Dòng Sự kiện

Hành trình công an Việt Nam lần ra “vòi bạch tuộc” của Liberty Reserver

Đây là vụ án lần đầu tiên được xử lý tại Việt Nam và có ý nghĩa rất quan trọng vì tiền Liberty Reserver có thể là điểm cuối cùng trong quá trình hoạt động phạm tội.

Theo cơ quan điều tra, vụ án bắt đầu từ việc Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) nhận được công văn của Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị hỗ trợ, xác minh đối tượng có địa chỉ Email: [email protected], đã đột nhập và lấy cắp dữ liệu quan trọng trong máy chủ của một người tên là Tun Musfata.


Sau đó, chủ nhân email trên đã yêu cầu nạn nhân phải chuyển 948 USD cho một người Việt Nam tên là Vu Van Su (Hải Phòng), thông qua hệ thống chuyển tiền của Western Union.


Trong thời gian chờ xác minh công văn của Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ, Văn phòng Tùy viên Pháp luật (Đại sứ quán Hoa Kỳ) tại Campuchia cũng yêu cầu hỗ trợ xác minh về tổ chức tội phạm sử dụng công nghệ cao đánh cắp dữ liệu trong hệ thống máy tính để tống tiền. Vụ án do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra, có liên quan đến một số đối tượng mang quốc tịch Việt Nam.


Theo hồ sơ của FBI, một số người Việt Nam có tên là Pham Thi Thuy, Bui Thi Tuyen, Doan Van Cong (Hải Phòng) đã nhận tiền của các nạn nhân.


Từ những tài liệu do nước ngoài cung cấp, Tổng cục VI đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp điều tra xác minh làm rõ những nội dung trên. Quá trình điều tra cho thấy, những người có tên trên chưa từng đến nhận tiền tại các đại lý Western Union, mặc dù tên của những người này có trong hệ thống giao dịch chi trả của Western Union.


Vấn đề đặt ra cho cơ quan công an là những người có tên trong hồ sơ mà FBI cung cấp chưa từng nhận tiền, vậy ai là người đã mạo danh những tên trên để nhận tiền…?


Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra xác định, các giao dịch trên được thực hiện qua 2 công ty là Công ty cổ phần Thịnh Vũ (ở quận Dương Kinh, TP Hải Phòng), do Vũ Văn Lăng (30 tuổi) làm Giám đốc) và Công ty TNHH Giao Dịch nhanh (ở số 233 Nguyễn Văn Linh, phường Kênh Dương, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) do Nguyễn Thế Dũng làm Giám đốc. Tất cả các giao dịch trên đều do đối tượng Vũ Văn Lăng sử dụng bản sao CMND của những người có tên trên, sau đó lập chứng từ để nhận tiền.


Năm 2008, Công ty cổ phần Thịnh Vũ được thành lập và làm đại lý phụ cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hải Phòng để chi trả kiều hối thông qua hệ thống Western Union. Tuy nhiên, mục đích chính nhằm phục vụ việc kinh doanh tiền điện tử Liberty Reserver.


Từ việc sử dụng bản sao giấy CMND của nhiều người lập hồ sơ khách hàng để nhận tiền của Western Union thông qua các đại lý chi trả Western Union của Thịnh Vũ và Giao dịch nhanh. Lăng đã thu mua tiền Liberty Reserver từ trong nước và nước ngoài sau đó bán cho người nước ngoài để thu lợi, các giao dịch nói trên được thực hiện thông qua mạng internet.


Những người mua tiền Liberty Reserver của Lăng sẽ thanh toán bằng cách gửi tiền về cho y thông qua đại lý Western Union mà chính Công ty cổ phần Thịnh Vũ làm đại lý của dịch vụ này. Quá trình hoạt động, Western Union Việt Nam đã phát hiện Công ty Thịnh Vũ có nhiều sai phạm liên quan đến tiền điện tử nên đã đơn phương chấm dứt hợp đồng vào gày 3/6/2011.


Tháng 6/2011, Công ty cổ phần Thịnh Vũ bị Sở Kế hoạch đầu tư TP Hải Phòng tước giấy phép kinh doanh.


Khi công ty Thịnh Vũ mất đường làm ăn, Lăng tìm đến Nguyễn Thế Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Giao dịch nhanh và Nguyễn Văn Chiển, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nam Phong nhằm mở đại lý phụ của Ngân hàng để chi trả ngoại tệ từ Western Union giúp Vũ Văn Lăng kinh doanh trái phép. Đổi lại, Dũng và Chiển sẽ nhận được khoản phí hoa hồng mà Ngân hàng chi trả.


Sau khi mở đại lý phụ của Ngân hàng để chi trả ngoại tệ từ Western Union, Dũng và Chiển đã cho Lăng quyền truy cập từ xa bằng phần mềm Teamviewer vào tài khoản của đại lí phụ của Công ty để lập chứng từ, in hóa đơn và nhận tiền.


Tổng số tiền mà Lăng đã lập hồ sơ của khách hàng để nhận tiền thông qua 3 công ty trên là: 24,534,838.07 USD (tương đương khoảng 404,7 tỉ đồng). Để rút tiền, Lăng đã thực hiện 59.605 giao dịch và lấy tên của hơn 1.000 người để lập hồ sơ.


Tổng số tiền mà Vũ Văn Lăng đã mua tiền Liberty Reserver của những đối tượng ở Việt Nam khoảng 186 tỉ đồng, thông qua các tài khoản Ngân hàng. Còn khi mua của người nước ngoài, Lăng cho chuyển tiền tại các tiệm vàng trên địa bàn Hải Phòng và một đối tượng Diệu Hồng tại TP Hồ Chí Minh.

Tiền của Liberty Reserver có thể là điểm đến cuối cùng trong quá trình hoạt động phạm tội.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP