Kỳ Anh

Vụ ‘cạo trắng’ hàng chục ha rừng phi lao ven biển: coi thường tính mạng người dân!

Trước việc triệt hạ hàng chục ha rừng phi lao phòng hộ gần 100 năm tuổi tại thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam (Thị xã Kỳ Anh – Hà Tĩnh) đang khiến dư luận và người dân hết sức bức xúc.

 >>  Hà Tĩnh: Xót xa cảnh hàng chục ha phi lau phòng hộ ven biển bị ‘cạo trắng’

“Chúng tôi mất “tấm áo giáp” bảo vệ rồi”

Rất nhiều người dân coi khu rừng phi lao phòng hộ ven biển Hà Tĩnh là một chiếc áo giáp chống lại mọi thiên tai khắc nghiệt của khí hậu miền Trung. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây với việc phát triển ngành thuỷ sản nuôi tôm trên cát, các cánh rừng phi lao ven biển đang dần bị triệt hạ với một tốc độ rất nhanh. Đặc biệt, tại địa bàn Kỳ Anh tình trạng tàn phá rừng phi lau ven biển là nghiêm trọng nhất.

Ông Nguyễn Mạnh Mờng – Thôn trưởng thôn Minh Huệ (Kỳ Nam) nói, thôn chúng tôi nằm sát biển, điều kiện thiên nhiên cực kỳ khắc nghiệt nên từ xa xưa ông cha chúng tôi đã tổ chức trồng rất nhiều cây phi lao để giữ đất, không cho biển lấn vào, những rừng phi lao này vào mùa mưa bão như  “chiếc áo giáp” che chở cho người dân.

Ông Nguyễn Mạnh Mờng – Thôn trưởng thôn Minh Huệ (Kỳ Nam): Từ xưa đến nay khu rừng phi lao này là tấm áo giáp bảo vệ người dân nghèo chúng tôi mỗi khi mùa mưa bão đến

“Thu hút Doanh nghiệp về đầu tư kinh tế là chủ trương đúng đắn của tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, họ cũng phải biết quy định về bảo vệ rừng phòng hộ chứ. Đằng này vì lợi ích kinh tế trước mắt mà có lỗi với con cháu sau này. Tôi không đồng tình với chủ trương của Tỉnh về việc cho phép Doanh nghiệp tàn phá rừng phi lao này. Vì đây là lá phổi của chúng tôi, chiếc áo giáp bảo vệ chúng tôi…”,  bức xúc.

Còn cụ ông Võ Vĩnh, (79 tuổi, trú tại thôn Minh Quý) nhớ lại: Đấy là khu rừng đời ông, đời cha chúng tôi trồng. Ông cha chúng tôi lúc đó phải đi gánh cây xã hàng chục cây số ở các xã vùng ngoài như Kỳ Tiến, Kỳ Bắc (Kỳ Anh) về trồng.

Tôi còn nhớ rõ, năm 1956, Bác Hồ kêu gọi trồng cây gây rừng, lúc đó người dân chúng tôi từ già đến trẻ đều hưởng ứng lời kêu gọi của Bác. Người ta chặt cây không hề thông báo cho chúng tôi gì cả. Vậy là xã tôi mất “tấm áo giáp” bảo vệ rồi” các chú ơi!

Ông Võ Vĩnh bần thần khi rừng cây quý bị chặt!

Ông Nguyễn Đình Xân (thôn Minh Quý) cho biết, tôi năm nay đã sống gần nửa đời người rồi, lớp chúng tôi khi lớn lên đã thấy khu rừng phi lao ngút ngàn rồi. Ngày đó, tôi có theo chân cha đi trồng cây, lúc ấy xã có giao cho từng người rất rõ ràng là một người phải trồng 4 cây.

Việc người dân chúng tôi từ đời này sang đời khác trồng, chăm sóc, và bảo vệ khu rừng này như vậy. Thế nhưng, khi họ tiến hành làm dự án không hề có một cuộc làm việc nào với người dân chúng tôi cả?

Chặt cả vào vùng cấm?

Nhiều người dân xã Kỳ Nam, tuyệt đối không đồng tình với  chủ trương này. Họ cho rằng, cuộc sống và tính mạng của mình bị đe dạo trong mỗi mùa mưa bão đến nếu rừng phòng hộ không còn. Vì khu vực này diện tích đất liền hẹp người dân sống ngoảnh mặt ra biển, áp lưng vào núi.

Cũng trong cuộc họp vào ngày 27/6/2015, tại xã Kỳ Nam, bàn về việc giao đất rừng phi lau cho doanh nghiệp, nhưng tuyệt đại đa số không đồng tình với việc đốn hạ rừng phi lao trăm tuổi để nuôi tôm.

Ông Bùi Văn Chuổng – PCT UBND xã Kỳ Nam – cho biết, qua kiểm tra, đã có gần 300 cây phi lao bị chặt hạ.

“Chúng tôi đang hết sức đau đầu vì việc này, tiền vụ tôm năm 2014 của 90 ha thu hồi đất ruộng chưa trả cho dân, nay lại lấy tiếp để nuôi tôm, nuôi cá. Muốn làm thì phải trừ rừng phi lao 30m từ hàng lang chắn sóng vào, rồi đền bù xong chỗ hồ tôm nếu không sẽ không làm được với dân đâu”, – ông Chuổng nói

Còn ông Đặng Đình Dích – Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Nam cho biết: “Theo chủ trương của tỉnh cho Cty Grobest thực hiện Dự án nuôi tôm, cá bơn, cá mú với diện tích 159 ha trên địa bàn xã Kỳ Nam, trong đó, một phần đất có rừng phi lao ven biển.

Khu rừng phi lao sát biển tại Kỳ Nam đã bị chặt trắng để phục vụ cho dự án nuôi tôm
Ngày 17 và 18/7 vừa qua khi xã đang tiếp xúc cử tri thì Cty Grobest tiến hành chặt rừng phi lao lấn ra cả phần 30m đã cấm trước đó

Với việc lấy đất có rừng phi lao, người dân và chính quyền xã đã phản đối rất mạnh. Xã yêu cầu giữ lại 30m rừng phi lao (tính từ hành lang chắn sóng vào) để bảo vệ dân cư. Tuy nhiên, trong ngày 17 và 18/7 vừa qua khi xã đang tiếp xúc cử tri thì Cty Grobest tiến hành chặt rừng phi lao lấn ra cả phần 30m đã cấm trước đó. Sự việc khiến người dân bức xúc ra ngăn cản. Ngay sau đó, xã đã ra kiểm tra và đình chỉ việc chặt cây vì đã chặt vi phạm vào phần yêu cầu giữ lại 30m tính từ hành lanh chắn sóng”.

“Hiện chúng tôi đã báo cáo lên thị xã về việc dân không đồng tình cho chặt rừng phi lao phòng hộ ven biển để thực hiện Dự án. Chúng tôi cũng đề nghị kiên quyết không được phá rừng phòng hộ vì để chắn gió, bão. Nếu chặt sẽ ảnh hưởng đến toàn dân cư của xã, ảnh hưởng đến sản xuất”,  ông Dích nói.

Mất rừng, người dân nghèo Kỳ Nam xót xa nhưng bất lực!

Để tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân sự việc này PV Tầm nhìn đã liên lạc với lãnh đạo Khu kinh tế Hà Tĩnh và lãnh đạo Công  Grobest đặt lịch làm việc những các vị này không hồi âm.

Xuân Sơn – Hải Hằng/ Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP