Giáo dục

Hàng trăm người dân tụ tập phản đối sáp nhập trường

Lo ngại việc sáp nhập trường khiến con đi học xa nhà, người dân ở Thanh Hóa tập trung về trụ sở xã phản đối.

Từ ngày 23/8 đến nay, hàng trăm người dân xã Quảng Phúc (Quảng Xương, Thanh Hóa) kéo nhau lên trụ sở UBND xã phản đối việc sáp nhập trường THCS Quảng Phú về trường THCS Quảng Vọng, trong đó có người già, trẻ em. Họ mang cả loa cầm tay để sử dụng.

Người dân cho rằng, việc sáp nhập trường THCS Quảng Phúc về trường THCS Quảng Vọng sẽ khiến con em họ phải đi xa, vất vả hơn trước.

Người dân xã Quảng Phúc kéo về trụ sở UBND xã phản đối sáp nhập trường học. Ảnh: Lam Sơn.

Ông Mai Đình Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc cho biết, việc sáp nhập trường học nằm trong kế hoạch của tỉnh và huyện đã lên phương án từ trước. Hiện trường THCS Quảng Phúc chỉ có 6 lớp, với 145 học sinh, do đó huyện có kế hoạch sáp nhập về trường THCS Quảng Vọng để thành lập trường mới mang tên Phúc Vọng.

Trước khi thực hiện, huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường mới khang trang, đầy đủ tiện nghi, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Tuy nhiên, người dân ở xã Quảng Phúc cho rằng việc sáp nhập này sẽ khiến các cháu đi lại vất vả. “UBND huyện và xã đã nhiều lần giải thích, tuyên truyền cho bà con, nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận”, ông Phúc nói.

Ông Nguyễn Huy Nam, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Xương cho hay, ngoài lo ngại con em đi xa, người dân còn lo khi học sinh qua xã Quảng Vọng theo học lại phải đóng góp tiền xây dựng cơ sở vật chất. “Chúng tôi khẳng định, bà con sẽ không phải đóng góp bất kỳ khoản xã hội hóa nào trong năm học mới”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, huyện cũng đã đầu tư vốn làm đường giao thông nối từ thôn Văn Bình (xã Quảng Phúc) sang xã Quảng Vọng nhằm giúp các em đi lại thuận tiện. Chính quyền trích kinh phí mua tặng 19 xe đạp mới cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có phương tiện đến trường.

Bí thư Huyện ủy Quảng Xương Nguyễn Văn Chính cho biết sẽ phân công cán bộ đến từng hộ gia đình giải thích, động viên người dân yên tâm cho con tới trường.

Theo Đề án sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ giải thể, sáp nhập 13 trường THPT vào các trường THPT khác và thành lập mới một trường chuyên biệt là THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa tại huyện Ngọc Lặc.

Nguyên nhân là hệ thống trường THPT công lập tồn tại nhiều bất cập, một số quy mô nhỏ, có vị trí quá gần nhau, một số thiếu cơ sở vật chất, phải học nhờ cơ sở giáo dục khác, đội ngũ giáo viên thừa, thiếu cục bộ...

Tác giả: Lê Hoàng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP