Kinh tế

Vướng mắc trong chuyển đổi mô hình quản lý chợ ở TP Hà Tĩnh

Theo ông Trần Hậu Tuấn – Trưởng phòng Kinh tế, UBND thành phố Hà Tĩnh: “Đến thời điểm này, cả 2 khu chợ nằm trong kế hoạch là Bắc Hà và Thạch Hạ (xã Thạch Hạ) vẫn chưa thể hoàn thành phương án chuyển đổi do nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Khó khăn nhất trong việc chuyển đổi chính là chợ Bắc Hà chưa hoàn thành phương án để trình phê duyệt nên việc đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp, nhà đầu tư đủ điều kiện vẫn chưa thể tiến hành”.

Tuy đã bước sang năm 2015, nhưng TP Hà Tĩnh vẫn chưa thể hoàn thành kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo lộ trình. Nguyên nhân được xác định là do những cách làm chưa đồng độ, thậm chí thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương.
Cấm... cũng như không!

Do chưa hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý nên việc kinh doanh, buôn bán ngoài cổng khu vực chợ Bắc Hà vẫn hết sức tùy tiện, gây mất mỹ quan và trật tự đô thị.

Bên cạnh đó, qua 15 năm kể từ khi đi vào hoạt động và được UBND phường Bắc Hà “nhượng” lại quyền quản lý cho Ban Quản lý chợ thành phố thì chợ Bắc Hà đã có nhiều thay đổi để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Đến nay, mỗi ngày, tại khu chợ này có hàng trăm người dân đến mua bán, trao đổi hàng hóa. Với lượng khách đông cùng thói quen kinh doanh đã tồn tại từ nhiều năm nên nhiều hộ tiểu thương có tâm lý ngại sự thay đổi, cùng đó là sự “lo lắng”, chưa đồng thuận của Ban Quản lý chợ khiến cho việc chuyển đổi mô hình quản lý chưa thể thực hiện – ông Tuấn lý giải thêm.

Đối với việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ Thạch Hạ, do nằm ở ngoại ô thành phố, dân cư không quá đông nên việc định giá tài sản khá thuận lợi. Theo Trưởng phòng Kinh tế UBND thành phố, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ Thạch Hạ đã có kế hoạch cụ thể, tuy nhiên, vì muốn chờ hoàn thành phương án của chợ Bắc Hà để đưa ra đấu thầu cùng lúc, tránh rườm rà.

Với lý giải của những người có trách nhiệm ở TP Hà Tĩnh thì vấn đề chuyển đổi chợ Thạch Hạ bị chậm trễ là do chính quyền thành phố chưa quyết liệt. Tuy nhiên, trên thực tế, hoàn toàn có thể lựa chọn một phương án an toàn khác là tập trung hoàn thành ở chợ Thạch Hạ để rút kinh nghiệm, dồn sức cho mục tiêu còn lại.

Thời gian gần đây, TP Hà Tĩnh có những bước tiến quan trọng trong phát triển thương mại – dịch vụ. Siêu thị Vinmart thuộc hệ thống 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trên toàn quốc chính thức đi vào hoạt động trên diện tích 3.300 m2. UBND tỉnh và thành phố cũng đang khẩn trương triển khai kế hoạch giải phóng mặt bằng bàn giao cho Tập đoàn Vingroup để triển khai dự án trung tâm thương mại, nhà ở Vincom trên quy mô 57.000 m2. Đây là niềm vui lớn đối với người dân Hà Tĩnh nhưng cũng là sự lo ngại đối với chiến lược phát triển chợ trên địa bàn thành phố, bởi các khu chợ khó có thể cạnh tranh được với những siêu thị, trung tâm thương mại khi đi vào hoạt động.

Về kế hoạch thời gian tới, ông Trần Hậu Tuấn cho biết: “Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhất là ở các khu chợ thuộc vị trí trung tâm như TP Hà Tĩnh. UBND thành phố đã quyết liệt ngay từ đầu khi đích thân Chủ tịch UBND thành phố Trần Thế Dũng trực tiếp làm Trưởng BCĐ chuyển đổi mô hình quản lý chợ và Phó Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban chuyên trách. Trước mắt, nếu không thể tháo gỡ khó khăn, thành phố sẽ mời đơn vị tư vấn độc lập, có kinh nghiệm để định giá khách quan tất cả tài sản. Qua kêu gọi, kết nối, hiện đã có một vài doanh nghiệp, tổ chức liên hệ, mong muốn được đầu tư ở chợ Bắc Hà. Đối với chợ Thạch Hạ, thành phố sẽ gấp rút thực hiện công tác định giá tài sản để hoàn thành phương án chuyển đổi trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, chúng tôi đang ưu tiên phương án làm mới ban quản lý, đồng thời, áp dụng hình thức thu phí 5 năm/lần. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh nhằm tạo sự đồng thuận cao, sớm xây dựng một địa điểm buôn bán quy mô, có thể cạnh tranh lành mạnh với các siêu thị, trung tâm thương mại. Đặc biệt, người dân có thêm địa chỉ mua bán tin cậy”.

Thế Công

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP