Truyền thống - Phát triển

Làng mộc Tràng Đình – Yên Lộc (Can Lộc)

Được hình thành từ năm 1950, làng nghề mộc Tràng Đình đã gắn với đời sống văn hóa của người dân 2 xóm: Đình Sơn và Tràng Sơn – xã Yên Lộc (Can Lộc) với 734 hộ tham gia. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nghề mộc nơi đây không chỉ lưu giữ những nét tài hoa của các nghệ nhân trên khung gỗ mà còn góp phần làm thay da đổi thịt một vùng quê nghèo ven chân núi.

Con đường về xã Yên Lộc – vùng thượng Can, cách trung tâm huyện 10 km được trải nhựa phẳng phiu. Từ xa, chúng tôi đã có thể lắng nghe hơi thở của làng nghề trong vang vọng tiếng cưa, tiếng đục, bào… xiết vào thớ gỗ. Phó Chủ tịch UBND xã Dương Chí Thanh không giấu nổi tự hào: “Đến thời điểm hiện tại, làng nghề đã có 734 hộ tham gia. Với phương châm lấy chất lượng, mẫu mã làm trọng nên khách hàng đến với chúng tôi ngày càng nhiều, thu nhập của bà con được cải thiện đáng kể. Đây cũng là một trong những mũi nhọn mà chúng tôi tập trung, nhằm góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.

Làng mộc Tràng Đình

Đường về làng mộc Tràng Đình

Được biết, nghề mộc bắt đầu du nhập vào Yên Lộc từ năm 1950, nhưng đến tận bây giờ, ngay cả nghệ nhân cao tuổi như cụ Đặng Thanh cũng không nhớ nổi ai là người đầu tiên đưa nghề này về với quê mình. Chỉ biết rằng, từ một vùng đất bán sơn địa, không chủ động nguồn nước, trong khi đời sống của người dân phụ thuộc vào cây lúa nên không khỏi đói kém, khó khăn. Nghề mộc xuất hiện như một nghề giúp người dân kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. Ban đầu, nguồn gỗ được sử dụng từ những cây sẵn có trong vườn nhà như: xoan, keo, tràm, mít, nhưng với nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, người dân nơi đây đã mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm nguồn gỗ từ các huyện Hương Khê, Quỳ Hợp (Nghệ An); Quảng Bình; Malaysia…

Trong quá trình phát triển, làng nghề đã có nhiều tốp thợ tay nghề cao làm nhà ở cho bà con trong xã và các vùng trong tỉnh. Phát triển theo nhu cầu xã hội, từ bấy đến nay, nghề mộc ngày càng được nhân rộng. Nghệ nhân Đặng Thanh cho biết: “Truyền thống của chúng tôi là đóng đồ nướp (gia dụng) thủ công và làm nhà, sau phát triển lên mặt hàng đồ mỹ nghệ, bàn, ghế, giường, tủ… Làm bằng thủ công nên mất nhiều thời gian và dẫu có hoa tay nhưng nét chạm trổ cũng không được sắc sảo lắm. Tuy nhiên, ngày nay, mộc Tràng Đình đã có tiếng, nhờ thế, chúng tôi mới có điều kiện để nuôi dạy con cháu và truyền nghề cho đời sau”.

Cũng từ niềm đam mê thổi hồn cho những thớ gỗ vô tri, thế hệ cháu con của làng mộc hôm nay đã không phụ sự ủy thác của cha ông, khơi dậy sức sống của làng nghề. Bề dày truyền thống hơn 60 năm phát triển cùng với sự năng động trong việc du nhập các thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất đã góp phần rút ngắn thời gian, nâng cao năng suất lao động và độ tinh xảo của sản phẩm. Đời sống của người dân cũng dần được nâng lên.

Làng mộc Tràng Đình

Đầu tư đưa máy móc hiện đại vào sản xuất

Làng mộc Tràng Đình – Yên Lộc (Can Lộc)

Anh Võ Quốc Quyền (xóm Đình Sơn) cho biết: “Sinh ra trong làng nghề nên từ bé, tôi cũng đã tập tành nối gót người đi trước. Cuộc sống khó khăn, khiến nhiều khi tôi phải bôn ba kiếm sống, duyên nợ với nghề cũng có lúc đứt đoạn. Nhưng với niềm đam mê và chút hoa tay sẵn có đã làm tôi không thể bỏ nghề. Hiện tại, tôi đầu tư thêm máy móc, trong đó có máy chạm trổ vi tính để góp phần giải phóng sức lao động. Giờ đây, 2 con tôi cũng đã nối nghiệp cha. Sản phẩm của gia đình chủ yếu là bàn, ghế, tranh khắc gỗ được thị trường ưa chuộng, thu nhập bình quân ước đạt khoảng 50 triệu đồng/tháng. Được biết, địa phương đã có quy hoạch về cụm công nghiệp làng nghề, chúng tôi rất vui. Mong sớm được vào khu quy hoạch tập trung để có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất”.

Cũng như gia đình anh Quyền, các hộ làm nghề mộc ở Tràng Đình đã mạnh dạn đầu tư máy móc, năng động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có gần 700 máy cưa, xẻ, chế biến gỗ lớn, nhỏ và 2 máy chạm khắc bằng vi tính. Ngoài ra, sự quan tâm của tỉnh bằng các cơ chế như cấp phép cho chế biến gỗ, công nhận làng nghề đã trở thành động lực để người dân Tràng Đình yên tâm phát triển nghề truyền thống.

Chị Mai – chủ doanh nghiệp Mai Đoan, doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn cho biết: “Nghiệp của cha ông cùng với sự quan tâm của các cấp đã giúp chúng tôi mạnh dạn thành lập doanh nghiệp sản xuất theo hướng CNH-HĐH, tạo ra nhiều sản phẩm mang thương hiệu làng nghề đi khắp thị trường trong nước và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động”.

Phát huy giá trị truyền thống bằng hướng đi đúng đắn, mộc Tràng Đình không những góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn là thế mạnh của địa phương trong việc chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề, làm đổi thay diện mạo nông thôn mới.

Anh Thư – Phong Linh/. Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP