Bạn cần biết

Từ 4 người trong gia đình ở Hà Tĩnh thương vong vì cháy điều hòa: Cách nhiều người đang dùng điều hòa có thể dẫn tới cháy nổ mà không biết

Điều hòa nhiệt độ là vật khó thiếu ở nhiều gia đình trong mùa nắng nóng cao điểm. Việc dùng điều hòa nhiệt độ mùa nóng chỉ cần bỏ quên điều này là bạn rất dễ gặp tai nạn vì cháy nổ.

Bỏng nặng vì điều hòa cháy

Mới đây, một vụ hỏa xảy ra ở Thạch Hà, Hà Tĩnh đã khiến 4 người trong gia đình bị bỏng nặng. Theo đó khi gia đình họ đang ngủ chung trong phòng ở tầng 1, căn phòng bất ngờ bốc cháy. Cả gia đình hoảng loạn kêu cứu, người dân gần đó nhanh chóng dập lửa đưa cả gia đình họ đi cấp cứu.

Theo những người dân xung quanh, lửa cháy từ chiếc máy điều hòa gắn trên tường lan xuống giường ngủ và các đồ vật trong phòng. Do bị bỏng sâu nên khi được sơ cứu ở bệnh viện tỉnh, 4 nạn nhân đã được chuyển ra Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác tiếp tục điều trị. Do tình trạng quá nặng, người chồng đã không qua khỏi, còn người vợ và hai con nhỏ (1 bé 5 tuổi và 1 bé 9 tháng tuổi) vẫn đang được các bác sĩ điều trị tích cực.

Ảnh minh họa điều hòa bốc cháy.

Trước đó không lâu, anh Nguyễn Vương ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) trong lúc chơi game đã phát hiện khói bốc lên từ máy điều hòa trong phòng và bắt đầu bốc cháy dữ dội. May mắn là vụ việc không gây thiệt hại về người, tuy nhiên một góc phòng ngủ đã hư hại. Theo chia sẻ của anh, khi thuê nhà đã có máy lạnh sẵn trong phòng, ít vệ sinh máy lạnh. Qua sự việc, anh khuyên mọi người cần phải vệ sinh, bảo dưỡng thường xuyên máy điều hòa.

Trong những ngày nắng nóng cao điểm năm trước, trên địa bàn Hà Nội cũng từng xảy ra một số vụ cháy mà tác nhân bắt nguồn do chập cục nóng điều hòa gây nên. Theo Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH – Công an TP Hà Nội, trong thời gian qua nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra vì cháy cục nóng điều hòa do hoạt động quá công suất, dòng điện không ổn định và khâu lắp đặt không cẩn thận, dây điện kém chất lượng… Chính vì những điều chủ quan này, sau thời gian sử dụng điều hòa gặp phải các sự cố như dây dẫn hư hỏng lớp cách điện, mối nối bị oxi hóa giảm tiếp xúc, ẩm ướt… làm chập hoặc phóng tia điện gây cháy.

Trong khi nhiều người để những vật dụng dễ cháy như chăn màn, vải vóc, vỏ hộp giấy… gần khu vực cục nóng điều hòa. Khi xảy ra sự cố chập điện ở thiết bị này, lửa dễ bắt sang, cháy lan rộng khó khống chế. Cục nóng điều hòa cần để có khoảng cách thoát được khí nóng mới đảm bảo khi vận hành.

PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, nguyên cán bộ Viện Khoa học & Công nghệ nhiệt lạnh (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, nguy cơ cháy điều hòa là rất dễ xảy ra trong những ngày hè nóng nực. Nhiệt độ ngoài trời và hệ thống tản nhiệt chênh lệch quá lớn khiến bộ phận làm mát không đáp ứng được, quá tải, dẫn tới chập cháy.

Nếu dòng điện không ổn định, không có bộ ổn áp chạy máy cũng dễ gây cháy. Thường điện áp dành cho máy 220V phải nằm trong phạm vi cho phép là từ 198 - 242V. Khi nguồn điện thấp hoặc cao hơn đều có thể dẫn đến hiện tượng máy hoạt động kém lạnh, không đảm bảo an toàn. Vào mùa hè, đường dây điện dẫn vào máy thường xuyên trong tình trạng quá tải, gây nên hiện tượng chập cháy.

Phòng tránh cháy nổ điều hòa

Ông Trần Văn Vịnh – thợ điện có kinh nghiệm lâu năm ở Phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, để đảm bảo an toàn khi lắp máy điều hòa, quan trọng nhất là phải đảm bảo các quy định kỹ thuật. Chẳng hạn, trước khi lắp đặt cần tính toán về tiết diện dây dẫn, thiết bị bảo vệ, chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với công suất phù hợp.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng cần lưu ý bảo dưỡng, kiểm tra định kì. Việc vệ sinh bảo dưỡng điều hòa theo định kỳ quy định vừa làm sạch máy, tăng tuổi thọ cho điều hòa mà còn giúp mang lại không khí tự nhiên trong lành nhất đảm bảo sức khỏe. Để tránh những sự cố không đáng có, trung bình một năm nên liên hệ với nhân viên bảo dưỡng khoảng 2 lần.

Các chuyên gia khuyến cáo, một trong những cách mà rất nhiều người đang dùng có thể dẫn tới điều hòa cháy nổ:

+ Bật điều hòa 24/24:

Đây là thói quen rất nhiều gia đình gặp, nhất là trong những ngày nắng nóng cao điểm. Thường mọi người cho rằng việc này sẽ tiết kiệm điện hơn là việc bật đi bật lại sẽ làm tốn điện do điều hòa phải khởi động nhiều. Cách dùng này lại làm điều hòa quá tải. Cục nóng phải làm việc liên tục không có nghỉ ngơi. Việc hoạt động liên tục thời gian dài, cục nóng tăng nhiệt độ lên cao nên rất dễ cháy nổ. Khi dùng vài tiếng nên cho điều hòa nghỉ ngơi để hạ nhiệt dàn nóng giúp làm mát nhanh hơn.

+ Để nhiệt độ thật thấp:

Không chỉ có thói quen dùng liên tục 24/24 giờ trong thời tiết nắng nóng lên đến 38-40 độ C, nhiều người thường để nhiệt độ rất thấp cho phòng mát lạnh nhanh hơn. Điều này khiến điều hòa phải gồng lên chạy quá tải. Nhiệt độ ngoài trời càng cao, cục nóng điều hòa càng phải làm việc nhiều hơn, hoạt động hết công suất để đạt được nhiệt độ mà người dùng cài đặt. Không những thế, nhiệt độ chênh lệch quá lớn còn ảnh hưởng sức khỏe. Mọi người chú ý dùng điều hòa ở chế độ 25-28 độ C kết hợp thêm quạt. Mức nhiệt này vừa đảm bảo thoải mái vừa tiết kiệm điện.

+ Không chú ý lắp aptomat

Lắp aptomat cho điều hòa rất quan trọng vì giúp cho hoạt động ổn định, không ảnh hưởng tới các thiết bị khác khi xảy ra sự cố về điện. Trường hợp có rò điện, chập điện, aptomat tự động ngắt đảm bảo an toàn cho thiết bị điện cũng như tính mạng của con người. Khi không dùng nên ngắt aptomat vừa tiết kiệm điện năng vừa không gây hư hỏng cho điều hòa.

Tác giả: Phương Thuận

Nguồn tin: Báo GĐ&XH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP