Trung tá Nguyễn Thanh Thiện, Phó trưởng công an thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, rạng sáng 16/2 (mùng 1 Tết), nhà chức trách đã mật phục, bắt 58 người đưa về trụ sở để lập biên bản, xử lý về hành vi đốt pháo.
"Bước đầu họ thừa nhận hành vi, chúng tôi sẽ lập hồ sơ, xử phạt hành chính theo nghị định 167 năm 2013 trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội", trung tá Thiện nói.
Pháo nổ vang trời tại một thị xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vào đêm giao thừa.
Tại huyện Nghi Xuân, hàng chục cảnh sát đồng loạt tới các xã, thị trấn trên địa bàn, bắt quả tang 17 người đốt pháo.
Thượng tá Nguyễn Quang Thành, Phó trưởng công an huyện Nghi Xuân thông tin, việc mật phục bắt người nổ pháo rất khó khăn, vì họ ném pháo sau đó rời đi. Để bắt được, xử phạt răn đe, công an phải trực từ 20h đến 4h sáng, huy động toàn bộ lực lượng trong huyện.
"Sau khi đưa về trụ sở, chúng tôi đã yêu cầu những người đốt pháo viết bản kiểm điểm, cam kết không tái phạm, ra năm sẽ căn cứ tình tiết để xử phạt hành chính. Sáng nay, họ đã được thả về", thượng tá Thành nói.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn). Theo nhà chức trách, Hương Sơn là vùng giáp cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, nên pháo dễ dàng được đưa qua biên giới mà không bị phát hiện. "Chúng tôi đã cử người ở các tổ dân phố quay lại hình ảnh những người nổ pháo, ra năm sẽ gọi lên xử lý", lãnh đạo công an thị trấn Phố Châu nói.
Pháo nổ tại thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) sau giao thừa Tết Mậu Tuất. Ảnh: T.H |
Năm 1994, trước tình trạng đốt pháo tràn lan làm nhiều người chết và bị thương, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi năm, Thủ tướng ra chỉ thị từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Các tổ chức, cá nhân vi phạm ngoài việc bị tịch thu tang vật còn bị phạt tiền.
Tác giả: Đức Hùng
Nguồn tin: Báo VnExpress