Nắng nóng kéo dài ở tỉnh Hà Tĩnh khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Tại các huyện miền núi, nhiều diện tích chè chết cháy. Vùng ven biển, ao, hồ khô cạn… nguy cơ thiếu nước trầm trọng cho vụ hè thu.

Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) được xem là “chảo lửa”, có nhiệt độ nóng nhất toàn tỉnh, có lúc lên tới 420c. Cuộc sống người dân tại đây khốn khổ vì nắng nóng. Những hàng cây, dòng nước biển, sông hồ trở thành nơi giải nhiệt vào những ngày nóng nực.

Điều đáng lo nhất tại các huyện miền núi như Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, vào mùa nắng nóng là nguy cơ cháy rừng ở mức báo động đỏ.

Nhiều diện tích chè bị chết cháy (ảnh: TH)

Một mùa nắng nóng kéo dài, có nơi nhiệt độ tăng lên 420c, khiến cây cối, hoa màu chết cháy. Nguồn nước tưới tiêu khô cạn.

Thực tế, tại xã Hương Trà, huyện Hương Khê xuất hiện nhiều đồi chè trên cao đã chết vì nắng nóng. Diện tích thống kê chưa đầy đủ là hơn 50ha chè bị chết cháy vì nắng tập trung tại đồi chè của nông trường 20/4, xã Hương Trà.

Chè bị chết cháy do nắng nóng (ảnh: TH)

Diện tích chè bị chết nhiều nhất là lứa chè mới trồng được 2-3 năm. Số chè này ước chừng hơn 20ha, khả năng không thể cứu sống. Dù những hộ “thầu” chè này đã tìm đủ mọi cách như tưới nước hàng ngày nhưng vẫn rất khó để số chè này xanh tốt trở lại.

Ngoài ra, diện tích chè trên 20 năm (đã hái 2 lứa) cũng trụ không được trước sức nắng như lửa thiêu nên chết hàng loạt vì thiếu nước. Diện tích này lên tới gần 30ha.

Đứng trước tình trạng đó, xí nghiệp, người dân đã huy động người, phương tiện để tưới tiêu, cứu số lượng chè còn có khả năng sống sót. Nhiều máy bơm nước đều đặn sáng, tối chạy công suất lớn phun nước tưới những gốc chè đang “hấp hối” trước trận nắng kỷ lục.

Tuy nhiên, do các hồ, sông suối, nước cũng đã khô cạn nên nguồn nước tưới tiêu không còn. Một số đồi chè người trồng bất lực đứng nhìn chè chết mòn, chết dần.

Diện tích chè trồng mới 2 năm đã chết, không có khả năng cứu sống (ảnh: TH)

Chị Nguyễn Thị Chiến (49 tuổi, xã Hương Trà) than thở, “Tôi vừa trồng 8.000 cây chè trên diện tích 6.000m2, tuổi thọ đã 2 năm, cao được 15-20cm, vốn bỏ ra là 50 triệu đồng. Chi phí chăm bón mỗi năm từ 25-30 triệu nữa, giờ thì khả năng là mất trắng. Chi phí thuê xe phun nước 5 ngày qua mất tong 5 triệu đồng rồi nhưng không có ích gì, chè vẫn chết. Dự tính 5 ngày tới trời mà không mưa, nguy cơ toàn bộ diện tích chè chết trắng là rất lớn”.

Dự kiến, nếu nắng nóng kéo dài 10 ngày tới, thì nông trường chè 20/4 nguy cơ chết cháy lên tới 100ha, thiệt hại hàng tỷ đồng. Nhiều hộ dân đã bất lực nhìn chè chết mà không biết kêu ai, chỉ biết cầu trời có trận mưa giông đổ xuống!

Sông hồ khô cạn, mạ non cũng héo queo

Vụ hè thu đang vào mùa, tuy nhiên người dân huyện Lộc Hà đang như ngồi trên đống lửa khi thời hạn đã đến nhưng nguồn nước cung ứng để gieo, bắc mạ đang thiếu trầm trọng.

Trên các hồ, đập, trạm bơm nước một số nơi đã trơ đáy. Lo nhất là các xã Bình Lộc, An Lộc, huyện Lộc Hà đang thiếu nước để bắc mạ (diện tích khoảng 25ha).

Nhiều trạm bơm nước cho đất nông nghiệp đã khô cạn (ảnh: TH)
Người dân đang ra sức tưới tiêu cho cây chè, cứu vãn có thể sống sót (ảnh: TH)

Theo báo cáo từ Phòng nông nghiệp huyện Lộc Hà, với tình hình nguồn nước như hiện nay, ước tính khoảng 1.000 ha bị thiếu nước để gieo cấy. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, nắng nóng còn kéo dài khoảng 10 ngày nữa, khả năng sẽ thiếu nước tưới cho toàn bộ diện tích lúa 1675 ha.

Hiện tại đã có 12/31 trạm bơm tại các xã Bình Lộc, An Lộc, Phù Lưu, Hồng Lộc, Tân Lộc bị “treo” (tức không có khả năng nguồn dự trữ nước-pv). Dự báo khoảng sau ngày 5/6/2015 nếu không có nguồn nước bổ sung từ sông Đò Điệm thì cơ bản các trạm bơm trên địa bàn sẽ bị “đóng cửa nước”.

Nhiều xã đã gieo mạ nhưng do nắng nóng không có nước tưới tiêu, mạ bắc lên cũng héo queo (ảnh: TH)

Trước nguy cơ thiếu nước gieo bắc, mạ cho vụ mùa hè thu, huyện đã chỉ đạo các xã giữ nước bằng cách người dẫn đắp bờ giữ nước tại ruộng. Tận dụng các nguồn nước tại chỗ, huy động 120 máy bơm lưu động để bơm nước. Đồng thời, phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh kiểm tra thực tế các công trình thủy nông, xây dựng phương án tưới và điều tiết nước hợp lý.

Nếu nước vẫn thiếu, phương án cuối cùng là huy động nhân dân nạo vét các tuyến kênh dẫn trạm bơm, sửa chữa, khắc phục kênh mương nội đồng:

Trương Hoa/ Infonet