Thế giới

15 năm bị hàng nghìn kẻ cưỡng hiếp của cô gái Anh

Nạn nhân của một băng đảng gốc Á đã bị hàng nghìn kẻ cưỡng hiếp trong suốt 15 năm, từ khi mới 14 tuổi.

Cô gái người Anh bị lạm dụng từ năm 14 tuổi. Ảnh minh họa: PA.

Trong cuốn "Let me go" (Hãy để tôi đi), Caitlin Spencer kể lại câu chuyện kinh hoàng của đời mình, theo Mirror. Cô là nạn nhân của một băng đảng gốc Á. Theo lời Spencer, thành viên băng đảng này rất đa dạng, một số còn là chính khách địa phương.

Tháng trước, một phụ nữ và 17 người đàn ông bị kết án vì tội hiếp dâm, cung cấp ma túy và mại dâm trong loạt vụ án xét xử tại tòa Newcastle Crown ở đông bắc nước Anh. Cảnh sát cho biết có 278 người là nạn nhân.

Thủ phạm là người gốc Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, với thủ đoạn tương tự các vụ từng bị kết án ở Rochdale, Oxford, Bristol, Aylesbury và Peterborough. Tuy nhiên, Spencer nói rằng những vụ bắt giữ và kết án này không gây ảnh hưởng lớn tới mạng lưới những kẻ thích lạm dụng.

"Băng đó không thể nào nhỏ như vậy, tôi dám đảm bảo. Tôi đã bị đưa tới nhiều nơi khắp đất nước. Tôi không thể đếm được từng bị bao nhiêu kẻ cưỡng hiếp, nhưng tôi tin rằng phải có hàng nghìn tên", cô nói.

Ban đầu, Spencer không biết danh tính của những kẻ đó. Sau này, cô phát hiện một tên là chính trị gia ở địa phương.

"Tôi thực sự sốc khi biết rằng có kẻ ở vị trí đó lại dám làm những điều này. Tôi cũng tức giận nữa, vì hắn dường như là kẻ có địa vị rất cao, không thể đụng chạm tới".

Sập bẫy

Spencer là người da trắng, bị lạm dụng từ khi mới 14 tuổi. Khác với nhiều trường hợp trẻ em bị lạm dụng ở Anh, Spencer không sống trong trại mồ côi, mà sống cùng em trai và bố mẹ.

Tuy nhiên, vì bố mẹ đều làm việc ở chỗ xa nhà hàng tiếng lái xe, họ không nhận thấy những dấu hiệu ban đầu của việc con gái bị lạm dụng. Sự việc bắt đầu khi Spencer nhìn thấy quảng cáo tìm người mẫu.

Còn trẻ, ngây thơ và ở nhà một mình, Spencer đã nhấc máy gọi tới số trong quảng cáo. Một người đàn ông trả lời, hỏi rằng có tiện không khi tới nhà cô chụp vài tấm hình.

"Tôi tưởng thế là bình thường", Spencer nhớ lại.

Khi hắn buộc cô đi lên lầu và thoát y, sau đó cưỡng hiếp tàn bạo Spencer, cô sợ tới nỗi không dám phản kháng. Khi rời đi, hắn ta bảo sẽ liên lạc lại và cảnh báo Spencer không được tiết lộ với bất kỳ ai.

"Tôi nhào vào bồn tắm, ở lỳ trong phòng, cảm thấy mình thật bẩn thỉu. Tôi không dám đối mặt với gia đình, luôn tự trách bản thân", cô nói.

Vài ngày sau, hắn ta gọi lại, bảo rằng sẽ tới đưa cô đi. Spencer rất sợ, đành phải chấp nhận. Đó là khởi đầu cho những năm tháng kinh hoàng mà cô bị đưa vào đường dây buôn người và lạm dụng tình dục.

Spencer nhớ rõ "khách hàng" đầu tiên cưỡng hiếp mình.

"Đó là một người đàn ông châu Á lớn tuổi, rõ ràng đã lập gia đình", cô nhớ lại. "Ông ta còn đem theo ảnh vợ con".

Từ đó, Spencer phải tiếp một tới hai khách mỗi ngày, đa số là người gốc Á. "Chúng đe dọa sẽ giết tôi nếu để lộ ra ngoài, chúng dọa sẽ đốt nhà tôi", cô giải thích.

Một căn phòng những kẻ ấu dâm ở Oxford sử dụng để cưỡng hiếp nạn nhân. Ảnh: PA.

Những kẻ ấu dâm lạm dụng Spencer không sử dụng biện pháp tránh thai. Spencer mang thai ngay năm đầu tiên nhưng nhanh chóng bị ép phá thai. Mẹ Spencer phát hiện điều này khi đọc được nhật ký của con gái. Cô báo cảnh sát, nhưng nhân viên thụ lý hồ sơ đã thẩm vấn cô với thái độ hung dữ. Spencer nói rằng viên cảnh sát tuyên bố cô sẽ không được bảo vệ.

"Vì thế, tôi không tiếp tục báo án nữa. Cảnh sát bảo với mẹ tôi rằng, họ biết tôi là gái mại dâm, vì thế tôi đã dừng việc trình báo", cô kể lại.

Bố mẹ cô không can thiệp nữa, nhưng họ vẫn giữ quan hệ thân thiết với con gái. Họ sống gần và giúp đỡ con gái, đó là lý do Spencer không chuyển đi nơi khác.

"Người khác dễ dàng trách móc bố mẹ tôi, nhưng tôi hiểu được tình huống khó xử của họ. Nếu cảnh sát không muốn giúp đỡ, họ có thể làm được gì?"

Vì những kẻ lạm dụng liên tục đến nhà, bố mẹ Spencer sắp xếp cho cô chuyển ra sống tại một nhà trọ để bảo vệ con trai. "Ở đó thì chẳng ai để mắt tới tôi cả", cô nói.

Spencer bị bán cho các tay buôn người khác nhau và bị ngày càng nhiều đàn ông cưỡng hiếp. Đôi khi, cô bị cả một nhóm người cùng lạm dụng. Thỉnh thoảng, trong các bữa tiệc sex, Spencer và hai hoặc ba thiếu nữ khác bị ép tới phục vụ. Họ phải uống rượu và dùng thuốc kích thích.

"Tôi chẳng biết đó là thứ gì. Tôi chỉ dùng khi chúng nổi giận. Tôi cho rằng những kẻ đó muốn chúng tôi nghiện ngập để dễ khống chế hơn", Spencer nhận định.

Những kẻ lạm dụng gọi cô bằng từ ngữ tục tĩu, thỉnh thoảng, chúng còn lấy dao gí vào cổ Spencer đe dọa, hoặc quay phim cảnh cô bị cưỡng hiếp, đăng ảnh lên mạng. Một số tấm hình vẫn còn trên Internet ngày nay.

Spencer phá thai 7 lần, sảy thai hai lần và có hai con. Cô bị sang chấn tâm lý (PTSD), ký ức có nhiều "khoảng trắng". Cô thừa nhận gặp khó khăn trong việc tạo dựng quan hệ với con, nhất là với con gái lớn, người lai giữa hai chủng tộc.

"Đôi khi chúng hỏi tôi bố là ai, nhưng tôi không bao giờ muốn con biết", Spencer nói.

Chạy trốn

Cô bị lạm dụng tới năm 2013. Khi đó, băng nhóm gạ gẫm cô tìm cho chúng những thiếu nữ trẻ hơn và bị từ chối. Chúng thậm chí còn hỏi về con gái cô. Cuối cùng, sau khi chịu đựng hai vụ cưỡng bức khủng khiếp trong nhà riêng, Spencer lấy dũng khí chạy trốn. Cô liên lạc với chị họ ở Australia và kể lại mọi chuyện của mình.

Spencer và hai con gái sống ở đó 7 tháng, nhưng không xin được visa ở lại. Khi về nước, vụ việc của cô bắt đầu được chú ý. Tháng 9/2014, Trung tâm Chống buôn người của Cơ quan Tội phạm Quốc gia (NCA) chính thức xếp Spencer vào nhóm nạn nhân buôn người. Trung tâm cảnh báo vấn đề này đang bị đánh giá thấp.

"Chấm dứt tình trạng nô lệ thời hiện đại đã trở thành ưu tiên của lực lượng thực thi pháp luật, nhưng vẫn còn những hành vi phạm tội bị che giấu mà trách nhiệm của chúng tôi là tìm ra", Will Kerr, người đứng đầu phòng Đối tượng dễ bị tổn thương của NCA cho hay.

"Càng tìm, chúng tôi càng phát hiện nhiều bằng chứng lạm dụng những người dễ bị tổn thương. Số lượng bằng chứng thu thập được ngày càng tăng, có quy mô lớn hơn nhiều so với chúng ta tưởng tượng. Tin tình báo thu thập được cho thấy vẫn còn rất nhiều nạn nhân ở ngoài kia, con số nạn nhân ở Anh đang bị đánh giá thấp".

Đầu năm 2015, Spencer đồng ý phát biểu giấu tên trước Hạ viện về 15 năm kinh hoàng của cuộc đời, về những cảnh sát và chuyên gia y tế ngờ vực mình.

"Những kẻ lạm dụng tin rằng cưỡng hiếp phụ nữ không theo đạo Hồi là chuyện bình thường. Đó là niềm tin thú tính, đáng bị ngăn chặn", Spencer trình bày. "Ngày nay, vẫn còn nhiều thiếu nữ người Anh đang chịu đựng đau khổ giống như tôi từng chịu dưới bàn tay của đàn ông Hồi giáo, những kẻ đáng phải ngồi tù".

Tự truyện của Spencer về những năm tháng trong tay bọn buôn người. Ảnh: Mirror.

Cuối cùng, Spencer hợp tác với cảnh sát, nhận dạng 80 tên tội phạm trên Facebook. Tuy nhiên, do thiếu bằng chứng ADN và ký ức có nhiều "khoảng trống" của Spencer khiến cô trở thành nhân chứng không đáng tin cậy, vụ việc không đủ điều kiện đưa ra tòa.

Spencer không còn tin vào sự bảo vệ và quan tâm mà phía cảnh sát hứa hẹn. Tuy nhiên, bất chấp sợ hãi, cô vẫn lên tiếng để cảnh báo mọi người về sụ nguy hiểm của các băng nhóm này.

"Tôi sẽ không để chúng giành chiến thắng. Tôi có sợ, nhưng tôi vẫn làm và bây giờ, tôi đã làm được", Spencer nói về quyển sách của mình.

Tác giả: Hồng Hạnh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP