>> Vụ tồn đọng đất hơn 20 năm ở Hà Tĩnh: Treo đất vàng, dân thiệt nặng (Bài 1)
Người dân chỉ khu đất chỉ được đền bù tài sản trên đất.
Vượt quá tầm của huyện
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Cao Xuân Quế – Trưởng phòng Tư pháp huyện Nghi Xuân cho biết: Trong số 55 hộ dân vướng Quyết định 1217 của UBND tỉnh Hà Tĩnh thì chỉ 5 hộ có đơn khiếu nại. Muốn giải quyết 5 hộ này thì phải giải quyết cho cả 55 hộ. Hiện tỉnh đã thành lập đoàn công tác và đang chờ phương án để xử lý.
Thực tế về lùm xùm đất đai ở Nghi Xuân là do lịch sử để lại và có tới 77 hộ dân chứ không riêng gì 5 hộ dân có đơn đó. Qua rất nhiều đời chủ tịch đã đề xuất nhiều phương án và có đề xuất lên Thanh tra Chính phủ, nhưng vẫn chưa giải quyết được dứt điểm.
Ông Nguyễn Hải Nam – Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân khẳng định: Vấn đề này vượt quá tầm giải quyết của huyện. Hiện nay tỉnh đang đưa ra nhiều phương án: Thứ nhất là xây dựng quỹ đất để đền bù cho các hộ dân nhưng vấn đề đất đai ở thị trấn Xuân An đang rất khó khăn, chưa tìm ra được quỹ đất phù hợp. Cũng có phương án là trả tiền cho các hộ dân. Nhưng hiện nay tất cả các phương án đang đề xuất, chứ cụ thể chưa có phương án nào giải quyết dứt điểm.
Thanh tra hơn 2 năm vẫn chưa đi đến kết luận
Để giải quyết dứt điểm vụ việc nói trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 2188/QĐ-UBND ngày 4-8-2014 thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành (do Thanh tra tỉnh chủ trì, cùng các Sở: TNMT, Tài chính, Xây dựng, Công an tỉnh, UBND huyện Nghi Xuân) tiến hành kiểm tra, xác minh việc thu tiền, cấp đất cho các hộ dân giai đoạn từ năm 1992-1993, dọc hai bên Quốc lộ 1A (đoạn phía Nam cầu Bến Thủy). Tuy nhiên, đã hơn 2 năm kể từ khi thành lập Đoàn thanh tra đến nay vụ việc vẫn chưa đi đến hồi kết.
Cuối tháng 12/2015, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVI, ông Thái Sinh, Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Việc xác minh đòi hỏi phải cụ thể, trực tiếp đối với từng hộ, thông tin cần xác minh đã quá lâu (hơn 20 năm), việc xác định nơi cư trú một số trường hợp rất khó khăn… Công tác thanh tra làm việc trực tiếp, hai hoặc ba lần đối với 72 trường hợp; xác minh tại 30 đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan; tổ chức họp xin ý kiến của Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại tố cáo tỉnh…, nên thời gian kéo dài.
Cũng theo ông Thái Sinh, Đoàn thanh tra đã làm việc, xác minh xong với 77 trường hợp tồn đọng; làm rõ việc giao đất sai đối tượng (giao đất cho người chưa lập gia đình, người đã có đất ở, người không có hộ khẩu thường trú tại xã Xuân An, huyện Nghi Xuân), giao đất sai quy hoạch (giao đất sai chỉ giới xây dựng: quy hoạch cách tim QL 1A 20,5m nhưng UBND huyện Nghi Xuân và UBND xã Xuân An giao đất cho các hộ cách tim Quốc lộ 1A 17,5m), giao đất sai thẩm quyền (trong số 77 trường hợp chỉ có 17 trường hợp có Quyết định cấp đất của UBND huyện Nghi Xuân)…, từ đó đưa ra được phương án giải quyết; đang trong quá trình chuẩn bị ban hành kết luận thanh tra và chỉ đạo UBND huyện Nghi Xuân xử lý đối với từng trường hợp.
Tuy nhiên, trao đổi với PV vào chiều 9/8/2016, ông Thái Sinh cho biết: Đoàn thanh tra liên ngành đã có văn bản tham mưu gửi UBND tỉnh đã khá lâu nhưng do thời điểm gần đây tỉnh có nhiều vấn đề chính trị phải giải quyết nên chưa xem xét giải quyết vấn đề đất đai ở Nghi Xuân được. Trong tháng 8 hoặc tháng 9 này sẽ có kết luận của tỉnh.
Ngoài ra, ông Thái Sinh cũng chia sẻ, đối với 5 hộ dân có đơn khiếu nại bức thiết hơn các hộ dân khác vì có liên quan việc nhường đất cho dự án Khu du lịch sinh thái Gia Lách. Vấn đề tồn đọng đất đai ở huyện Nghi Xuân rất phức tạp, không thể giải quyết dứt điểm được tất cả 77 trường hợp ngay. Vì thế chính quyền cần chọn từng nhóm, từng đối tượng cụ thể, có giấy tờ hợp lệ để giải quyết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Như vậy, vấn đề tồn đọng đất đai ở huyện Nghi Xuân đã kéo dài hơn 20 năm, trải qua nhiều đời chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Người dân đang rất kỳ vọng vào phương án giải quyết của chính quyền mới tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2016-2021.
Hạnh Nguyên