Trong nước

Vừa lĩnh án, cán bộ đã quay lại nhiệm sở làm việc (!)

Phản ánh công tác thi hành án treo, đại biểu Trần Thị Dung (tỉnh Điện Biên) chỉ ra hàng loạt cán bộ bị tòa tuyên án nhưng sau đó chỉ vài tháng đã quay lại nhiệm sở làm việc, gây bức xúc trong dư luận.

Sáng 25/10, các đại biểu thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao công tác thi hành án, công tác phòng chống tham nhũng.

Vừa lĩnh án, cán bộ đã quay lại nhiệm sở làm việc (!)
Đại biểu Trần Thị Dung nêu tình trạng hàng loạt quan chức hưởng án treo vẫn quay lại nhiệm sở làm việc

Đại biểu Trần Thị Dung (tỉnh Điện Biên) phân tích kỹ công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân đảm nhiệm một số chức vụ, cấm hành nghề. Đại biểu nêu lại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp chỉ rõ công tác trên có chuyển biến nhưng còn hạn chế, số người chấp hành tại xã phường vẫn còn vi phạm pháp luật hình sự và đã phải xử lý 316 trường hợp.

Đặc biệt, UBND cấp xã ở nhiều địa phương chưa phân công người theo dõi, giáo dục người chấp hành án treo. Trong đó, có trường hợp người bị tòa kết án và cấm đảm nhiệm chức vụ nhưng vẫn được chính quyền bố chí chức vụ gây bất bình trong dư luận.

Như trường hợp hai ông Phạm Đăng Hoan và ông Lê Thanh Liêm – nguyên Bí thư và Chủ tịch UBND xã Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng), vào tháng 8/2013, bị tòa tuyên án và cấm đảm nhiệm chức vụ trong cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trong một năm. Tuy nhiên, đến tháng 4/2014, UBND huyện Tiên Lãng đã đồng ý đề xuất của xã Vinh Quang kí hợp đồng lao động với ông Hoan và ông Liêm. Sau đó, một ông được bố trí làm kế toán, một ông làm cán bộ địa chính, nông nghiệp, môi trường xã Vinh Quang.

“Thực tế việc thi hành án treo ở một số địa phương thời gian qua khiến dư luận bất bình. Bởi vì mỗi năm có hàng chục ngàn sinh viên ra trường nhưng không có việc làm thì chính quyền một số xã vẫn ký hợp đồng với những người đang trong thời gian thi hành án vào là việc hoặc chuyển từ xã này sang xã khác mà vẫn giữ vị trí công tác đó”, đại biểu Dung nói.

Đại biểu Dung tiếp tục đưa ra một loạt ví dụ như tháng 8/2014, tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã bố trí cho 2 người mới thi hành án treo được 8 tháng vào làm việc. Cụ thể, đó là các ông Phí Đình Hưng nguyên Chủ tịch UBND xã vào làm kế toán, trong khi ông này còn phải chấp hành 28 tháng nữa và ông Nguyễn Văn Thiết – nguyên cán bộ địa chính đã vào làm cán bộ văn phòng UBND xã khi còn phải chấp hành 16 tháng nữa (46 tháng thử thách).

Trường hợp khác được đại biểu Dung đưa ra trước nghị trường là ông Nguyễn Văn Chính, cán bộ địa chính xã Thọ Châu, Thọ Xuân (Thanh Hóa). Với tội cố ý gây thương tích, từ tháng 5/2012, tòa đã tuyên, ông Chính 30 tháng tù và cho hưởng án treo. Tuy nhiên, sau khi xét xử, huyện đã chuyển ông này sang xã khác và vẫn tiếp tục làm cán bộ địa chính.

“Thực tế trên chỉ là một số ví dụ, theo tôi còn nhiều trường hợp khác nữa. Họ là những người gần dân nhất nhưng lại chưa được dân đặt niềm tin, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Theo tôi những vấn đề này tới đây phải hết sức quan tâm để thực hiện được những bản án mà tòa đã tuyên”, đại biểu Dung nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (tỉnh Trà Vinh) đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng cần đánh giá sát thực hơn nguyên nhân của các loại tội phạm bột phát mới nổi lên nhưng rất tàn bạo gây bức xúc trong dư luận, nhân dân trong thời gian gần đây.

Theo đại biểu, thời gian tới cần đánh giá xác thực việc tiếp cận pháp luật, nhận thức, hiểu biết pháp luật trong nhân dân là bao nhiêu phần trăm. Làm điều đó để tránh tình trạng cứ tiếp tục tuyên truyền, giáo dục pháp luật một cách chung chung. Ngoài ra, đại biểu còn đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, người đứng đầu địa phương, đơn vị để vi phạm, phát sinh nhiều tội phạm.

“Phải kiến nghị xử lý từng tổ chức cá nhân có liên quan. Như vụ đem điện thoại vào trại giam, vụ tự sát trong trại giam được phản án thời gian qua. Vậy ở đây là gì, có thông đồng hay là vô trách nhiệm? Chỉ cần đổ thừa không biết thì mọi việc đều bình an vô sự. Tôi đề nghị Chính phủ các cơ quan chức năng đánh giá có bao nhiêu vụ “không biết”, để khắc phục tình trạng “không biết” này”, đại biểu Nguyễn Thị Khá băn khoăn.

Quang Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP