Giáo dục

Hợp nhất bằng ĐH: Bộ GD&ĐT lo “nồi cơm” của các trường, bỏ quyền lợi người học?

Từng có câu “Dốt như chuyên tu, ngu (hay tù mù) như tại chức” nhưng đào tạo tại chức là “nồi cơm” của nhiều trường đại học. Hợp nhất bằng chính quy và tại chức sẽ thiệt thòi cho người học thật.

Ở nước ta lâu nay, học chương trình đã khác nhau. Hệ chính quy thì nghiêm túc, chặt chẽ hơn. Hệ vừa học vừa làm thì chương trình học bị cắt xén đi, đánh giá thì lỏng lẻo hơn, đó là "bài toán" hóc búa đối với bộ GD&ĐT thời gian vừa qua.

Vì thế, trong dự thảo luật Giáo dục đại học được bộ GD&ĐT công bố mới đây khiến nhiều người băn khoăn.

Liên quan đến câu chuyện này, báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT.

Nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc.

PV: Thưa ông trong dự thảo luật Giáo dục đại học được bộ GD&ĐT công bố mới đây, đáng chú ý có điểm sẽ không còn phân biệt hai loại bằng chính quy hay tại chức. Là một người đã dành cả đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục, ông nghĩ sao về sự thay đổi này?

Ông Phạm Minh Hạc: Chất lượng đầu vào đào tạo tại chức thấp hơn chính quy, thời lượng học lý thuyết và thực hành cũng ít hơn. Chưa kể có trường đào tạo tại chức diễn ra vào ngày cuối tuần, ở địa phương rất khó kiểm soát thi, kiểm tra; tình trạng đi học thuê, thi hộ vẫn còn. Nếu Việt Nam muốn không phân biệt bằng cấp thì bỏ hình thức đào tạo vừa làm vừa học. Còn, khi đã tổ chức vừa làm vừa học thì không thể không có sự khác biệt với đào tạo chính quy. Hơn nữa, lâu nay các trường lại có đối sách, rất khó kiểm soát. Cho nên việc không phân biệt hình thức đào tạo cũng phải có lộ trình.

PV: Ông vừa nói đến chất lượng đào tạo hệ tại chức ở nước ta chưa được tốt. Vậy nếu như việc đánh đồng 2 loại hình đào tạo được thực hiện thì điều gì sẽ xảy ra?

Ông Phạm Minh Hạc: Nếu bây giờ, bộ GD&ĐT không phân biệt hình thức đào tạo trên văn bằng, người ta tìm cách học tại chức sẽ dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo. Trong điều kiện hiện nay, trên văn bằng nên ghi: Bằng ĐH chính quy tập trung, Bằng ĐH vừa làm vừa học. Khoảng 10 - 15 năm nữa, khi thị trường lao động phát triển thì không cần phân biệt hình thức đào tạo trên văn bằng.

Thực tế, cách tổ chức và kiểm tra đánh giá của hình thức đào tạo của ĐH chính quy và vừa làm vừa học còn vênh nhau. Điều này thể hiện rõ ở việc, tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện theo quy chế đào tạo, chương trình đào tạo vừa làm vừa học về cơ bản gần như chính quy. Tuy nhiên, một số môn lý thuyết hoặc các thí nghiệm có tính chất chuyên sâu đã bị bỏ đi.

Hơn nữa, 2 loại hình đào tạo này khác nhau ở chất lượng đầu vào. Không thể cho người thi đại học 30 điểm với người không phải thi có một tấm bằng giống nhau được. Như vậy thiệt thòi vô cùng, còn đâu sự công bằng cho người học.

PV: Theo như giải thích của bộ GD&ĐT, để đảm bảo chất lượng đầu ra thì bộ sẽ xây dựng một chuẩn đầu ra để người học chính quy hay tại chức đều phải “vượt rào” với độ khó như nhau nếu như muốn ra trường. Ông nghĩ sao?

Ông Phạm Minh Hạc: Khi đã hợp nhất hai văn bằng thì chắc chắn số người đi học tại chức sẽ đông hơn. Đây coi như là “cần câu cơm”, “nồi cơm” của các trường đại học được chăm lo. Liệu các trường có khắt khe, nghiêm túc khi mà quyền lợi kinh tế của mình ở đó? Đó còn là điều phải bàn.

Nên nhớ rằng giá trị bằng cấp là việc phải được quy định trong luật nhằm đảm bảo giá trị văn bằng theo hình thức tập trung và không tập trung toàn thời gian. Dù đào tạo theo hình thức nào cũng phải có cùng một giá trị về chuẩn đầu ra. Nhưng cần chú ý rằng chuẩn đầu ra chỉ là một sự tuyên bố còn giá trị của chuẩn đầu ra sẽ phụ thuộc vào các điều kiện đảm bảo chất lượng để đảm bảo giá trị của văn bằng.

PV: Như vậy có thể nói việc sáp nhập 2 loại hình đào tạo là không thể thực hiện nếu như muốn giữ chất lượng đào tạo?

Ông Phạm Minh Hạc: Bộ GD&ĐT cần có lộ trình thực hiện việc không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng. Tất nhiên, về phía các trường, để đào tạo tại chức có chất lượng, cần phải kiểm soát chuẩn đầu vào giống như chính quy. Đặc biệt nhà trường thực hiện cùng một hệ thống đánh giá giữa hai hình thức đào tạo. Để làm được điều này, các trường phải làm một loạt yêu cầu về hệ thống đảm bảo chất lượng (kiểm định chương trình, kiểm định trường). Đồng thời, chú trọng áp dụng đồng nhất hệ thống kiểm tra đánh giá. Khi đó, xã hội mới yên tâm về việc cấp cùng một loại văn bằng cho hai hình thức đào tạo khác nhau.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Công Luân

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP