Quốc hội khóa XIV

Hà Tĩnh cần đánh giá căn cơ tình hình, kết quả phát triển kinh tế – xã hội

Sáng 13-12, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII đã khai mạc Kỳ họp thứ 3 nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2016 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2017. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và phát biểu chỉ đạo phiên họp.

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế – xã hội (KT-XH), quốc phòng – an ninh (QP-AN) năm 2016 nhiệm vụ và giải pháp năm 2017, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, trong bối cảnh tác động của sự cố môi trường biển, ảnh hưởng nặng nề của thiên tai lũ lụt trên diện rộng trong tháng 10 vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đã đạt được một số kết quả tích cực.

Tán thành với những nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong báo cáo KT-XH của tỉnh năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2017, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển ở Hà Tĩnh còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: Quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, trình độ phát triển hiệu quả và sức cạnh tranh thấp; tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng lớn (70%); cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp thiếu đồng bộ, chưa tạo được sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư; xây dựng nông thôn mới chỉ mới chú trọng đến xây dựng kết cấu hạ tầng mà chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức việc tổ chức, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là sản xuất liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị, chưa có phương án tốt thực hiện việc liên kết bốn nhà: Nhà nông – nhà nước – nhà khoa học và nhà doanh nghiệp; khối lượng nợ xây dựng cơ bản nông thôn mới còn lớn; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án…

Vì vậy, HĐND tỉnh Hà Tĩnh cần quan tâm bàn bạc, đề ra những giải pháp thiết thực có tính đột phá, tập trung làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan để đưa ra các chủ trương, chính sách phù hợp, giải pháp thiết thực phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN năm 2017 và các năm tới của tỉnh; tiếp tục đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành công việc theo tinh thần sâu sát, hiệu quả, thiết thực; đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính; nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Chủ động ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Cùng với đó, tỉnh Hà Tĩnh cần giám sát chặt chẽ các tác nhân gây ô nhiễm môi trường của dự án Formosa, theo dõi và có biện pháp khắc phục môi trường biển. Tập trung khôi phục, phát triển sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản, tái tạo nguồn lợi thủy sản; chỉ đạo và yêu cầu Công ty Formosa thực hiện đầy đủ các cam kết của chủ dự án, khẩn trương khắc phục đầy đủ các vi phạm để sớm đưa dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương đi vào hoạt động…

(theo Nhân Dân)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP