Xe tưởng rẻ thành đắt
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2017, Việt Nam nhập khẩu hơn 7.000 xe ô tô các loại. Trong số đó có 1.000 xe nhập từ Ấn Độ về, giá bình quân rất rẻ, tương đương với khoảng 84-85 triệu đồng/chiếc (chưa bao gồm thuế). Xe nhập giá ngày càng rẻ, trong khi giá bán ra vẫn ở mức cao, nhiều ý kiến cho rằng người tiêu dùng Việt Nam, đừng hy vọng được mua xe giá rẻ.
Năm 2016, ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ về Việt Nam khoảng hơn 20.000 chiếc, giá nhập khẩu bình quân là 5.300 USD/chiếc (tương đương với hơn 100 triệu đồng).
Những chiếc xe bán chạy ở Ấn Độ
Hyundai Grand i10 là mẫu xe chiếm số lượng áp đảo. Mẫu xe này năm 2016 có doanh số bán hơn 18.000 chiếc. Giá bán Hyundai Grand i10 tại Việt Nam từ 350-450 triệu đồng, tùy từng phiên bản.
So với giá bình quân năm 2016, thì giá nhập xe đầu năm 2017 từ Ấn Độ đã giảm khá mạnh, khoảng 1.600 USD mỗi xe.
Tuy nhiên, DN nhập khẩu ô tô từ Ấn Độ cho biết, đây chỉ là giá nhập bình quân trong tháng 1/2017, chứ không phải cả năm. “Đơn hàng này, chúng tôi nhập số lượng lớn, chỉ toàn bản cấp thấp, chủ yếu về phục vụ cho kinh doanh taxi, nên có giá rẻ”, đại diện DN này nói.
Xe nhập từ Ấn Độ hiện phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu 70%, thuế tiêu thụ đặc biệt 40% và thuế giá trị gia tăng 10%. Nếu cộng tất cả các chi phí, lợi nhuận, một chiếc xe về đến Việt Nam sẽ đội giá lên cao gấp từ 2,6 đến 3,6 lần so với giá nhập.
Tuy nhiên, so giữa giá nhập và giá bán, có thể thấy người tiêu dùng Việt Nam đang phải chịu nhiều thiệt thòi, khi không thể mua được xe giá rẻ.
Các DN nhập khẩu ô tô từ Ấn Độ cho biết, nhà sản xuất đang hạ giá và tăng khuyến mãi cho đơn hàng nhập số lượng lớn để cạnh tranh với xe từ khu vực ASEAN được giảm thuế nhập khẩu. Vì vậy, giá xe ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ, đang có chiều hướng giảm. Khi chi phí đầu vào giảm, thì DN nhập khẩu có điều kiện giảm giá bán cho khách hàng.
Giá rẻ nhưng phí cao?
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, xe nhập từ Ấn Độ luôn có giá rẻ nhất trong các nước xuất khẩu ô tô vào Việt Nam, vậy nhưng giá xe về nước bán ra vẫn cao, thì còn lâu người tiêu dùng Việt Nam mới hy vọng được mua xe giá rẻ.
Có một điều quan trọng là, giá xe do thị trường quyết định. Một mẫu xe ăn khách, được nhiều người lựa chọn thì đầu vào giảm, chưa chắc đầu ra đã giảm theo.
Xe nhập khẩu dự kiến sẽ ồ ạt về Việt Nam khi thuế nhập khẩu nguyên chiếc giảm
Trong một phân tích khác, ông Long nhận định, “nhiều người đang chờ đợi tới 2018 để được mua xe giá rẻ, nhưng điều này tôi nghĩ là chưa chắc”.
Theo cam kết AFTA, đến 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam sẽ giảm xuống mức 0%. Bên cạnh đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có dung tích xi lanh dưới 1.5L được giảm từ mức 40% hiện nay xuống còn 35%, từ 1.5L-2.0L giảm từ 45% xuốn còn 40%. Mức giảm thuế với xe nhập vào năm 2018 như vậy là khá lớn. Về nguyên tắc, khi thuế giảm thì giá xe sẽ giảm.
Tuy nhiên, nguồn thu từ ô tô chiếm tỷ lệ lớn đối với ngân sách hàng năm. Khi thuế giảm mạnh, ngân sách bị hụt thu thì cơ quan chức năng sẽ phải xem xét, tăng thu các khoản khác để bổ sung. Bên cạnh đó, hạ tầng tại các đô thị lớn đang quá tải, nếu để xe giá rẻ tràn vào, càng gây thêm nhiều bức xúc. Vậy nên, việc tìm cách tăng thu từ ô tô, có vẻ như giải pháp, vừa giúp bù đắp ngân sách, lại vừa giúp hạn chế ô tô.
Tăng lệ phí trước bạ lên cao, hay phí môi trường là biện pháp sẽ được các cơ quan chức năng tính đến. Nếu các loại phí tăng lên, cho dù xe nhập từ Ấn Độ hay ASEAN về, có bán giá rẻ cũng không ăn thua. Khi đó, trên thị trường ô tô, vẫn xuất hiện xe giá rẻ, do thuế giảm, nhưng mua xong, muốn lưu hành phải đóng thêm những khoản phí cao. Tính ra, tổng số tiền phải chi để mua xe hay “lên đời xế hộp” cuối cùng vẫn cao, ông Ngô Trí Long khuyến cáo.
Ngoài ra, có một số đề xuất hạn chế xe nhập để bảo vệ sản xuất trong nước. Theo đó, cần kiểm soát chặt chẽ giá xe nhập khẩu khai báo hải quan. Một chiếc ô tô có giá 10.000USD, nhưng DN nhập khai giá nhập chỉ có 6.000USD thì gian lận khá nhiều.
Không chỉ kiểm soát tại cửa khẩu, công tác hậu kiểm cũng sẽ được tăng cường. Thời gian qua, 1 loạt DN ô tô đã bị “sờ gáy” và truy thu hàng trăm tỷ đồng, do trước đây khai báo giá thấp. Thời gian tới, sẽ kiểm soát chặt chẽ khâu này, khi giá nhập cao thì giá bán khó giảm mạnh.
Một số ý kiến đã đề nghị dựng các hàng rào kỹ thuật với xe nhập khẩu. Chẳng hạn với xe nhập từ ASEAN phải đảm bảo đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40% thì nhập khẩu, mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Trong khi đó, đạt mức 40% không hề dễ dàng và không phải mẫu xe nào, nhà sản xuất nào cũng đạt được. Đây có thể là các giải pháp nhằm hạn chế xe nhập. Như vậy, cũng khiến cho giá xe nhập khó giảm mạnh.
Theo Trần Thủy
VietnamNet