“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông ngừng mọi hoạt động xây dựng, quân sự hóa các đảo và cải tạo đất”, Thủ tướng Australia, Malcolm Turnbull phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp New Zealand John Key. “Đây rõ ràng là điều quan trọng để giảm căng thẳng”, ông Turnbull nhấn mạnh.
Theo Reuters, Thủ tướng Australia nói, nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lo lắng về việc tránh rơi vào “bẫy Thucydides”, ông ấy phải giải quyết các tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế. “Bẫy Thucydides” ám chỉ những nguy hiểm có thể leo thang thành chiến tranh giữa cường quốc cũ và mới nổi.
“Chủ tịch Tập đã đúng khi coi việc tránh rơi vào bẫy Thucydides là mục tiêu quan trọng”, ông Turnbull nói.
Trong khi đó, Thủ tướng Key cho hay, New Zealand, quốc gia phát triển đầu tiên công nhận Trung Quốc là nền kinh thế thị trường và ký thỏa thuận thương mại tự do song phương giữa hai nước, đã tận dụng mối quan hệ với Bắc Kinh để thúc giục nước này thực hiện các biện pháp nhằm giảm căng thẳng trên Biển Đông.
“Khi chúng ta có mối quan hệ kinh tế sâu sắc và gần gũi hơn với Trung Quốc, chúng ta sẽ có thêm nhiều cơ hội để nói lên điều đó, theo cách riêng tư và công khai?… Tôi nghĩ là có”, Thủ tướng Key nói.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và người đồng nhiệm New Zealand, ông John Key. Ảnh: Cairnspost |
Người đứng đầu chính phủ Australia và New Zealand đưa ra những tuyên bố trên sau khi Ngoại trưởng Australia, bà Julie Bishop thăm Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, bà Bishop đưa vấn đề Biển Đông và việc nước này triển khai trái phép tên lửa tới đảo Phú Lâm tại cuộc gặp các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc gồm ông Dương Khiết Trì, ủy viên quốc vụ viện.
Trong tuyên bố do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra ra cuối ngày 18/2, ông Dương lớn tiếng cho biết, ông đã nói với bà Bishop rằng Australia không phải là bên liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, do đó Australia cần thực hiện lời hứa không đứng về bên nào và “không tham gia hoặc có bất kỳ hành động gây tổn hại cho hòa bình, ổn định khu vực cũng như mối quan hệ Trung Quốc – Australia”.
Hãng ImageSat International (ISI) chụp được hình ảnh 8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng với một hệ thống radar do Trung Quốc triển khai trái phép đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 14/2. Tên lửa của Trung Quốc điều ra là hệ thống phòng không HQ-9, gần giống với hệ thống tên lửa S-300 của Nga. HQ-9 có phạm vi hoạt động khoảng 200 km, tạo ra mối đe doạ với mọi loại máy bay, dù là dân sự hay quân sự, hoạt động gần đó. Các chuyên gia phân tích cho rằng, HQ-9 là hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến nhất được triển khai tới một đảo ở Biển Đông.
Ngày 18/2, Hoàn cầu Thời báo dẫn nguồn tin của Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố nước này “đã triển khai vũ khí tới đảo Phú Lâm từ lâu”. Tuy nhiên, tờ này không nói rõ về loại vũ khí và cho rằng truyền thông phương Tây dường như đang thổi phồng về “mối đe doạ Trung Quốc”. “Trung Quốc có quyền triển khai các cơ sở quốc phòng trong ranh giới lãnh thổ của mình”, tờ báo ngang ngược viết.
Các quan chức Mỹ cho hay, việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm của Việt Nam làm phức tạp tình hình Biển Đông. Họ cũng khẳng định, nó không ảnh hưởng tới các chuyến tuần tra Biển Đông do Washington tiến hành.