Dự án đầu tư

Thi công trước, lập Hội đồng đền bù sau, Dự án Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc chậm tiến độ

Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) là công trình văn hóa, phục vụ đời sống tâm linh của nhân dân để tưởng nhớ, tri ân đối với các Liệt sĩ TNXP cả nước và các Liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Vừa qua, Khu di tích được đầu tư gần 44 tỷ đồng để xây dựng Đền thờ. Tuy nhiên, khi công trình này đang được tiến hành giữa chừng thì bị “ách” lại do người dân không đồng thuận.

 Toàn bộ phần đất dùng xây dựng Đền thờ (vòng tròn đỏ) nằm trên diện tích đất đền bù từ nhà ông Công.

Dự án Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt theo quyết định số 2158/QĐ-UBND ngày 5.6.2015, do BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc làm chủ đầu tư. Tổng số vốn là 43,778 triệu đồng, từ nguồn xã hội hóa, được khởi công xây dựng vào ngày 30.12.2015.

Công trình có liên quan đến hai hộ dân tại thôn Thượng Xuân, xã Xuân Lộc, vì thế trước khi triển khai dự án, đại diện BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã trực tiếp gặp gỡ, thương lượng với họ.

Về vấn đề này, hộ ông Nguyễn Hữu Công cho biết: “Để có đất xây dựng công trình, BQL Khu di tích đã sang thương lượng với gia đình tôi, xin lấy 560m2 đất để xây đền thờ và sẽ đền bù với giá 6.900 đồng/m2, chúng tôi vui vẻ đồng ý”.

Nhưng trong quá trình triển khai dự án, vì vị trí xây dựng ở trên đồi cao nên phần chân xoãi ra lấn thêm sang đất ông Công tổng cộng là 980m2, vượt gần gấp đôi so với diện tích đất được thỏa thuận ban đầu nên gia đình ông Công đã phản ánh với BQL Khu di tích. Thay vì cùng nhau ngồi lại tìm cách giải quyết thì ông Nguyễn Đình Ước – Trưởng BQL Khu di tích đã có lời qua tiếng lại với hàm ý “đe dọa” nên ông Công đã không cho đơn vị thi công tiếp tục đổ đất, buộc công trình đang trên đà đẩy nhanh tiến độ phải dừng lại giữa chừng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Công, cho biết: “Việc xây dựng Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc là việc nên làm. Có những người ở xa, không phải quê hương Hà Tĩnh, họ còn góp cả tỷ đồng để ủng hộ, đối với gia đình tôi, việc ủng hộ một ít diện tích đất là rất bình thường. Nhưng với cách làm và sự áp đặt theo kiểu bề trên của Trưởng BQL Khu di tích khiến gia đình chúng tôi không thể chấp nhận được nên chúng tôi buộc phải cho dừng thi công và yêu cầu giải quyết đền bù”.

 Công trình buộc phải dừng lại giữa chừng vì đã lấn quá đất nhiều so với thỏa thuận ban đầu với gia đình ông Công

Theo thông tin từ một cán bộ thuộc Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc thì việc này lúc đầu rất nhẹ nhàng, chẳng có gì phải to chuyện nếu như ông Ước và ông Công  bớt đi cái tôi cá nhân vì mục tiêu chung. Việc chậm tiến độ công trình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Ban quản lý Khu di tích. Công trình được tài trợ vốn bởi những tổ chức và các nhà hảo tâm nên bị dừng lại giữa chừng gây tâm lý không tốt và rất khó giải thích với các tổ chức và cá nhân nói trên.

Trước việc gia đình ông Công kiên quyết yêu cầu dừng thi công công trình và cung cấp thông tin cho báo chí thì Ban quản lý Khu di tích mới tìm đến UBND huyện và chính quyền địa phương để “cầu cứu” bằng cách lập Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng.

Ngày 29.6.2016, một cuộc họp “khẩn cấp” được diễn ra tại Hồi trường BQL khu di tích Ngã ba Đồng Lộc với nội dung “Tiến hành xác định lại giá đất, khối lượng đền bù của các hộ có liên quan đến đất làm đền thờ”. Tham gia cuộc họp có Trưởng phòng TN-MT huyện Can Lộc, chủ tịch UBND và cán bộ địa chính xã Xuân Lộc, Phó BQL Khu di tích và hai hộ dân liên quan.

Gặp chúng tôi sau buổi họp “khẩn cấp”, ông Võ Công Tứ, Phó trưởng ban cho biết: “Nguyên tắc thành lập Hội đồng đền bù thì phải từ 1000m2 trở lên, còn ở mới đây sử dụng đất của ông Công có 980m2, hơn nữa gia đình đã thỏa thuận trước chủ tịch và địa chính xã Xuân Lộc rồi”.

Biên bản buổi làm việc “khẩn cấp” giữa Phòng TN-MT huyện, cán bộ địa phương, BQL Khu di tích và hai hộ dân.

Nói về việc tiến hành thi công công trình trước, lập Hồi đồng đền bù sau, một cán bộ huyện Can Lộc cho biết, Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã sai quy trình ngay từ ban đầu. Đáng lẽ ra, trước khi xây dựng phải tiến hành khảo sát, lập Hội đồng giải phóng mặt bằng và đền bù đối với cây cối và đất đai của người dân.

Việc “làm tắt” nói trên đã gây ra hậu quả không tốt, nếu như trong quá trình thỏa thuận mà người dân không đồng tình thì tiến độ công trình sẽ không đảm bảo. Hơn nữa đây là công trình tâm linh, nguồn vốn được xã hội hóa 100 % nên đúng ra Ban quản lý Khu di tích phải có phương án cẩn thận, cụ thể, đằng này lại để ra sự việc đáng tiếc nói trên.

Trần Hoàn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP