Xem bói, Tử vi

Xem tóc… đoán người

Người ta bảo: “tóc quăn hay ghen – tóc thẳng hay hờn”, hoặc: “cô độc tóc khô, nghèo khổ tóc xù, lu bu tóc rối” và nhiều câu nữa xem ra rất gần với luận giải của khoa nhân tướng học ngày nay về tóc…

Ca dao đã đưa mái tóc của người phụ nữ Việt Nam lên vị trí thứ nhất trong “mười thương”: một thương tóc bỏ đuôi gà… Nếu mái “tóc đuôi gà” ấy (cũng như bất cứ dáng tóc nào) được kết bằng “những sợi nhỏ đen bóng, thơm tho và mềm mại như tơ” thì sẽ không chỉ dễ “thương” mà còn đáng “quý” nữa – vì đó là một trong các điều kiện “ắt có” về nhân diện để dẫn đến “phú quý” “phúc thọ”.
Khoa nhân tướng học đưa ra nhận xét như vậy và dĩ nhiên cần kết hợp thêm một số tướng trạng kề cận của tóc như tướng đầu nhọn, đầu tròn, đầu to, đầu nhỏ, tướng lông mày dài ngắn, hoặc đậm nhạt khác nhau, để có cách nhìn bao quát đầy đủ và thuyết phục hơn.

Nhận diện và dự đoán về các loại tóc

Có ba dạng tóc tiêu biểu thường được nhắc tới dưới đây:

1.     Hình dáng và tính chất của tóc (như tóc dài tóc ngắn, tóc cứng tóc mềm): Phụ nữ có mái tóc mềm và đen nhánh với những sợi nhỏ buông thẳng xuống vai như nói trên là tướng tóc quý, song tính tình của chủ nhân dáng tóc ấy lại hay hờn giận, thích dỗ dành, chiều chuộng. Nếu tóc dài ngang lưng với sắc đen mượt, mặt đầy đặn, mắt sáng, là người tính tình hiền hậu, đằm thắm. Song nếu tóc dài quá thân người, sẽ gặp khó khăn trên đường mưu sinh vào tuổi trung niên. Cô nào tóc quăn phủ xuống đằng trước thiên đình (trước trán) là người có tính hay ghen bóng, ghen gió, như các thầy xem tướng đúc kết: “Vợ đâu có vợ lạ đời – Quăn quăn tóc trán là người hay ghen”.

Đó là phái đẹp, còn đàn ông tóc đen rậm và dày kèm theo tướng đầu tròn và cao như đầu hổ (hổ đầu cô khởi) ắt là người sẽ tạo được thanh thế, địa vị trong xã hội nhờ phần lớn vào phúc báu từ mấy đời trước của mình tích tụ lại, khó có người sánh kịp (phúc lộc vô tỷ). Cũng dạng “hổ đầu cô khởi” song tóc không được dày, không được đen và sáng lắm, thì phần “phúc” vẫn không vơi (an vui thanh thản), song phần “lộc” lại không đầy (của nhà vừa đủ). Ngược lại người tóc bù xù, sợi tóc quấn vào nhau, trông thô và rối, sẽ không gặp may mắn lắm trên đường đời.

Cả đàn ông hoặc đàn bà nếu tóc mọc quá ngắn, cộng thêm đầu có hình nhọn, sẽ gặp nhiều điều bất như ý trong cuộc sống. Nếu tóc đen đậm, cộng thêm đầu to cao như đầu voi, là người tính tình phóng khoáng, phần đông có chức phận cao và sống thọ. Còn tóc cứng, màu không đen lắm, là người thiếu cả quyết, bỏ lỡ nhiều cơ hội và dịp may đáng tiếc trong đời vì do dự tính toán quá lâu. Đàn ông đầu nhỏ với tóc dài quá cỡ cũng không được tốt vì sẽ gặp lao đao, lo lắng, công việc sắp thành bỗng bị người khác chen vào gây trở ngại, ấy là đo tôi chướng đời trước xuôi khiến nên đừng buồn bã quá mức, mà hãy vui với câu: “đời này trả nợ ngày xưa vay người – đời sau đủ phước cám ơn người nhiều”.

2. Mùi tóc (tóc thơm, tóc hôi): Nhân tướng học quan tâm đến cả mùi tóc nữa. Người có mùi tóc thơm thoang thoảng kèm theo vòm xương đầu nhỏ và tròn là người may mắn và được yêu thương. Người tóc nhiều mà bị hôi, ngồi gần thoang thoảng mùi khó chịu sẽ gặp trắc trở trong giao tiếp và đời sống tình cảm.
Có lẽ để gây cảm tình với người xung quanh, từ xưa những cô gái tóc dài thường dùng các loại thảo quả, bồ kết hoặc chanh tươi gội đầu để giữ mùi thơm trên tóc, như sách Recueil de chansons populaires do Huỳnh Tịnh Của sưu tầm có mấy câu dẫn chứng: “Tóc dài thì tốn tiền chanh – Nào ai bán tóc nuôi anh bao giờ”, hoặc “Tóc dài thì tốn tiền dầu – Nào ai bán tóc để đầu trơ vơ” (theo Huỳnh Ngọc Trảng).
Chính tóc thơm tự nhiên mới là đối tượng quan sát xem xét của nhân tướng học vì tóc ấy thường để lại ấn tượng rất sâu trong lòng người nên có câu hát “làm sao quên mùi tóc”? Hoặc thường lan tỏa trong không gian khiến cả gió cũng “sẽ mừng vì tóc em bay”. Bên mùi thơm đặc trưng trên tóc của ai đó lại có thêm hàng lông mày thanh tú nữa cũng là tiêu chí và dấu hiệu để nhận ra con người dễ “gây thiện cảm” với chung quanh, nhưng cũng là người dễ “xiêu lòng” trước những mời gọi đa tình.
3. Màu tóc (tóc đen, tóc đỏ, tóc vàng): Ngày nay nhiều bạn thanh niên nhuộm tóc với đủ các màu khá đẹp, nhưng nhân tướng học chỉ lưu tâm nhận xét màu gốc của tóc khi chưa nhuộm, nhất là màu đen mượt mà của “suối tóc” Việt. Nếu một sớm một chiều tóc ấy chợt ngả sang màu đen lợt, dần dần trở vàng như màu lá sắp úa, là điềm sẽ gặp mâu thuẫn trong chuyện gia đạo. Bằng như tóc chuyển sang màu hơi đỏ như màu lá bàng sắp rơi cần phải đề phòng bệnh tật ập đến. Chưa tới tuổi trung niên đầu đã sớm bạc, cần lo tu dưỡng tâm tính, nhẫn nhịn, tránh cãi cọ và hạn chế bớt những công việc động não kéo dài. Còn như tóc ngả sang màu bạc bỗng trở lại xanh đen là điềm hiếm có và rất tốt, dự báo gia đạo yên vui, êm ấm lúc về già.
Vậy đó, mùi hương và cả màu của tóc đều được khoa nhân tướng học lưu tâm phân tích và quy nạp vào nhiều dự báo khác nhau, kể cả tóc mai. Có câu: “tóc mai sợi vắn sợi dài – lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm”. Đem hai câu ấy ngẫm nghĩ và đối chiếu với nhân tướng học, ta thấy người có tóc mai vừa khô, vừa không thẳng thớm, là người sẽ gặp trắc trở trong tình yêu.
Tóc mai nhiều và dày kéo xuống che khuất đuôi lông mày là người sẽ gặp chuyện buồn về hôn nhân. Vũ Ngọc Phan trong công trình sưu tầm ca dao tục ngữ Việt Nam đã ghi câu: “Cá tươi thì xem lấy mang – Người khôn, xem lấy đôi hàng tóc mai”. Nếu cạnh mang tai thiếu hẳn tóc mai là người thiếu trung thực.
Nhưng tóc mai dày lên lấp trước mang tai, đầu người ấy lại nhỏ, cũng sẽ ảnh hưởng mạnh đến đường sinh mệnh (đoản mệnh) – nếu được sống qua tuổi trung niên rất dễ lâm cảnh thiếu hụt, buồn tủi, nhưng có thể “chuyển nghiệp” để hậu vận tốt hơn bằng cách làm việc ích lợi nhân sinh (như góp công đắp đường, xây cầu) hoặc công quả nơi đình miếu, chùa chiền sẽ được an vui như lời dặn của pháp sư Tịnh Không: “tướng mạo có thể thay đổi do nghiệp lành được vun đắp ngay trong đời này”.

Phép xem tướng với y thuật ứng dụng về tóc

Phép xem tướng lưu ý đến một dạng nhân diện nào đó giữa nam và nữ thoạt nhìn thấy giống nhau, nhưng xét riêng cụ thể thấy biểu thị những tính cách khác nhau. Ví dụ đàn bà tóc quăn (như  nói trên) biểu lộ của tính hay ghen – trong lúc đàn ông tóc quăn lại là biểu lộ của trí khôn và lanh lợi.
Cũng có những nét nhân diện được xem là tốt đối với phái nam lại không tốt mấy đối với phái nữ như ba trường hợp sau: “1. Đàn ông mà trán cao rộng, sáng sủa, đầy đặn là biểu hiện của trí tuệ sâu sắc, kiến thức rộng rãi, dễ thành đạt lúc thanh niên. (Nhưng) ở đàn bà, kẻ có tướng trán như vậy là kẻ long đong về đường gia thất. 2. Đàn ông có lưỡng quyền cao  rộng và nẩy nở là tướng có thực quyền, quả cảm, ưa phấn đấu. (Nhưng) ở đàn bà, lưỡng quyền cao nẩy nở là kẻ có khí thái trượng phu, có khuynh hướng ăn hiếp chồng và khắc chồng. 3. Đàn ông có tiếng nói cao và vang xa hoặc trầm hùng, ngân lâu như tiếng chuông là tướng âm thanh thượng cách, chủ về thông minh tháo vát, công danh đầy hứa hẹn. (Nhưng) đàn bà mà có âm thanh kể trên, lại là tướng âm thanh khắc phu, dâm loạn, phá bại hoặc trùng hôn” (Việt Chương – Vận dụng khoa nhân tướng học trong ứng xử và quản lý kinh doanh. NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội 1998, trang 272-273).
Cũng có những dạng nhân tướng thường dùng xem xét riêng cho phái nữ như: “tóc đen mượt, lông mày vừa phải, màu xanh đen, mắt đen trắng phân minh, mục quang mạnh mẽ nhưng ẩn tàng” là người vợ đảm đang, tháo vát và cần kiệm, biết lo cho chồng con, gia đình (Sđd, tr. 280), nếu trường hợp “tóc thô và vàng, mắt sâu, mày đậm sẽ long đong về sinh kế, hiếm con” (Sđd tr.282). Hoặc “nếu tai phía trái của người mẹ dày hơn tai phía phải thì con đầu lòng sẽ là trai; phía mặt (tai phải) dày hơn thì con đầu lòng sẽ là gái”(Sđd tr. 283).
Cần lưu ý, có nhiều trường hợp tóc bị biến màu, biến dạng nhưng không thuộc phạm vi xem xét của nhân tướng học nữa – ấy là khi tóc bị tác động bởi bệnh tật – cần đến kinh nghiệm của y thuật ứng dụng.
Về phương diện đó, đại danh y Tuệ Tĩnh đã nêu lên bí quyết xem xét thanh sắc của Biển Thước và Hoa Đà phần về tóc, cho biết “tóc thuộc tâm”, do huyết dâng lên cấu thành, vì thế xét kỹ những biến đổi về tướng trạng, màu sắc của tóc sẽ có thể suy đoán được khi nào trái tim của bệnh nhân ngừng đập: “Bệnh nhân tóc dựng thẳng lên thì 15 ngày sẽ chết. Bệnh nhân đường lông mày kéo xếch đi thì 7 ngày qua đời. Tóc như sợi gai khô, hay tức giận (bất thần và vô cớ) là tánh mạng sắp nguy” (Hồng Nghĩa giác tư y thư, Lê Đức Toàn sao lục, NXB Y học, Hà Nội 1978).
Tuệ Tĩnh lại viết: “Hà thủ ô giúp đen tóc râu, tươi nhan sắc, dùng nhiều phản lão hoàn đồng” và Nguyễn Sỹ Lâm chú thích: Hà Điền Nhi 58 tuổi, đời Đường, là người bị suy nhược, tình dục suy kiệt, nhờ đào được củ Hà thủ ô trong núi đem về nấu uống thấy tóc trở nên đen nhánh, rồi sinh con…

Bài: Tây Tạng – Ảnh: Tư liệu/ MTG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP