Sự kiện 2016

Giới trẻ Việt và một năm toàn câu like, sống ảo

Bên cạnh các xu hướng tích cực, năm 2016 cũng ghi nhận một số trào lưu gây phản cảm. Nhiều người tự hỏi giới trẻ đang hướng tới điều gì khi chạy theo những thứ vô nghĩa như vậy?

Không thể phủ nhận mạng xã hội là diễn đàn phản biện và lan tỏa thông tin rất hiệu quả. Tuy nhiên, trong thời đại yêu ai, ghét ai đều đưa “lên phây”, nhiều người khá khó chịu khi hàng ngày phải chứng kiến những sự việc tiêu cực, “chuyện nhà mang ra thiên hạ”.

Người người câu like, nhà nhà sống ảo

Nói tới chiêu trò phản cảm và nguy hiểm nhất năm 2016, nhiều người nghĩ ngay đến “Nói là làm”. Các bạn trẻ liên tục tuyên bố với hashtag #noilalam, rồi “ra giá” bằng số like (thích) để thực hiện hành động nào đó.

Trào lưu này có lẽ sẽ thú vị nếu người dùng áp dụng vào những việc làm ý nghĩa, thay vì lột đồ, tung clip nóng hay đổ xăng tự thiêu…

Điều đáng nói, chủ nhân các trò câu like sẽ không đạt được mục đích nếu không có sự “vào hùa”, tiếp tay từ những người thiếu hiểu biết khác.

Gioi tre Viet va mot nam toan cau like, song ao hinh anh 1
Chàng trai “rao bán” tính mạng mình với 40.000 like (thích) được cho là người đi đầu trào lưu “Nói là làm” phản cảm trên mạng. Ảnh chụp màn hình.

Vì những cái like bạc bẽo mà hồi tháng 10, nữ sinh lớp 8 tại Khánh Hòa phải thực hiện lời hứa tẩm xăng đốt trường khiến hai chân bỏng nặng, thiệt hại tài sản công. Không ít người cho rằng đó là cái giá phải trả cho tư duy lệch lạc của giới trẻ hiện nay.

Bên cạnh câu like, sống ảo cũng là “thuật ngữ” phổ biến trong cộng đồng mạng. Tuy nhiên, vượt ra ngoài các định nghĩa đơn giản trước đây như đăng ảnh diễn sâu hay chỉnh sửa đến mức không nhận ra mình, sống ảo còn biểu hiện dưới hình thức “một tấm hình, vô số người nhận”.

Các bức ảnh như chiếc iPhone bị vỡ, thân hình cô gái trắng trẻo đi spa hay món quà 20/10 gồm sấp tiền mặt kèm vé đi du lịch… có lẽ là khoảnh khắc được “tam sao thất bản” nhiều nhất tại các diễn đàn trong năm nay.

Thậm chí, nhiều cô gái còn được gắn danh xưng “hot girl đi mượn”, “hot girl mượn hết ảnh Tàu sang Tây”… Màn kéo chân đến… lõm gạch, méo lốp xe cũng chỉ để đổi lấy những lời tung hê phù phiếm.

Mạng xã hội là diễn đàn ‘đấu tố’

Lừa tình, quỵt tiền, vợ chồng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” hay những chuyện riêng tư khác đều được giới trẻ ngày nay đưa lên tranh cãi, chỉ trích nhau công khai trên mạng xã hội, nhất là tại Facebook.

Nếu chủ nhân lời mách tội không phải người nổi tiếng, danh tính cũng như các “lùm xùm” của họ sau một thời gian “sôi sục” sẽ lắng xuống nhanh như cách nó bắt đầu.

Tuy nhiên, những lời vạch mặt, “bóc phốt” đến từ nhân vật có ảnh hưởng trong giới trẻ thường dẫn đến hệ lụy lớn và kéo dài.

Mâu thuẫn tình ái từng gây chú ý suốt một thời gian dài giữa Khánh Ly, Mạc Hồng Quân, Kỳ Hân đã đưa dân mạng trải qua đủ các cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố như trong cuốn phim không có hồi kết.

Những diễn biến xoay quanh tình cũ – tình mới của bộ ba này căng thẳng, “lâm li bi đát” tới mức hiện tại, khi gõ tên họ vào ô tìm kiếm tại các trang mạng, thứ độc giả nhận về không phải thành tích hay điều gì đáng tự hào, mà toàn thị phi, trách móc nhau.

Cuối tháng 8, dân tình lại “dậy sóng” trước sự đổ vỡ của hot girl Hà Lade và bạn trai Hà Quang Dũng. Song không cần mất công tìm hiểu nguyên nhân hai người chia tay, người trong cuộc đã tự phơi bày tất cả qua các dòng trạng thái mỉa mai tại Facebook.

Gioi tre Viet va mot nam toan cau like, song ao hinh anh 2
Bài đăng tố bạn trai “ăn vụng, ăn tạp không biết chùi mép” của hot girl Hà Lade từng gây chú ý trên mạng. Ảnh chụp màn hình.

Tiếp đó, Lâm Á Hân và chồng cũ rapper Nguyễn Hồng Hải không ngại chỉ trích qua lại khi chia tay trên mạng xã hội. Mới đây, hot girl Sài thành còn tuyên bố lý do cô cắt đứt quan hệ với những người bạn trong nhóm hài BB&BG gắn bó nhiều năm qua.

Dân mạng hoang mang, không phân định được ai đúng, ai sai khi các bên đều đưa ra lý lẽ, viết tâm thư chứng minh đối phương là kẻ có lỗi. Kết quả, chuyện riêng tư bị “thiên hạ” đem ra “mổ xẻ”, bàn tán. Các nhân vật chính thì chỉ còn nước “cạch mặt” nhau cả đời.

Mặt trái của công cụ livestream

Những ngày cuối tháng 3, Facebook cho phép người dùng trải nghiệm tính năng livestream (phát video trực tiếp trên điện thoại). Từ đó, bên cạnh việc làm tổn thương nhau bằng các con chữ, nhiều người có thêm “vũ khí” để phát tán chuyện tế nhị tại thế giới ảo.

Dường như câu “Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại” không còn đúng với phần lớn giới trẻ thời nay. Một lần nữa, cái tên Lâm Á Hân với màn livestream cãi nhau với chồng cũ khiến nhiều người lắc đầu ngán ngẩm.

Giữa ồn ào ly hôn, hot girl Sài thành lại bị bắt gặp đi ăn, xem phim với người đàn ông tệ hại mà cô vẫn tố liên tục trên mạng xã hội. Nhiều người cho biết họ không thể lý giải được sự mâu thuẫn trong lời nói và hành động của Á Hân.

Đôi trẻ ở Phú Yên khóc lóc livestream cầu cứu dân mạng khi bị cha mẹ chàng trai ngăn cấm cũng là chủ đề bàn tán sôi nổi trong cộng đồng mạng cách đây không lâu.

Ngoài những vụ việc mà nhân vật chính được “chỉ mặt đặt tên”, hàng loạt clip live khoe thân, lột đồ, dằn mặt đối thủ… nhằm câu like cũng xuất hiện nhan nhản thời gian qua.

Sự lựa chọn nổi tiếng nhờ tai tiếng theo cách tiêu cực, bán rẻ giá trị bản thân của rất nhiều bạn trẻ suy cho cùng chỉ đem lại mệt mỏi, hoàn toàn vô nghĩa.

Mạng xã hội cũng như những trào lưu tốt hay xấu đều tùy thuộc mục đích người sử dụng. Hãy tỉnh táo để không biến mình thành nô lệ của thế giới ảo mà đánh mất đi những giá trị trong cuộc sống thường nhật.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP