Giáo dục - Đào tạo

Ngành GD-ĐT Tp Hà Tĩnh đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học

Thực hiện Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản giáo dục toàn diện giáo dục trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước; Thông tư 30 của Bộ Giáo dục Đào tạo về đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học, năm học 2014-2015, Ngành giáo dục đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học và bước đầu đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.

Tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp theo mô hình VNEN ở trường TH Thạch Linh

Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2014-2015, Ngành GD-ĐT thành phố Hà Tĩnh triển khai dạy học theo chương trình Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục cho 100% trường tiểu học trên địa bàn thành phố. So với những cách dạy truyền thống trước đây thì dạy theo Công nghệ giáo dục học sinh lớp 1 có nhiều thay đổi như thay đổi cách phát âm đánh vần; học sinh vừa đọc vừa biểu thị bằng cử chỉ hành động… Đây là chương trình mới lần đầu mới đưa vào áp dụng nên cũng gây không ít bỡ gỡ cho phụ huynh và giáo viên nhưng gần 3 tháng triển khai thực hiện, chương trình mới này cũng tạo được những nét thay đổi căn bản trong công tác dạy và học,  học sinh phát âm tốt hơn và nắm chắc luật chính tả, viết đúng cơ chữ, mẫu chữ.

Cùng với việc áp dụng chương trình tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục cho các trường tiểu học trên địa bàn. Trong năm học 2013-2014, thành phố đã đưa chương trình mới này vào trường tiểu học Đại Nài và trường tiểu học phường Thạch Linh. Trong năm học này, ngành giáo dục thành phố Hà Tĩnh cũng đã triển khai nhân rộng mô hình trường học mới VNEN vào trong các trường tiểu học trên địa bàn. Phương pháp dạy học mới này coi quá trình tự học của học sinh là trung tâm của hoạt động giáo dục, giáo viên là người hướng dẫn đồng hành với học sinh, giúp học sinh tự tìm hiểu, khám phá và lĩnh hội kiến thức. Các phòng dạy học theo mô hình VNEN được bố trí giống như phòng học bộ môn, thư viện thu nhỏ với đồ dùng dạy học sẵn có để học sinh tham khảo và các học học tập, góc cộng đồng, góc trưng bày sản phẩm… Lớp học  được tổ chức theo hình thức theo tổ nhóm, quản lý lớp học do hội đồng tự quản, môi trường học tập thân thiện, thoải mái, không gò bó về kiến thức, phù hợp với tâm sinh lý của lứa tuổi học sinh tiểu học. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp theo từng khối lớp và theo từng chủ đề, chủ điểm khác nhau để giúp cho các em tự khám phá tri thức, rèn luyện kỷ năng giao tiếp, phát huy hết khả năng sáng tạo của mình.

Đặc biệt trong năm học 2014-2015 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành TW Đảng khóa 11 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước; Cũng như thực hiện Thông tư 30 của Bộ Giáo dục về đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học, Ngành giáo dục đào tạo thành phố đã tổ chức tập huấn, quán triệt chủ trương mới cho 100% cán bộ giáo viên, đồng thời triển khai thực hiện trong các nhà trường. Thông tư 30 quy định thay vì việc chấm điểm như trước đây thì từ năm học 2014-2015 các giáo viên tiểu học đánh giá nhận xét học sinh và bỏ các kỳ thi tuyển đối với học sinh tiểu học để giảm áp lực thi cử cho học sinh, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc dạy thêm học thêm hiện nay.

Đối với học sinh bậc THCS , năm học 2014-2015 cũng có nhiều thay đổi như đổi mới phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực người học, kết hợp với đánh giá cuối kỳ, cuối năm. Ngành giáo dục đào tạo thành phố cũng tiến hành triển khai nhiều mô hình trường học mới ở một số trường THCS trên địa bàn như mô hình “Trường học đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh” “Phương pháp bàn tay nặn bột”. Ngành giáo dục thành phố cũng khuyến khích các giáo viên và học sinh tích cực tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu các đề tài khoa học để tạo cho các em có tư duy sáng tạo, áp dụng những kiến thức đã được dạy học vào trong thực tiễn. Cùng với việc học tập nâng cao kiến thức cho học sinh, các nhà trường cũng tăng cường các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động tập thể để giáo dục kỷ năng sống cho các em.

Cùng với sự đổi mới trong công tác dạy và học theo chủ trường của Đảng và Bộ giáo dục đào tạo, đội ngũ cán bộ giáo viên ở thành phố Hà Tĩnh luôn nổ lực phấn đấu vươn lên, tự học tập trau dồi kiến thức chuyên môn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tìm tòi nghiên cứu  và đổi mới trong phương pháp giảng dạy để truyền thụ những kiến thức và kỷ năng cho các em, giúp cho những chủ nhân tương lai đất nước có một hành trang vững vàng bước vào cuộc sống./.  .

Bài, ảnh: Đình Việt/ TPHT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP