Xin loi, ho chi la giao vien, khong phai 'tiep vien'! - Anh 1

Phòng GD-ĐT thị xã Hồng Lĩnh. Ảnh: Đời sống & Pháp luật.

Tôi cứ nghĩ đây là chuyện của ngày 1.4 , nhưng không, điều khó tin ấy đã xảy ra ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Bắt nguồn từ văn bản của UBND thị xã điều động cán bộ, giáo viên làm lễ tân, phục vụ các hoạt động ngoại khóa, nó đã bị nhiều vị lợi dụng, buộc các cô tiếp khách, gây phản cảm. Một công văn gửi đến Phòng GD – ĐT, các trường mầm non, tiểu học, THCS đóng trên địa bàn với nội dung: Điều động cán bộ, giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các dịp lễ lớn. Và không ít giáo viên đã vô tình trở thành “tiếp viên” với bao điều tiếng.

Hãy nghe họ trải lòng: “Việc phải đi tiếp khách khiến bọn em cảm thấy rất ái ngại. Bọn em buộc phải đi là vì nhiệm vụ được giao chứ trong lòng không hề muốn chút nào”, một cô giáo THCS chia sẻ. Và đây nữa, “trong bữa tiệc, khi chén bia chén rượu vào, sẽ không tránh khỏi những hành động như ôm vai, bá cổ. Tỏ thái độ thì không được, sợ mất lòng quan khách, thậm chí là bị cấp trên phê bình gay gắt. Nhưng nếu dễ dãi quá sẽ bị lấn lướt, lợi dụng…”.

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe câu trả lời về chuyện phản cảm trên của ông Lê Bá Thiềm – Trưởng phòng GD – ĐT thị xã Hồng Lĩnh. Ông ấy thản nhiên cho rằng: “Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống”.

Có lẽ, đúng là bình thường với ông ấy và những người xem giáo viên nữ không phải là giáo viên. Với suy nghĩ và tư duy ấy, tôi đã hiểu vì sao câu chuyện lạ lùng, dị hợm kia lại buộc các cô giáo cắn răng chịu đựng. Chê những ai “choàng vai bá cổ” hay cợt nhả trong những bữa bia rượu kiểu đó một, trách những vị để giáo viên của mình sa vào những trò ấy mười. Uy tín, danh dự, trách nhiệm và vị thế, các vị để quên ở đâu rồi sao?

Là phụ nữ bình thường, đã quá khó chấp nhận kiểu phân công, điều động quái dị trên. Làm giáo viên, điều ấy càng không được phép, không chỉ danh dự, nhân cách mà cả nghề nghiệp của họ cũng đang bị xúc phạm. Tôi vẫn mong rằng có gì đó sai hay hiểu lầm hoặc vì lý do nào đó dẫn đến vài trường hợp cá biệt. Nếu được như vậy, còn chút thông cảm hay có cái để biện minh trong câu chuyện phi lý này. Còn ngược lại, ngành giáo dục Hà Tĩnh không thể không lên tiếng và chấn chỉnh, xử lý. Vì danh dự của ngành và cả bộ mặt của địa phương, nếu để tiếp diễn hay tồn tại cách trả lời như ông Trưởng phòng, có lẽ không riêng gì ngành này nhận những tiếng chê cười và phê phán nặng nề…

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục “Làm báo cùng Lao Động” hoặc gửi vào địa chỉ email: [email protected]; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Hà Phương