Sự kiện 2016

10 sự kiện giáo dục tiêu biểu năm 2016

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và đổi mới phương án thi 2017, TP.HCM cấm dạy thêm, đề án ngoại ngữ 9.000 tỷ không đạt mục tiêu… là những sự kiện giáo dục đáng chú ý trong năm.

Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra trong 4 ngày (từ mùng 1 đến 4/7). Gần 900.000 thí sinh dự thi tại 120 cụm thi (50 cụm thi tốt nghiệp và 70 cụm thi đại học).

Khâu xét tuyển khác với năm ngoái, thí sinh không được rút hồ sơ. Dù được cảnh báo, nhiều em vẫn chờ đến ngày cuối cùng mới nộp hồ sơ dẫn đến sai sót.

1. Xét tuyển đại học: Gọi 150% chỉ tiêu vẫn thiếu sinh viên

Năm 2016, lượng thí sinh nộp đơn đăng ký vào các trường giảm mạnh. Nhiều trường tốp trên thiếu hàng trăm chỉ tiêu. Một số trường thậm chí đưa ra nhiều suất học bổng, tổ chức bốc thăm trúng thưởng để thu hút thí sinh. Không ít trường gọi đến 150% chỉ tiêu vẫn không đủ sinh viên.

10 su kien giao duc tieu bieu nam 2016 hinh anh 1
Các môn thi và hình thức thi THPT quốc gia 2016. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

2. Năm 2017 thi trắc nghiệm các môn, trừ Ngữ văn

Đầu tháng 9, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017. Theo đó, kỳ thi sẽ giao về các sở GD&ĐT chủ trì. Cả nước chỉ còn một cụm thi ở các tỉnh, không có 2 cụm thi tốt nghiệp và đại học như năm 2016.

Thí sinh sẽ dự thi trong hai ngày vào tháng 6 với 5 bài thi là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trừ Ngữ văn, các môn khác thi theo hình thức trắc nghiệm.

10 su kien giao duc tieu bieu nam 2016 hinh anh 2
Thí sinh làm bài thi để xét tuyển vào đại học. Ảnh: Tiến Tuấn.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định thí sinh không thể học tủ, nhìn bài, nhắc đáp án khi làm bài trắc nghiệm. Mỗi thí sinh sẽ có một mã đề riêng, đảm bảo 80% câu hỏi không trùng lặp.

Ngày 5/10, Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa. Ngay sau đó, hàng loạt trung tâm luyện thi trắc nghiệm xuất hiện.

Thi đại học thay đổi thế nào sau hơn 45 năm?

Tính từ năm 1970, kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) có nhiều thay đổi. Trong đó, hình thức thi “3 chung” do Bộ GD&ĐT chủ trì áp dụng hơn 10 năm.

Cũng liên quan đổi mới thi cử, báo cáo trước Quốc hội ngày 16/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Nhân dân đều muốn biết rằng phương án sau cùng mà chúng ta đi đến ổn định là phương án thi như thế nào, từ lúc này đến khi đó qua bao nhiêu lần thay đổi nữa”.

3. Bộ trưởng mới: Giáo dục không phải trận đánh

Sáng 9/4, Quốc hội phê chuẩn nội các của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, trở thành Bộ trưởng GD&ĐT.

10 su kien giao duc tieu bieu nam 2016 hinh anh 3
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Sau khi nhậm chức, ông nêu quan điểm “giáo dục không phải trận đánh, giáo dục là con người”. Tân bộ trưởng tâm niệm chỉ khi nào xã hội có niềm tin vào giáo dục mới thắng lợi; chưa có niềm tin thì vẫn thất bại.

Theo ông Nhạ, giáo dục có nhiều khía cạnh phải đổi mới, chuyển từ truyền thụ kiến thức theo kiểu nhồi nhét sang phương thức tiếp cận năng lực.

Ngoài ra, các chuyên gia nhận định những vấn đề như chất lượng đào tạo suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng, thiếu nguồn giảng viên chất lượng và mức độ quốc tế hóa thấp là những thách thức lớn đối với ông Phùng Xuân Nhạ trên cương vị tư lệnh ngành giáo dục.

4. Chi phí đào tạo tiến sĩ 15 triệu đồng/năm

Tháng 4, thông tin “lò đào tạo tiến sĩ” lan truyền trên mạng một lần nữa dấy lên lo ngại về chất lượng đào tạo tiến sĩ ở nước ta. Trung bình một tháng, Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội cho “ra lò” gần 20 tiến sĩ với nhiều luận án bị cho là chưa xứng tầm.

Trình độ tiếng Anh của “lò đào tạo tiến sĩ” cũng bị nhận xét “dở hơn Google dịch”.

10 su kien giao duc tieu bieu nam 2016 hinh anh 4
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết chi phí đào tạo tiến sĩ ở nước ta là 15 triệu đồng/năm. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ GD&ĐT chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ.

Ngày 13/6, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ về việc tiến hành rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng.

Tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ” diễn ra sáng 10/11, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận chất lượng đào tạo tiến sĩ ở nước ta chưa đồng đều. Theo ông, nguyên nhân nằm ở học viên, người hướng dẫn, cơ sở đào tạo và kinh phí đầu tư.

5. VNEN, dừng hay tiếp tục?

Tháng 5/2016, ngay sau khi dự án VNEN (trường học mới ở Việt Nam) kết thúc, câu hỏi dừng hay tiếp tục áp dụng mô hình này được đặt ra, gây nhiều tranh cãi về tính khả thi và hiệu quả của nó.

Ngày 18/8, Bộ trưởng GD&ĐT gửi công văn tới các địa phương về mô hình trường học mới. Ông đánh giá VNEN có nhiều điểm tích cực, song triển khai còn máy móc, nóng vội.

Thông tư 30 nhìn từ giấy khen ‘danh hiệu từng mặt’: Giấy khen “Đạt danh hiệu học sinh từng mặt” đặt ra những câu hỏi về cách thức thực hiện Thông tư 30. Thông tư này đã thay đổi việc đánh giá học sinh tiểu học.

Trong khi TP.HCM mở rộng triển khai mô hình VNEN, phụ huynh và giáo viên một số tỉnh khác như Lâm Đồng, Nghệ An, Hà Tĩnh lại phản đối, cho rằng không mang lại hiệu quả.

Ngoài ra, hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6, nhiều phụ huynh cũng bức xúc trước các kiểu giấy khen, danh hiệu khó hiểu như “khen từng mặt”, “hoàn thành nhiệm vụ”.

Cuối tháng 9, Bộ GD&ĐT ra Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm Thông tư 30. Theo đó, giáo viên đánh giá học sinh theo 3 mức vào giữa và cuối học kỳ.

6. Đề án ngoại ngữ 9.000 tỷ không đạt mục tiêu

Đầu năm học mới, việc xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam được coi là nhiệm vụ đáng chú ý của ngành giáo dục. Tuy nhiên, nhiều người đánh giá đây là mục tiêu quá lớn, khó thực hiện.

Nếu không có quyết tâm, không có lộ trình, bước đi, chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu và rất lãng phí nguồn lực

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Ngày 17/9, tại hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết đã xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung theo chương trình 10 năm và sẽ thí điểm dạy như ngoại ngữ thứ nhất vào năm học 2017. Tiếng Nhật cũng nằm trong lộ trình giảng dạy để trở thành ngoại ngữ thứ nhất.

Trong phiên chất vấn Quốc hội ngày 16/11, khi được hỏi về Đề án Ngoại ngữ 2020, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đến năm 2020, nước ta chưa thể thực hiện các mục tiêu đặt ra trong đề án.

Trước Quốc hội, bộ trưởng nhận trách nhiệm về vấn đề này. Ông thừa nhận đề án cần được xây dựng thiết thực, khả thi, bám sát mục tiêu.

7. Rút ngắn đào tạo đại học

Năm 2016, vấn đề tự chủ đại học lại “nóng” lên. Tháng 1 năm nay, Chính phủ cho phép 12 trường đại học thí điểm tự chủ giai đoạn 2015 – 2017.

Lãnh đạo các trường đại học cho rằng tự chủ là xu thế tất yếu của giáo dục đại học nước ta hiện nay. Song trong quá trình thực hiện, nhiều vấn đề nảy sinh như việc trường mở hàng loạt ngành mới mà không cần thông qua sự phê chuẩn của Bộ GD&ĐT, tăng học phí, không công khai học phí.

10 su kien giao duc tieu bieu nam 2016 hinh anh 5
Thí sinh sau giờ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Anh Tuấn.

Liên quan đào tạo đại học, năm 2016, vấn đề rút ngắn thời gian đào tạo cũng được cộng đồng quan tâm khi hồi tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, thời gian đào tạo bậc đại học đã rút ngắn từ 4 – 6 năm xuống còn 3 – 5 năm. Thời gian đào tạo cao đẳng thay vì 3 năm, nay là 2 – 3 năm.

Việc rút ngắn này được kỳ vọng giúp người học có cơ hội tìm kiếm việc làm sớm hơn, tổng chi phí đào tạo giảm, khung chương trình được giảm tải một số môn học, song cũng đặt ra vấn đề các trường sẽ điều chỉnh chương trình học như thế nào để đảm bảo chất lượng đầu ra.

8. Đổi mới sách giáo khoa

Đổi mới sách giáo khoa được đặt ra từ năm 2015. Theo lộ trình, năm học 2018 – 2019, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ áp dụng nhiều bộ sách giáo khoa cùng lúc. Nhiều giáo viên lo ngại sách giáo khoa mới vẫn nặng về nội dung và phụ thuộc nhiều vào nỗ lực giảng dạy của từng giáo viên.

Đầu tháng 2, mạng xã hội xuất hiện thông tin sẽ có sách giáo khoa cho hai miền Bắc – Nam. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT và NXB Giáo dục Việt Nam đều bác bỏ thông tin này.

10 su kien giao duc tieu bieu nam 2016 hinh anh 6
Những phát ngôn về sách giáo khoa. Đồ hoạ: Ngọc Châu.

Cuối tháng 3, đại diện Ban soạn thảo và Đổi mới sách giáo khoa khẳng định, chương trình sách giáo khoa phổ thông sắp tới sẽ được lồng ghép và tăng cường yếu tố nhận thức giới, bình đẳng giới.

Tháng 4, Văn phòng Chính phủ đăng trả lời về câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc về vấn đề biển đảo. Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT rà soát, bảo đảm tất cả bản đồ giáo khoa đều có vẽ và ghi tên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

9. Dạy thêm – cấm rồi lại gỡ

Làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng chỉ đạo Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn chấn chỉnh, nghiêm cấm tình trạng dạy thêm, học thêm trong năm học tới. Chỉ đạo này ngay lập tức tạo ra cuộc tranh luận trong đội ngũ giáo viên và cộng đồng.

Học sinh TP HCM nói về dạy, học thêm: Nhiều học sinh cho biết phải đi học thêm vì kiến thức thầy cô giảng dạy trên lớp không đủ để thi vào các trường chất lượng cao, cũng như đại học, cao đẳng.

Các giáo viên ở TP.HCM lại mong thành phố gỡ quy định này vì chương trình học hiện còn nặng, thi cử áp lực nên việc dạy thêm, học thêm là cần thiết để đảm bảo cung cấp đủ kiến thức cho học sinh.

Ngày 29/9, tại cuộc họp báo thông tin về quy định cấm dạy thêm, học thêm, ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TP.HCM – thừa nhận quy định này có phần vội vàng. Ông cho rằng thành phố cần có lộ trình thực hiện, tránh gây bức xúc cho xã hội.

10. Biến tướng bạo lực: Phụ huynh đến trường đánh giáo viên

Năm 2016, bạo lực học đường vẫn là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục và xã hội.

Tình hình trở nên nghiêm trọng khi dưới tác động tiêu cực của mạng xã hội, nhiều học sinh, đặc biệt là nữ sinh, dễ dàng đánh bạn chỉ vì mâu thuẫn nhỏ. Các em còn bạo hành tinh thần bằng cách lăng mạ, quay video đăng lên mạng xã hội.

10 su kien giao duc tieu bieu nam 2016 hinh anh 7
Số liệu thống kê bạo lực học đường của Bộ GD&ĐT. Đồ hoạ: Ngọc Châu.

Ngoài ra, các vụ giáo viên đánh, chửi học sinh cũng khiến dư luận phẫn nộ, nghi ngờ về tư cách đạo đức của những người làm công tác giáo dục.

Đặc biệt, bạo lực học đường diễn biến phức tạp khi một số phụ huynh không kiềm chế được sự tức giận trước việc giáo viên đánh con mình và đã đáp trả bằng hành vi bạo lực.

Nguyễn Sương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP