Xã hội

Vietcombank hủy thẻ tiết kiệm của khách hàng trái luật

Ngày 12/1/2019, Tạp chí Doanh Nghiệp & Hội Nhập đăng tải bài viết: “ Khách hàng tố gửi 100 triệu đồng tại Vietcombank, sau 1 năm chỉ còn 10 triệu”, phản ánh việc bà N.T.T.H, trú tại quận Hoàng Mai gửi 100 triệu tiết kiệm tại Phòng Giao dịch Vĩnh Hoàng- Chi nhánh Vietcombank Chương Dương nhưng sau đó Ngân hàng cho biết thẻ tiết kiệm của bà chỉ mở có 10 triệu đồng, do nhân viên Ngân hàng nhầm lẫn khi nhận tiền gửi. Không đồng tình với cách giải thích của Ngân hàng, để bảo vệ quyền lợi của mình, bà H. đã gửi đơn khiếu nại và tố cáo đến cơ quan chức năng và báo chí.

Sổ tiết kiện do Ngân hàng Vietcombank phát hành ghi rõ số tiền khách hàng gửi tiết kiệm 100 triệu đồng

Sổ tiết kiện do Ngân hàng Vietcombank phát hành ghi rõ số tiền khách hàng gửi tiết kiệm 100 triệu đồng

Để làm rõ thực hư câu chuyện bà N.T.T.H “gửi tiền tiết kiệm nhưng “bị ngót 9/10 số tiền”, phóng viên Tạp chí Doanh Nghiệp & Hội Nhập đã đến làm việc với Trưởng phòng Giao dịch Vĩnh Hoàng, Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Chương Dương cũng như liên hệ điện thoại với Đại diện truyền thông của Ngân hàng Vietcombank và đều nhận được câu trả lời bà H. chỉ gửi 10 triệu đồng nhưng không cung cấp được những căn cứ thuyết phục. Trong khi đó, tại các giấy tờ liên quan đến việc gửi tiền và thẻ tiết kiệm do Ngân hàng phát hành, có đầy đủ con dấu và chữ ký của nhân viên và cán bộ Ngân hàng đều ghi rõ số tiền khách hàng N.T.T. H. gửi là 100.000.000 đồng (cả bằng chữ). Rõ ràng, đây là những cơ sở pháp lý và căn cứ để bà H, yêu cầu Ngân hàng Vietcombank phải có trách nhiệm trả đầy đủ tiền cho mình.

Về phía cơ quan chức năng, trao đổi vơi phóng viên, ông Nguyễn Xuân Trưởng- Đội phó Đội cảnh sát Kinh tế Công an quận Hoàng Mai cho biết, sau khi các bên không thống nhất được cách giải quyết, Ngân hàng Vietcombank đã gửi đơn đến Phòng An ninh Kinh tế- Công an TP Hà Nội, còn bà H. gửi đơn trình báo đến Công an quận Hoàng Mai đề nghị điều tra làm rõ. Phòng An ninh Kinh tế đã thống nhất và bàn giao hồ sơ vụ việc cho Công an quận Hoàng Mai thụ lý. Qua điều tra, xác minh, ngày 13/9/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Hoàng Mai đã đã có thông báo khẳng định: “ Không đủ cơ sở xác định chính xác ngày 9/2/2018 chị N.T.T.H gửi tiết kiệm số tiền 100.000.000 đồng và cán bộ Phòng Giao dịch Vĩnh Hoàng - Chi nhánh Chương Dương - Ngân hàng Vietcombank đã cố ý gian dối đê chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của chị H. Đây là quan hệ dân sự, nếu các bên không tự giải quyết được thì gửi đơn tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết theo quy địnhh”.

Thông báo hủy thẻ tiết kiệm của Chi nhánh Chương Dương- Vietcombank

Thông báo hủy thẻ tiết kiệm của Chi nhánh Chương Dương- Vietcombank

Như vậy, để làm rõ đúng sai, giải quyết dứt điểm tranh chấp giữa Ngân hàng Vietcombank và khách hàng N.T,T,H. cần phải có phán quyết của Tòa án. Điều bất bình thường, ngày 19/12/2018, ông Nguyễn Bá Minh- Giám đốc Chi nhánh Chương Dương Vietcombank đã có thông báo số 1685/CD-KT với nội dung: “Ngân hàng đã hủy thẻ tiết kiệm số 0545000689058 của khách hàng N.T.T.H., số tiền 100 triệu đồng, kì hạn 12 tháng và đã phát hành thẻ tiết kiệm mới, số tài khoản 0545000689086, tên khách hàng N.T.T.H, số tiền 10 triệu dồng, kỳ hạn 12 tháng, đúng theo số tiền bà đã nộp...”

Việc Vietcombank tự ý hủy thẻ tiết kiệm với số tiền 100.000.000 đồng, ban hành thẻ tiết kiệm mới 10.000.000 đồng của khách hàng N.T.T.H. đã vi phạm điều Điều 126 Bộ luật Dân sự năm 2015. Câu hỏi đặt ra, nếu có sự nhầm lẫn tại sao Ngân hàng Vietcombank sau gần 1 năm mới tiến hành hủy thẻ tiết kiệm của bà H.? Căn cứ vào đâu mà Vietcombank khẳng định khách hàng N.T.T.H chỉ gửi tiết kiệm 10.000.000 đồng? Cán bộ Ngân hàng thiếu hiểu biết pháp luật hay vì mục đích nào đó đã ra thông báo hủy thẻ tiết kiệm của khách hàng trái luật. Hay Ngân hàng Vietcombank tự cho mình được quyền làm thay chức năng của Tòa án?

Xin được nói thêm, sau khi đăng tải bài viết phản ánh sự việc, Ban Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp& Hội nhập đã có công văn gửi Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank đề nghị xác nhận và trả lời những nội dung báo nêu theo quy định của Luật Báo chí nhưng hiện Tòa soạn chưa nhận được văn bản hồi âm.

Tạp chí Doanh Nghiệp & Hội Nhập sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về diễn biến sự việc này.

Điều 126 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu tòa án hủy bỏ giao dịch dân sự vô hiệu”.

Tác giả: Nhóm PV Pháp luật

Nguồn tin: Tạp chí Doanh Nghiệp & Hội Nhập

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP