Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM ngày 21-11 cho biết các đơn vị đang tiến hành khảo sát nhiều khu vực, tuyến đường có tình hình giao thông phức tạp, cần thiết để bố trí camera phục vụ cho việc theo dõi, giám sát. Trước đó, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương thuê 100 camera giám sát giao thông. Việc này hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo từ UBND TP, tuy nhiên theo các chuyên gia giao thông là vô cùng cần thiết trong tình hình giao thông ngày càng diễn biến phức tạp ở TP HCM.
Không đồng bộ, phụ thuộc
Một điều dễ nhận ra là nhiều khu vực tại TP HCM có tình hình giao thông phức tạp nhưng hệ thống camera quan sát lại hạn chế. Đơn cử như đường Nguyễn Văn Linh - một trong những trục chính, kéo dài qua huyện Bình Chánh và quận 7 nhưng camera chỉ thưa thớt tại một số giao lộ, trường học... Tương tự, đường Đồng Văn Cống và Nguyễn Thị Định - những tuyến huyết mạch ra vào cảng Cát Lái (quận 2) và kết nối với cụm cảng, khu công nghiệp khác ở địa bàn quận 9, Thủ Đức… nhưng hệ thống camera cũng chỉ lác đác, mỗi tuyến có chừng 10 chiếc được gắn tại các giao lộ lớn hoặc trước khu vực tập trung đông người. Những tuyến đường nêu trên có mật độ xe dày đặc ngày đêm, đặc biệt là xe tải nặng nên tình hình giao thông luôn phức tạp.
Trong khi đó, một số tuyến đường khác dẫn vào khu vực trung tâm TP như Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh); Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp); 3 Tháng 2, Cách Mạng Tháng Tám (quận 3 và 10)…, cũng đang khá căng thẳng bởi tình trạng kẹt xe. Thế nhưng dọc các tuyến này, camera giám sát chỉ thưa thớt nên ngoài việc giao thông lộn xộn ở một số thời điểm còn dễ phát sinh các vi phạm của người đi đường do khó kiểm soát.
Theo Sở GTVT TP HCM, hiện hệ thống camera giám sát giao thông được kết nối về Trung tâm Giám sát và Điều khiển giao thông thuộc Sở GTVT quản lý có tổng cộng gần 600 chiếc. Trong đó có 339 camera do sở này đầu tư và 252 camera kết nối từ các đơn vị khác như kênh VOV giao thông quốc gia, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Công ty TNHH Thoát nước đô thị TP...
Số lượng camera nêu trên thực tế khá hạn chế so với nhu cầu và chưa thể "hiểu" nhau. Bởi hệ thống 252 camera kết nối từ các đơn vị khác đang hoạt động theo hình thức đơn vị nào đầu tư thì đơn vị đó quản lý. Do đó, dù hệ thống camera của đơn vị có kết nối với Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn nhưng mục đích chính vẫn là phục vụ công tác chuyên ngành dẫn đến thiếu đồng bộ và bị phụ thuộc.
Chẳng hạn tại ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) có hệ thống camera do Kênh VOV giao thông quốc gia quản lý. Tuy nhiên, hôm xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng vào ngày 21-10, khi chiếc ôtô BMW do người phụ nữ điều khiển tông hàng loạt xe máy khiến một người tử vong tại chỗ thì camera tại đây lại… ngưng hoạt động do hư hỏng. Việc này đã gây không ít khó khăn cho công tác điều tra, xử lý hiện trường và cũng không thể quy trách nhiệm cho bất kỳ ai.
Lực lượng CSGT chủ động điều tiết giao thông tại nút giao thông ngã sáu Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp, TP HCM) sau khi camera được lắp đặt |
Sẽ rõ trách nhiệm
Theo Sở GTVT, những camera được sở này đầu tư luôn phát huy hiệu quả tích cực trong điều tiết và giải quyết sự cố. Vào năm 2015, trước tình hình ùn tắc giao thông ở nhiều khu vực gia tăng, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn đã bố trí lắp đặt camera tại nhiều nút giao thông trọng yếu, mang lại nhiều hiệu quả. Điển hình như trên xa lộ Hà Nội, đoạn qua giao lộ với đường Võ Văn Ngân và Tây Hòa (quận Thủ Đức). Những khu vực này có lưu lượng xe rất lớn nên chỉ cần một sự cố, kẹt xe trở nên trầm trọng và thực tế đã xảy ra ít nhất 2 lần vào đầu năm 2015 do đèn tín hiệu giao thông hỏng. Sau khi camera được lắp đặt, giao thông tại khu vực này đã được cải thiện đáng kể.
Tương tự, khu vực qua giao lộ Nguyễn Thị Thập - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), sau khi hệ thống camera được lắp đặt, các lực lượng như CSGT, thanh niên xung phong…, đã chủ động hơn trong việc điều tiết trước khi ùn tắc xảy ra bởi khu vực này có tình hình giao thông khá phức tạp. "Từ lúc camera được lắp đặt tại đây, tôi thấy tình hình giao thông được cải thiện và cũng giảm hẳn các trường hợp vượt đèn đỏ, chen lấn trên đường. Lực lượng CSGT thường xuyên có mặt điều tiết khi vừa xảy ra ùn ứ nên kẹt xe nghiêm trọng như trước không xảy ra" - anh Nguyễn Văn Bình (ngụ đường Nguyễn Thị Thập) nói.
Cũng theo Sở GTVT, trước những kết quả đạt được, từ đầu năm 2018 đến nay, sở này đã tiếp tục đầu tư lắp đặt bổ sung thêm 50 camera mới trên các tuyến đường, khu vực có tình hình giao thông phức tạp. Tuy nhiên, con số 339 camera do sở đầu tư so với thực tế vẫn còn rất ít nên sở kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương thuê 100 camera giám sát giao thông để nâng cao hiệu quả giám sát và điều tiết giao thông. Việc thuê 100 camera sẽ trọn gói, gồm thiết bị ngoại vi, nội vi, phần mềm quản lý, đường truyền camera cũng như việc duy tu, bảo trì hệ thống với kinh phí dự kiến khoảng 2,5 tỉ đồng.
Bình luận về kiến nghị trên, các chuyên gia giao thông cho rằng đây là một cách làm đúng hướng và cần thiết vì khi thuê sẽ rõ ràng về trách nhiệm đối với việc quản lý, bảo trì, đơn vị được thuê sẽ phải đảm nhận. Điều này đồng nghĩa với việc 100 camera được thuê sẽ không còn "vô cớ bị bệnh", nhất là khi xảy ra các sự cố giao thông nghiêm trọng cần trích xuất hành ảnh để điều tra làm rõ như vụ tại nạn ở ngã tư Hàng Xanh như đã nêu trên.
Tác giả: Gia Minh
Nguồn tin: Báo Người lao động