Nguyễn Hải Đăng (25 tuổi) thuộc 85 gương mặt tiêu biểu nhận giải thưởng Lương Định Của trong sản xuất nông nghiệp do Trung ương Đoàn tổ chức. Bản báo cáo thành tích của anh chỉ ngắn gọn: “Năm 2013, anh cùng bạn sáng chế ra máy cho tôm ăn tự động, sau 6 tháng bán được hơn 300 máy với giá 3,69 triệu đồng/máy”. Nhưng phía sau là câu chuyện dài của chàng trai ở Đầm Dơi (Cà Mau) với ước mơ làm giàu từ nông nghiệp.
Nguyễn Hải Đăng (áo nâu) giới thiệu cho khách hàng về các bộ phận của chiếc máy cho tôm ăn tự động. Ảnh: NVCC. |
Năm 2010, đang học năm hai Đại học Dân lập Văn Lang (TP HCM) khoa Quản trị kinh doanh, Đăng xin nghỉ. Thích kinh doanh từ nhỏ nên trước khi vào giảng đường, cậu nghĩ sẽ được thỏa ước mơ. “Nhưng một phần học đại học không như mình nghĩ, phần khác sợ ra trường không có việc làm, giống nhiều anh chị khóa trên làm trái ngành, lãng phí tiền bạc, nên mình nghỉ”, Đăng giải thích.
Một năm sau, Đăng cùng vài người bạn mở tiệm bán đồ ăn vặt nho nhỏ như sữa, sinh tố… trước cổng trường đại học. Biết công việc này không kéo dài nên dành dụm được một khoản tiền là cậu nghỉ, đi du lịch. Đăng từng hành trình dọc Nam – Bắc, từ quê đất mũi Cà Mau ra tận địa đầu Lũng Cú (Hà Giang) trong hai tháng. Vốn tiếng Anh giao tiếp tốt, cậu đi thêm Đài Loan, Pháp… với mục đích biết đó đây chứ chưa nghĩ đến việc làm giàu từ nông nghiệp.
Bước ngoặt làm thay đổi suy nghĩ của Đăng là khi được xem nông dân Pháp trồng nho trên những cánh đồng rộng bạt ngàn, hay xem nông dân Đài Loan nuôi cá với kỹ thuật hiện đại. Khi đó, chàng trai Việt Nam mới thấy cách người nông dân nước ngoài làm nông nghiệp thật khác với nông dân nước mình. Cậu hiểu vì sao họ giàu thế.
“Em thấy họ làm khác mình nhiều lắm, trồng trọt trên những cánh đồng lớn nhưng máy móc thay thế sức người nhiều, giống như một công ty thu nhỏ. Còn mình thì quá nhiều khâu trung gian”, cậu chia sẻ.
Đăng nảy ra ý định kinh doanh từ nông nghiệp nhưng chưa định hình được là gì. Quê nhà Đầm Dơi là vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ diện tích lớn nên Đăng dành một năm đi làm cho các chủ đầm. Với suy nghĩ “mình chưa biết việc thì phải chăm chỉ làm với họ”, cậu cùng ở, cùng làm với những người nuôi tôm để biết họ vất vả ra sao, gặp khó khăn gì và cần gì.
Năm 2013, khi cùng với cậu em giỏi cơ khí tên Trần Văn Út thử bật tắt bóng điện bằng bộ điều khiển từ xa, Đăng nghĩ đến việc làm chiếc máy cho tôm ăn tự động để người nuôi tiết kiệm sức. Trước đó, cậu từng quan sát thấy việc cho tôm ăn khá vất vả, tốn nhân công. “Khó khăn nhiều lắm vì ban đầu đâu có gì hoàn hảo. Kiến thức cơ khí bọn em không có nhiều, phải mày mò trên mạng, lên Sài Gòn học hỏi thêm”, Đăng chia sẻ.
Máy cao một mét gồm thùng nhựa chứa khoảng 35-45 kg thức ăn, chân sắt, bán kính phun thức ăn từ 3 đến 12 m, có thể điều chỉnh xa gần và hoạt động trong thời tiết nắng lẫn mưa. Cái khó là bộ hẹn giờ cho tôm ăn phải dễ sử dụng vì đa số là nông dân. Bộ hẹn giờ của những máy nhập khẩu nhiều chi tiết, giá thành cao. Cậu cải tiến theo hướng linh hoạt hơn ai cũng dùng được.
Với kinh nghiệm buôn bán nhỏ, ban đầu Đăng bán được một ít máy. Cậu cùng với hai người bạn học cũ trên Sài Gòn lập website và các kênh bán hàng, vừa làm vừa tiếp thị sản phẩm. Chất lượng ổn định và giá hợp lý khoảng 3 triệu đồng mỗi chiếc nên nhiều nơi đặt hàng, thị trường tiêu thụ từ Cà Mau ra Quảng Ninh. Gần ba năm sản xuất, cơ sở của Đăng bán được hơn 300 chiếc máy cho tôm ăn tự động, tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên.
Vừa học vừa làm, giờ cậu có hai cơ sở sản xuất đăng ký hộ kinh doanh. Mong muốn của chàng trai Cà Mau là làm nhiều thứ hơn về nông nghiệp hiện đại chứ không phải dừng lại ở chiếc máy cho tôm ăn.
Đăng chia sẻ chưa bao giờ hối hận vì quyết định nghỉ đại học. “Nhưng em vẫn khuyến khích mấy đứa nhỏ phải học cho đến nơi đến chốn, học để biết những gì mình muốn làm. Chỉ khi nào thực sự cảm thấy việc học không phù hợp thì hãy nghĩ đến con đường khác, bởi nghỉ học giữa chừng chưa bao giờ là lựa chọn tốt nhất”, Đăng nói.
Phương Hòa
Video: Đài truyền hình Cà Mau