Can Lộc

Vụ tai nạn xe khách tại Thái Lan: Những ước mơ còn dang dở

Sau 2 ngày sau vụ tai nạn thảm khốc trên đất Thái, những người thân ở quê nhà tại Việt Nam đều đã nhận được tin dữ. Mong mỏi buốt lòng của nhiều gia đình ở 2 xã Tiến Lộc và Xuân Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) lúc này là sớm đưa được thi thể người thân về an táng…

Chưa kịp làm đám cưới đã gặp nạn

Trưa 4/6, tại nhà bà Trần Thị Lộc (xóm Hồng Hà 2, xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc) – mẹ của nạn nhân Trần Văn Cường (SN 1990) đã có rất đông hàng xóm, họ hàng, người thân tập trung để chia buồn và bàn kế hoạch lo tang lễ. Bà Lộc dường như suy sụp hoàn toàn sau khi nhận được tin dữ, thấy có khách bà vẫn cố gượng dậy để ngóng tin con.

Ngồi bên di ảnh của người con trai xấu số, bà Lộc buồn rầu cho biết: Gia đình có tất cả 7 chị em, Cường là con thứ 3 nhưng cũng là người con trai đầu tiên. Do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, Cường đã phải ngừng việc học từ khi vừa hết lớp 9. Vì lo cho các em, Cường cùng chị gái và 1 người em trai quyết định sang đất Thái tìm kế sinh nhai. Do không được học hành đến nơi đến chốn, nên cả 3 chỉ được nhận làm thuê việc vặt như rửa bát, phục vụ cho các nhà hàng ăn uống. Mỗi tháng người ta trả cho 5.000 – 6.000 bạt, tương đương 3-4 triệu đồng.

Em trai út của nạn nhân Trần Văn Cường bên di ảnh của anh trai
Em trai út của nạn nhân Trần Văn Cường bên di ảnh của anh trai

Cường đi 3 năm nhưng tổng số tiền gửi về cho gia đình cũng chỉ vỏn vẹn được 15 triệu đồng. “Thời gian gần đây, do bên đó thường xuyên bất ổn, hàng quán không bán được nên cả 3 chị em hầu như không có việc làm. Họa hoằn lắm mới có tháng các con gửi về thêm 3 triệu để giúp bố mẹ nuôi em ăn học” – bà Lộc cho hay. Ở Việt Nam, cả gia đình 5 miệng ăn chỉ biết trông vào 4 sào ruộng lúa và số tiền công nhật thợ xây ít ỏi của ông Pháp (bố Cường).

Bà Lộc cho biết: Khoảng 10 giờ 30 ngày 2/6, khi đi chợ tôi nghe bà con xóm bên nói thằng Cường bị tai nạn nặng lắm. Tôi tức tốc về nhà tìm cách liên lạc với thằng Thế (em trai Cường) thì hay tin Cường đã tử nạn khi đang trên đường đi Nong Bua Lamphu tham gia buổi lễ của nhà thờ Công giáo. Xe bốc cháy nên người cũng bị cháy đen chưa xác định được thi thể”. Nói đến đây Bà Lộc khóc ngất.

Đúng lúc này, ông Phát cùng với một số người trong xóm vừa từ nghĩa trang trở về. Ông Phát cho biết: Giờ cũng chưa biết khi mô người ta cho cháu về nữa. Nghe đâu còn phải chờ giám định pháp y. Thôi thì sự đã rồi, chúng tôi đành xây mộ trước cho hắn, để hắn về có chỗ mà yên nghỉ”.

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc tại Thái Lan
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc tại Thái Lan

Nói về Cường, bà Trần Thị Hồng hàng xóm nhận xét: Cường là đứa hiền lành chăm chỉ. Trong xóm ngoài làng ai cũng mến vì nó không bào giờ rượu chè, cờ bạc, lúc chưa đi Thái nó một mình thay bố gánh vác việc nhà… Năm trước nó dẫn người yêu về xin cưới, nhưng do chưa được tuổi nên 2 gia đình thống nhất hoãn đến năm nay. Vậy mà giờ ra cơ sự thế này. Tội nghiệp bọn trẻ.

Ước mơ còn dang dở

Cùng đi chung trên chuyến xe định mệnh với Cường còn có 11 người khác mang quốc tịch Việt Nam. Đa phần trong số họ đều là những người còn rất trẻ, chưa xây dựng gia đình. Tai nạn ập đến cướp đi tất cả hy vọng, hoài bão, giấc mơ về một tương lai tươi sáng hơn. Đáng thương nhất trong số các nạn nhân tử nạn phải kể đến trường hợp em Hoàng Văn Thiên (SN 1993, xóm Bình Yên, xã Xuân Lộc).

Trong ngôi nhà cấp 4 sập sệ, ông Hoàng Bính – bố của nạn nhân Thiên cho biết: Nhà nghèo quá, lại có tới 5 người con nên chẳng có tiền cho chúng nó ăn học tới nơi tới chốn. Thiên là đứa chăm ngoan, học giỏi. Học hết lớp 12, Thiên quyết tâm thi đại học, nhưng học tài thi phận, 2 năm liên tiếp em đều bị thiếu 1 điểm. Quyết tâm phải đỗ đại học để sau này giúp đỡ bố mẹ. Tháng 9/2013, Thiên xin bố, theo mẹ sang Thái làm thuê kiếm tiền để tiếp tục nuôi giấc mơ của mình.

“Vừa rồi cháu nó còn điện về báo con kiếm được ít tiền, bảo bố ở nhà xem năm nay trường con đăng ký thi tuyển ở đâu để vài bữa nữa con về, bố đưa 2 anh em con đi thi đại học cả thể (em của Thiên năm nay cũng vừa tốt nghiệp cấp 3). Nó còn bảo, nếu không đậu sẽ thi vào trường nghề để sau này có công việc ổn định. Mặc dù gia đình khó khăn nhưng thấy cháu ham học tôi cũng chỉ biết động viên cho cháu mừng. Nhưng bây giờ thì bao ước mơ của cháu vụt tắt thật rồi”- ông Bính bùi ngùi chia sẻ.

Bệnh phong thấp cộng với nỗi đau quá lớn bất ngờ ập xuống, gương mặt ông Bính đã hằn in sự khổ đau, nhưng giờ là người trụ cột của gia đình, ông không thể gục ngã. Trong lúc chờ người thân bên Thái làm thủ tục đưa cháu về, ông Bính cùng bà con đã chuẩn bị trước mọi thứ để lo việc hậu sự cho Thiên.

Nguyện vọng của các gia đình là cơ quan chức năng hai nước tạo điều kiện đưa thi thể các nạn nhân về quê một cách nhanh nhất để còn mai táng.

Văn Thanh – Văn Lộc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP