Giáo dục - Đào tạo

Bài luận về áo ngực đưa cô gái gốc Việt vào Đại học Harvard

Cô gái sinh ra ở Long An vừa chia sẻ bài luận thú vị về áo ngực, giúp nữ sinh bước vào cánh cổng của một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới.

“Tôi đăng ký vào Harvard như một trò đùa. Đó là ngôi trường cuối cùng mà tôi theo học và được nhận nhờ vào một bài luận rất đơn giản. Tôi không nghĩ mình có thể đỗ nên chẳng bận tâm đến việc gây ấn tượng với ai và chỉ viết những điều khiến tôi hạnh phúc”, My Ngoc To chia sẻ trên Quora, một trong những cộng đồng hỏi – đáp hàng đầu thế giới.

Cô gái sinh ra ở tỉnh Long An đã viết bài luận về áo ngực và những vì sao. Trong bức thư mời nhập học, đại diện của Đại học Harvard viết: “Tôi thực sự thích đọc bài tiểu luận về áo ngực của bạn”.

Theo My Ngoc, cảm hứng của cô xuất phát từ câu hỏi phụ trong đơn đăng ký của Đại học Chicago, Mỹ. Trường yêu cầu một bài luận dài 500 từ với chủ đề về một thứ trang phục quan trọng. Cô gái đã sử dụng lại đề tài này cho bài luận nộp vào Đại học Harvard.

Bài luận về những chiếc áo lót đã đưa My Ngoc đến với Đại học Harvard. Ảnh: Myngocto.com. 

Nội dung bài luận như sau:

Tôi nhớ lần đầu tiên mặc áo ngực. Khi ấy, tôi học lớp 5 và vừa từ trường về nhà. Mẹ đưa cho tôi một chiếc áo lót trắng để mặc dưới lớp áo sơ mi. “Bây giờ, con đã là thiếu nữ. Con cần mặc cái này”, mẹ tôi nói. Từ khoảnh khắc đó, cuộc đời tôi đã thay đổi mãi mãi.

Cùng năm đó, tôi biết rằng một ngày nào Mặt trời sẽ tàn lụi. Và tôi, khi cảm thấy sự bó buộc bên dưới lớp áo sơ mi, nhận ra rằng tuổi thơ tôi cũng sẽ tan biến như Mặt trời.

Sau chiếc áo đầu tiên, chiếc thứ 2 và thứ 3 cứ to dần. Và sau đó, tôi có chiếc áo ngực thứ 4 với kích cỡ dành cho phụ nữ trưởng thành, giống thứ mà mẹ tôi hay mặc.

Có mỗi chiếc áo mới, tôi bỏ cái cũ đi. Tại một nơi nào đó tối tăm trong góc tủ, những chiếc áo lót bị vứt đi chất thành đống. Những chiếc áo nhỏ xíu, sờn vải đó từng một lần rực rỡ trong những ngày được sử dụng. Tuy nhiên, chúng phai mờ theo thời gian và dần trở thành thứ đồ thừa thãi, cũ nát và bị bỏ mặc. Những chiếc áo tồn tại trong một góc nhỏ của vũ trụ này và đóng bụi như một ngôi sao đã chết – không sự sống, không ánh sáng và cũng chẳng còn sự mãnh liệt.

Với mỗi chiếc áo ngực mới, tôi cảm thấy bàn tay vô tình của sự đổi thay đã đẩy tôi xa hơn vào con đường mà tôi chẳng thể quay lại. Chúng không còn đơn giản như chiếc đầu tiên mà có nhiều nếp gấp, đường khâu, diềm xếp và hoa văn. Những thứ đó được tạo ra nhằm chống lại rắc rối đang lớn dần trong trách nhiệm của tôi.
Khi tôi cảm thấy mình quá lớn so với chiếc áo ngực hiện tại, tôi không thể hoặc chưa sẵn sàng thay một chiếc khác bởi những hàm ý đằng sau sự đổi thay ấy – nếu mỗi chiếc áo lót mới đồng nghĩa với cái chết của một vì sao, thì thế giới của người lớn chẳng là gì đối với tôi. Nó chẳng khác nào một cuộc đời đen tối.

Tôi đã rất cố gắng để không giết thêm bất kỳ ngôi sao nào nữa. Song, sự kháng cự của tôi chưa đủ. Tôi thấy bản thân tiếp tục chất thêm hết lớp áo này đến lớp áo khác. Chồng áo ngực cứ lớn lên không ngừng. Với suy nghĩ đó, tôi đã chuẩn bị cho mình cái kết, cho giây phúc mà cả vũ trụ của tôi bị nhấn chìm trong hố đen sau cánh cửa tủ quần áo.

Tuy nhiên, tôi đã được cứu.

Tôi học được rằng cuộc sống không đi theo đường thẳng mà theo vòng tuần hoàn: Những ngôi sao mới có thể được sinh ra từ tro tàn của những vì sao cũ, và bóng đêm của cái chết sẽ được đong đầy ánh sáng của sự sống.

Do đó, những điều được tạo ra chỉ là sự tái hiện của quá khứ trong một dạng khác để phù hợp hiện tại. Khi mặc một chiếc áo ngực mới, tôi không vứt bỏ con người cũ mà định hướng lại bản thân nhằm thích ứng với những thay đổi.

Thay đổi, dù nghe cảm thấy nặng nề, chỉ là một điều tự nhiên – chồng áo ngực cũng chỉ lớn dần. Dù khó có thể chấp nhận sự tồn tại của chúng trong cuộc sống, tôi nhận ra mình không thể sống thiếu chúng.

Bởi khi chúng ta lớn lên, mọi thứ có xu hướng sụp xuống một cách dễ dàng và chẳng điều gì đáng tin hơn chiếc áo ngực. Nó cho chúng ta sự hỗ trợ cần thiết từ bên trong để chúng ta vững vàng trong cuộc sống.

My Ngoc To sinh ra tại tỉnh Long An (Việt Nam) và lớn lên tại thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ). Cô theo học ngành tâm lý học tại Đại học Harvard với mong muốn trở thành bác sĩ tâm thần học.

Cô cho biết bản thân là người yêu khoa học, muốn chữa trị cho mọi người; chia sẻ vẻ đẹp và kết nối các ý tưởng với tư cách là một nhà văn – bác sĩ.

Ngoài ra, cô cũng đam mê nghệ thuật và hoạt động tích cực trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt thông qua phát triển bản sắc văn hóa.

Kim Ngân / Theo Zing

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP