Một nữ lao động Việt Nam, từng tới Nhật Bản làm việc theo chương trình thực tập kỹ năng, trả lời phỏng vấn. Ảnh: Japan Times. |
Ông Junpei Yamamura, bác sĩ làm tại bệnh viện Minatomachi ở thành phố Yokohama ở phía nam thủ đô Tokyo, cho rằng một số chương trình thực tập kỹ năng đã lợi dụng hình ảnh tốt đẹp của đất nước mặt trời mọc để dụ dỗ lao động nước ngoài, Japan Times đưa tin ngày 30/10.
Bác sĩ này cảnh báo lao động Việt Nam khi đến Nhật học nghề nên cẩn trọng đồng thời cho rằng chương trình thực tập nghề ở Nhật giống như "chế độ nô lệ".
Bác sĩ Yamamura đã thực hiện một video dài 13 phút sau chuyến thăm Việt Nam trong tháng 5 và 6. Trong chuyến đi này, bác sĩ đã phỏng vấn 4 lao động từng nếm trải sự khắc nghiệt của chương trình thực tập nghề ở Nhật Bản.
Những người trả lời phỏng vấn bao gồm một lao động nam 24 tuổi bị mù một mắt sau tai nạn ở công trường xây dựng tại Nhật. Thanh niên này cho biết sau tai nạn, anh bị cơ quan quản lý các thực tập sinh ép trở về Việt Nam ngay lập tức. Đồng thời, lao động này không được làm đầy đủ thủ tục bảo hiểm tại Nhật và đành phải nộp đơn xin bồi thường sau khi về đến Việt Nam.
Trong video được Mạng lưới Luật sư vì các Lao động Nước ngoài tải lên YouTube, các thực tập sinh khác nói về tình trạng bạo hành và làm thêm giờ mà không được trả công.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến cuối năm 2016, có khoảng 229.000 lao động nước ngoài làm việc tại đất nước này dưới hình thức các thực tập sinh học nghề hoặc kỹ năng. Lao động Việt Nam chiếm số lượng đông nhất với 88.000 người, tiếp theo là Trung Quốc, Philippines và Indonesia.
Trong khuôn khổ chương trình thực tập nghề, các công ty hoặc tổ chức Nhật mời lao động nước ngoài sang Nhật làm việc với tư cách là thực tập sinh. Mục đích của chương trình nhằm giúp lao động nước ngoài nâng cao kỹ năng nghề và họ có thể sử dụng kỹ năng đã học hỏi khi quay trở về quê nhà. Thực tập sinh ở Nhật Bản làm việc trong nhiều ngành nghề bao gồm chế tạo máy, xây dựng và chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, đã xảy ra những trường hợp các công ty Nhật Bản lợi dụng chương trình này để bóc lột sức lao động của người nước ngoài và coi đây là nguồn cung cấp lao động giá rẻ.
Số liệu thống kê công bố trong tháng 8 cho thấy năm ngoái, có đến 4.004 nhà tuyển dụng tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài đã vi phạm luật lao động. Đây là mức độ cao nhất kể từ năm 2003.
Cùng với sự gia tăng số lượng thực tập sinh, số trường hợp vi phạm tăng thêm 309 vụ so với năm 2015. Các vi phạm liên quan đến số giờ làm thêm bất hợp pháp chiếm 24% tổng số các trường hợp vi phạm, trong khi đó, số vụ không thực hiện các biện pháp bảo hộ lao động chiếm 19%, tiếp theo là các trường hợp làm việc thêm giờ không lương chiếm 14%.
Japan Times cho biết chương trình thực tập sinh sẽ được cải tổ mạnh mẽ vào tháng tới. Thời gian đào tạo sẽ được kéo dài từ ba năm đến năm năm và một cơ quan giám sát sẽ được thành lập để kiểm tra xem các công ty có tuân thủ các quy định về thanh toán tiền công cho lao động hay không.
Bác sĩ Yamamura cho rằng Nhật Bản nên "tiếp nhận người nước ngoài với tư cách là người lao động chứ không phải là thực tập sinh."
Tác giả: An Hồng
Nguồn tin: Báo VnExpress