Trong nước

Bão số 8 quét dọc bờ biển Bắc Trung Bộ

Chiều tối nay, bão đổ bộ vào Nghệ An hoặc giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh. Vietnam Airlines hủy 24 chuyến bay do bão.

“Chiều tối và đêm 26-10, bão số 8 vượt qua phía nam quần đảo Hoàng Sa, di chuyển theo hướng tây-tây bắc với tốc độ 25-30 km/giờ. Chiều tối 27-10, bão áp sát bờ biển từ Quảng Trị đến Nghệ An, sức gió đạt cấp 10, giật cấp 11, 12” – ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết tại cuộc họp khẩn trưa 26-10 của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương.

Theo ông Tăng, đến chiều 26-10, việc xác định nơi bão đổ bộ vẫn gặp khó khăn. Nếu tiếp tục di chuyển theo hướng tây-tây bắc, nhiều khả năng bão sẽ đổ bộ vào bắc Quảng Bình, nam Hà Tĩnh vào chiều tối 27-10, sau đó suy yếu và di chuyển lên Nghệ An, Thanh Hóa. Cũng có thể muộn nhất là sáng 28-10, bão mới đổ bộ vào Nghệ An. Bão số 8 sẽ gây mưa lớn trên diện rộng đến hết ngày 29-10. Khu vực Thanh Hóa đến Quảng Trị lượng mưa 300-400 mm, có nơi đạt 500-600 mm.


“Bão số 8 có diễn biến tương tự bão Lekima năm 2007 (từng gây thiệt hại rất lớn) nhưng nguy hiểm hơn vì tốc độ di chuyển nhanh, cường độ mạnh và có xu hướng quét dọc bờ biển từ Quảng Trị tới Nghệ An, sau đó gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng” – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương khẩn trương thông báo, kêu gọi tàu bè về nơi trú ẩn an toàn. Đặc biệt, phải rà soát chặt chẽ việc người nuôi trồng thủy sản cố bám bè gây thiệt hại về người; kiểm tra các tuyến đê xung yếu; sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm trong ngày 27-10.



Ngư dân Quảng Ngãi khẩn trương đưa tàu vào bờ tránh bão. Ảnh: L.NGỮ


Đến chiều tối 26-10, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết đã hướng dẫn trên 38.000 tàu với hơn 192.000 lao động đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão. Đồng thời, huy động gần 1.000 phương tiện và hơn 24.000 người tham gia phòng, chống bão.


Tại Quảng Bình, đã có hơn 3.000 tàu và 13.766 lao động vào khu neo đậu an toàn. Hiện còn 493 tàu đang hoạt động, tất cả đều đã được thông tin về cơn bão.


Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã liên lạc được với toàn bộ 227 tàu cá với gần 1.500 lao động đang đánh bắt ở vùng biển nguy hiểm. Tỉnh cũng lên phương án di dời dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở; kiểm tra an toàn các hồ chứa thủy điện và những công trình đang thi công.


Trong cuộc họp khẩn sáng 26-10, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu các địa phương có phương án sơ tán 11.500 hộ dân ven biển. Trong đó thôn Hải Dương (Phú Vang) phải di dời ngay sáng 27-10. Tỉnh cũng dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền. Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã kêu gọi toàn bộ 239 tàu và 1.409 lao động vào bờ.


Tại Quảng Trị, gần 2.500 tàu với trên 5.900 lao động đã vào nơi neo đậu an toàn. Hiện tỉnh vẫn còn 35 tàu/364 người đang hoạt động, tất cả đã được thông tin về diễn biến của bão số 8. Huyện Đakrông cho biết đã kiểm tra an toàn đập thủy điện Đakrông 3, đồng thời có phương án sơ tán 2.700 hộ dân khu vực ven sông Đakrông.


Đến tối 26-10, có 3.500 tàu với hơn 17.000 thuyền viên tại Nghệ An cập bờ an toàn. Hiện còn gần 657 tàu thuyền đang hoạt động, tất cả đã được thông báo hướng đi của cơn bão. Trong cuộc họp khẩn chiều 26-10, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cấp, ngành sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, lương thực.


Vietnam Airlines hủy 24 chuyến bay do bão


Tối 26-10, hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết do ảnh hưởng của cơn bão số 8 (tên quốc tế là Sơn Tinh), hãng này sẽ phải hủy 24 chuyến bay đi từ bốn sân bay của miền Trung là Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới và Vinh trong hai ngày 27 và 28-10.


Cũng theo hãng hàng không Vietnam Airlines, khoảng 2.400 hành khách bị ảnh hưởng do việc hủy các chuyến bay trên sẽ được hãng bố trí đi trên các chuyến bay bù và chuyến bay thường lệ vào thời gian sớm nhất. Hiện Vietnam Airlines đang theo dõi sát tình hình để cân nhắc phương án khai thác.


MAI PHƯƠNG


Đề nghị sớm cung cấp số tổng đài cảnh báo thiên tai


Ngày 25-10, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Bộ TT-TT hỗ trợ trong việc cảnh báo thiên tai qua ĐTDĐ. Cụ thể, Bộ cần cung cấp số tổng đài và thống nhất mẫu tin chung để thực hiện phát tin cảnh báo đồng bộ trên toàn quốc. Ngoài ra, nên có sự thống nhất giữa các mạng viễn thông để đảm bảo tin nhắn thông tin, cảnh báo là nguồn tin cậy. Trước mắt, Bộ cần sớm cung cấp cho TP.HCM số tổng đài và duyệt nội dung mẫu tin để thực hiện thí điểm.


THU HƯƠNG


NHÓM PV

PLTP.HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP