Truyền thống - Phát triển

Chiếu cói Nam Sơn: Chặng đường phát triển đầy gian nan

Nhân dân Nam Sơn chuẩn bị nguyên liệu sản xuất chiếu

Nhân dân Nam Sơn chuẩn bị nguyên liệu sản xuất chiếu

Độc đáo chiếu cói Nam Sơn

Chiếu cói xuất hiện cách đây hàng trăm năm, làng Nam Sơn cả làng làm chiếu, đi đâu cũng thấy cói (dân địa phương gọi là cây lác) phơi quanh làng, từ trục đường cái cho đến các ngõ vào nhà dân. Cây cói, cây đay gắn liền với bao kỷ niệm của các bậc bô lão, nghệ nhân. Tình yêu cũng bắt đầu từ chuyện cây cói, cây đay (cây thân gỗ để làm trân). Những câu chuyện thường ngày của ngày xưa ấy cũng bắt đầu từ đây. Chàng và nàng yêu nhau cái ngày cùng đi bứt cói tận trong Cày (dân Can Lộc thường vào Thạch Hà bứt cói tại các đập), hay ngày chặt đay để làm trân. Trong những tiếng xôn xao, í ới gọi nhau đi bứt cói, chặt đay, giúp nhau buộc chặt mà làng xóm càng thêm vui vầy và ấm áp.
Ai cũng biết cây cói là nguyên liệu dùng để làm chiếu, nhưng trong ký ức  chưa xa lắm của tuổi thơ – cây cói còn dùng để xâu tai. Muốn có chiếc dái tai đeo vòng cho đẹp, con trẻ thường được người lớn lấy cây cói tròn vừa lỗ xâu tai sau khi tháo chỉ ở lỗ tai ra. Vì thân cói có đặc tính vừa trơn, lại vừa mát, không dị ứng với thịt ở dái tai. Cây cói làm cho lỗ tai mình co dãn và to ra trông thật đẹp, tròn trịa, đeo khuyên tai vào rất khéo và đẹp hơn. Khi chưa có khuyên tai để thay, thì các bà, các o, các cháu gái vẫn để cói xâu ở tai.
Xưa kia có hai loại chiếu, chiếu mành và chiếu cói. Chiếu mành thì ít người dùng còn chiếu cói thì phổ biến khắp nơi. Chợ nào cũng có chiếu và ngày đó làng Nam Sơn là địa chỉ nổi tiếng về sản xuất chiếu. Chiếu nơi đây vừa đẹp nhất và tinh xảo nhất. Trong cuốn Can Lộc dư địa chí có ghi “ khắp chợ đâu đâu cũng có chiếu, thương lái mua chiếu tại Thiên Lộc ( tên huyện Can Lộc xưa) và đi bán khắp các trấn, phủ lân cận.
Tôi còn nhớ khi trước có dịp gì cần thay chiếu  như cưới, lễ hội, hội họp ở làng, mua chiếc dường mới, chiếu bị hư là chúng tôi lại lên làng Nam Sơn đặt chiếu. Mà chiếu ngày ấy nhiều vô kể khắp tỉnh, khắp chợ quê chỉ cần vào hàng chiếu là tìm được chiếu như ý ngay, nhưng mẹ tôi vẫn đi đặt dù đắt hơn vài đồng nhưng lại được chiếc chiếu có hoa văn và màu sắc vừa ý mình. Khi đặt chiếu hay mua chiếu, người mua cũng phải để ý các hoa văn và màu sắc được người nghệ nhân lát trên chiếu. Chiếu để nằm thường là chiếu trơn, vàng óng, chiếu để trải giường cưới thường có thêu chữ song hỉ trên mặt chiếu, chiếu để trải đình làng thì cài hoa văn dọc theo lườn chiếu; chiếu thêu hoa trúc hoa mai để ngụ ý thay chiếu mới….
Chật vật với thị trường.
Nhìn lại một thời kỳ huy hoàng của chiếu cói Nam Sơn, bỗng thấy se lòng. Bây giờ, dường như chiếu Nam Sơn đã dần đi quên lãng. Ngay tại chợ Nghèn, muốn tìm cho được chiếu từ làng Nam Sơn bán thì khó biết bao. Đô thị hóa, thói quen của người dân cũng dần thay đổi – nào là chiếu trúc, chiếu tre, nội có, ngoại có với đa dạng hoá các chủng loại, màu sắc, chất liệu, giá cả phù hợp. Nay làng Nam Sơn, một số gia  đình cũng đã không dùng chiếu dệt mà thay vào đó là các loại chiếu ở trên thị trường.
Người làng Nam Sơn cũng bỏ nghề làm chiếu để đi làm kinh tế theo xu hướng thị trường. Theo tính toán của họ, làm chiếu cói truyền thống quả là vất vả, nào công chặt đay, tướt đay, làm trân, cắt cói, chọn cói, phơi cói, dệt chiếu. Dệt chiếu thì phải sấp, ngửa, cây này, cây kia để thế nào cho chiếu chặt và hoa văn đúng như ý. Người làm chiếu phải tỉ mỉ, cẩn thận, nếu lỡ tay hai cây cùng sấp hoặc cùng ngửa, cùng chiều thì ngay lập tức chiếu sẻ hỏng và phải vá lại, thiếu thẩm mỹ. Dệt chiếu thì phải đều đều nhẹ nhàng, uyển chuyển nếu làm mạnh hoặc không đều tay là trân đứt phải vá lại. Vì vậy những người làm chiếu phải ngồi một mạch và tập trung chú ý, không được phân tâm. Một ngày hai người chuyên dệt thì được 4 chiếc. Công đoạn là thế, nhưng với giá thị trường một chiếc chiếu 50.000 đồng, trong khi các loại chiếu khác như chiếu trúc, chiếu nhựa, chiếu lát thì đến tận 200.000 đến 800.000 đồng một chiếc. Những chiếc chiếu đó làm bằng công nghệ và máy móc hiện đại, sản xuất ra với số lượng lớn. Bài toán khập khiễng như trên đã giải thích cho việc tại sao chiếu cói quê ta lại mai một và rất cần “ tiếp lửa” để duy trì và bảo tồn một nghề, làng nghề truyền thống – một nét văn hóa độc đáo của người Nam Sơn, Can Lộc.
Tiếp thêm “ Lửa” cho làng nghề truyền thống
Chiếu gắn bó với cả một đời người và là một vật bất ly thân của mỗi gia đình. Chiếu cói Nam Sơn có lịch sử phát triển lâu đời và được khẳng định trong tâm thức của người dân Can Lộc cũng như những khách hàng trung thành với chiếu cói Nam Sơn. Nhưng tại sao người dân làng Nam Sơn lại rất ít người làm chiếu cói ? Có thể do công nghệ phát triển, sự cạnh tranh của thị trường hay nhu cầu của người tiêu dùng, hay chất lượng và mẫu mã của sản phẩm chiếu cói Nam Sơn ?
Văn hóa làng xã bắt đầu từ những nghề truyền thống, xã hội hiện đại và con người hiện đại cũng nên biết về quá khứ của ông cha, cần biết được những công việc cha ông để lại như là tri ân và biết ơn cái nghiệp để  nuôi mình hôm nay. Là người của thế hệ trẻ hôm nay trong tôi cũng muốn nhìn lại cái nan cọt kẹt dệt chiếu của ông bà, cũng muốn nhìn thấy những thoang gỗ đều đều đưa và những người nghệ nhân dệt chiếu cứ chăm chú cần mẩn vì tình yêu nghề và những gánh nặng với nghề.
Để tiếp thêm “lửa’ cho chiếu cói Nam Sơn, vừa qua, Trung tâm bảo tàng dân tộc phối hợp sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch trong chương trình “ vui xuân giáp ngọ năm 2014” đã trình diện nghề chiếu cói Nam Sơn, làng nghề truyền thống. Mời một số nghệ nhân trình diễn dệt chiếu cho thế hệ trẻ hôm nay được biết về một làng văn hóa, một nghề truyền thống đậm nét văn hoá. Và sang tháng 9/2014, một điều phấn khởi là UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định công nhận 07 nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, trong đó huyện Can Lộc có 02 nghề và làng nghề truyền thống: Nghề truyền thống chiếu cói Nam Sơn, thị trấn Nghèn và Làng nghề truyền thống mộc Tràng Đình, xã Yên Lộc  . Dẫu biết là gian nan nhưng trong tôi vẫn còn hi vọng mai đây, chiếu cói quê tôi đi trên mọi đường đất nước mang hồn quê Can Lộc đến với mọi nhà.

Hà thơm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP