Hai năm trở lại nay, gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chính quyền và bà con nơi đây đã khai thác tiềm năng, lợi thế, triển khai đa dạng các mô hình phát triển kinh tế, đem sức sống mới về với vùng quê nghèo.
Với diện tích 2.217 ha, trong đó đất canh tác nông nghiệp và thủy sản chỉ có hơn 400 ha, còn lại là đất lâm nghiệp, Bắc Sơn đã chủ động đầu tư mạnh vào phát triển kinh tế vườn đồi, trang trại. Ông Trần Bá Hoành – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện nay, ở Bắc Sơn đã có trên 200 hộ phát triển kinh tế vườn đồi, trang trại theo hình thức cá nhân và tổ hợp tác. Các mô hình kinh tế này tập trung nhiều nhất ở 4 xóm: Kim Sơn, Đồng Vĩnh, Trung Sơn, Xuân Sơn, đem lại nguồn lợi tuy chỉ là bước đầu nhưng không nhỏ đối với bà con nông dân”. Đáng chú ý, từ năm ngoái đến nay, xã đã tiến hành quy hoạch giao khoán vườn đồi cho các hộ dân quản lý, chuyển đổi các rừng keo sang trồng cao su. Đây là một hướng đi mới của Bắc Sơn. Với diện tích quy hoạch ban đầu 40 ha, hiện nay, các vườn cây cao su được bà con tập trung chăm sóc và đang kỳ sinh trưởng thuận lợi. Được xã tạo điều kiện cho nhận đất, nhận rừng về thực hiện các mô hình trang trại tổng hợp với việc kết hợp trồng cây và chăn nuôi, chị Tôn Thị Hằng (xóm Đồng Vĩnh) chia sẻ: “Gia đình tôi nhận hơn 7 mẫu kết hợp trồng chè, keo, cao su. Riêng chè, gia đình đã trồng từ lâu, mỗi năm cho thu hoạch ít nhất 50-60 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi còn nuôi thêm hươu, lợn…”.
Mô hình trồng dưa chuột của bà con xóm Xuân Sơn
Bên cạnh các mô hình kinh tế vườn đồi, nhiều hộ nông dân Bắc Sơn đã triển khai các mô hình trồng dưa, hoa. Dưa đỏ Bắc Sơn đã được bà con nơi đây coi là một loại nông sản đem lại lợi ích kinh tế cao. Toàn xã có hơn 80 ha, trong đó, điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Tuấn (Xuân Sơn) với diện tích hơn 2 mẫu, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/sào, hàng năm, gia đình anh thu 70-80 triệu đồng từ dưa. Một số hộ khác sau thời gian trồng hoa ở các tỉnh như Đà Lạt, Lâm Đồng, về quê đã mạnh dạn chuyển đổi các mô hình trồng hoa cúc, hoa ly, hoa đồng tiền. Ông Dương Công Thứ (xóm Xuân Sơn) – một hộ dân có mô hình trồng hoa 2, 3 năm nay cho biết: “Với diện tích gần 1 sào hoa cúc (15 nghìn cây) và gần 100 chậu hoa ly, hàng năm, gia đình thu về khoảng 30-50 triệu đồng vào dịp tết. Hiện nay, được sự hỗ trợ từ khuyến nông xã (50% vốn, kỹ thuật), tôi trồng thêm hoa đồng tiền. Đây là loại hoa có thể cho thu hoạch từ 3-5 năm cho 1 lần trồng”. Ở Bắc Sơn, diện tích hồ đập cũng được bà con tận dụng và phát huy hiệu quả bằng các mô hình nuôi cá nước ngọt. Điển hình như tổ hợp sản xuất của anh Dương Xuân Đức (Xuân Sơn) với tổng số vốn đầu tư ban đầu hơn 200 triệu đồng.
Tiếp sức cho người dân vươn lên xây dựng thành công các mô hình kinh tế, xã Bắc Sơn đã phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn. Riêng Quỹ tín dụng nhân dân Bắc Sơn hiện có trên 1.000 lượt người vay vốn trên tổng doanh số hơn 42 tỷ đồng. Đặc biệt, mới đây, thực hiện Quyết định 26 về hỗ trợ lãi suất vay vốn phát triển sản xuất, ở Bắc Sơn đã giải ngân cho các hộ dân hơn 6 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.
Về Bắc Sơn hôm nay, không khỏi ngỡ ngàng khi ngày càng có nhiều đồi chè, đồi keo trập trùng, những vườn hoa, vườn dưa cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Đó là thành quả của sự sáng tạo và mạnh dạn của chính quyền và người dân khi tận dụng tiềm năng, lợi thế và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước triển khai các mô hình phát triển sản xuất đa dạng, đem lại hiệu quả kinh tế và cải thiện đời sống cho bà con.
Đoàn Loan
Báo Hà Tĩnh