏ ngỏ cũng bởi không có các trang thiết bị dạy học và không có học viên.
Phòng học tại Trung tâm DN – HN – GDTX Đức Thọ |
Theo nhiệm vụ, hoạt động hướng nghiệp của các trung tâm DN-HN-GDTX hiện đang hết sức khó khăn. Bởi ngành Giáo dục chỉ đạo quyết liệt trong các nhà trường từ cấp THCS, nên hoạt động hướng nghiệp của các trung tâm giờ chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, chủ yếu là tư vấn cho học sinh (HS) tự do. Nhưng thực tế hoạt động này dường như cũng chỉ tồn tại trong kế hoạch, bởi hầu hết HS khi không thi đậu vào trường công lập, các em đã thoát ly khỏi địa phương hoặc đi học tại các trường dạy nghề ở những nơi khác.
Việc sáp nhập các trung tâm GDTX; giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp (KTTH-HN) tại các địa phương là thực sự cần thiết. Theo thầy Nguyễn Duy Tiệp – Trưởng phòng GDTX – Sở GD&ĐT thì: “Hoạt động đó là để tinh giản bộ máy hành chính, tiết kiệm được một phần ngân sách, giảm bớt tính cạnh tranh tuyển sinh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm GDTX, giáo dục KTTH-HN tại các địa phương”. Mục tiêu là vậy, nhưng sau 2 năm sáp nhập, qua những lần thay đổi tên gọi, thực tế nhiều trung tâm vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn.
Khó tuyển sinh, lãng phí cơ sở vật chất
Hương Khê là một trong 2 huyện trong tỉnh chưa sáp nhập 2 Trung tâm DN với Trung tâm GDTX-KTTH-HN. Trung tâm GDTX-KTTH-HN huyện có 17 cán bộ, giáo viên với cơ sở vật chất gồm: 20 phòng học, 2 phòng máy vi tính với 58 máy tính và 10 phòng làm việc. Nhìn chung, cơ sở vật chất nơi đây cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công tác giảng dạy các lớp bổ túc THPT, các lớp nghề phổ thông, trung cấp nghề, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, việc thu hút đối tượng HS vào học bổ túc văn hóa cũng đang khó khăn.
Thầy Đoàn Văn Dương – Giám đốc Trung tâm GDTX-KTTH-HN Hương Khê cho biết: “Để duy trì hoạt động, chúng tôi đã chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo khác tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn. Riêng hệ bổ túc văn hóa, năm học 2012-2013, mở được 6 lớp với 228 HS ở 3 khối học. Trong đó, HS bổ túc THPT kết hợp theo học đào tạo trung cấp nghề có 193 học viên. Nhưng năm học này, số HS đang theo học bổ túc THPT giảm chỉ còn 171 em”.
Cùng với những khó khăn của Trung tâm GDTX- KTTH- HN, sự trầm lắng cũng đang bao trùm khắp Trung tâm DN Hương Khê. Dãy nhà học 2 tầng khang trang, 1 xưởng thực hành may, 1 xưởng thực hành nghề hàn do không tuyển sinh được học viên nên bỏ không, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy đành “đắp chiếu”. Giám đốc Trung tâm DN Hương Khê Nguyễn Đình Trung cho biết: “Theo đúng chức năng thì Trung tâm có thể đào tạo được nhiều ngành nghề khác nhau, kể cả nông nghiệp và phi nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ được phân bổ 2 biên chế là giám đốc và kế toán, không có giáo viên dạy nghề nên không thu hút được học viên”. Hoạt động của Trung tâm trong năm nay chủ yếu là nhờ 5 lớp dạy nghề nông nghiệp gồm: 3 lớp chăn nuôi gà, 1 lớp chăn nuôi lợn và 1 lớp kỹ thuật trồng nấm với tổng số 162 học viên nhưng những lớp học này cũng đã được triển khai tại các địa phương và cũng phải hợp đồng giảng viên ở những nơi khác.
Nhằm cải thiện tình hình, nâng cao hiệu quả hoạt động, UBND tỉnh đã chỉ đạo sáp nhập 2 trung tâm này. Theo đó, Trung tâm DN-HN-GDTX huyện Hương Khê được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng mới theo Quyết định 1232, ngày 14/4/2011 với tổng mức đầu tư 31,8 tỷ đồng. Tiếp đó, ngày 23/8/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2456 về việc phê duyệt bổ sung điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư 39,2 tỷ đồng (tổng mức đầu tư 2 giai đoạn).
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Ban A huyện Hương Khê – đơn vị chủ đầu tư: Hiện các hạng mục thi công dự án Trung tâm DN-HN-GDTX Hương Khê ở giai đoạn 1 đã hoàn thành trên 90% khối lượng, hạng mục trong giai đoạn 2 đã hoàn thành trên 70% khối lượng. Dự kiến, đến tháng 5/2014, toàn bộ công trình sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng với mục tiêu đào tạo 500-700 HS trong giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2015-2020 sẽ đào tạo từ 700-1.000 HS đối với lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Đối với lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, Trung tâm sẽ đào tạo với số HS tương đương với lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp ở cùng các giai đoạn.
Đầu tư lớn, quy mô hoành tráng, nhưng liệu công trình có phát huy được hiệu quả như mục tiêu đã đề ra là câu hỏi chưa có lời giải. Bởi thực tế, tình trạng lãng phí về cơ sở vật chất đã hiện hữu ở một số trung tâm huyện, thị sau khi sáp nhập. Cụ thể: 18 phòng học 3 tầng ở trung tâm DN-HN-GDTX ở Đức Thọ mới chỉ được sử dụng 3 phòng, khu nhà xưởng rộng mênh mông, nhưng không có thiết bị thực hành, đành phải chuyển thành lớp học cho 85 học viên lớp trung cấp kỹ thuật. Thầy Châu Quốc Sỹ – Giám đốc Trung tâm cho biết: “Năm 2012, Trung tâm được chuyển giao cho huyện và chỉ tuyển sinh được 1 lớp với 5 HS và đến năm nay, nhà trường không tuyển thêm được HS nào”. Ở Hồng Lĩnh là 1 dãy nhà học 3 tầng trong khuôn viên 2,7 ha hoang vắng.
Chia sẻ với chúng tôi, hầu hết giám đốc các trung tâm đều cho rằng, hoạt động của các trung tâm DN-HN-GDTX đã được chính quyền địa phương hết sức quan tâm, nhưng hoạt động không mấy hiệu quả do những khó khăn khách quan lẫn chủ quan. Bức tranh buồn về hoạt động dạy nghề, hướng nghiệp tại các trung tâm cấp huyện sẽ vẫn nguyên màu sắc, nếu không có sự vào cuộc thực sự của các ban ngành liên quan. Thiết nghĩ, các cấp, ngành cần có những chính sách, cách làm cụ thể, tạo nên những bước đột phá để nâng tầm các trung tâm DN-HN-GDTX cấp huyện trong cuộc chạy đua thu hút học viên với các trường dạy nghề đang mọc lên nhan nhản trên khắp các địa phương.
Thúy Ngọc – Nam Giang