Nạn nhân Tòng Thị Vui (21 tuổi, Điện Biên) đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình trong tình trạng đa chấn thương - Ảnh: DANH TRỌNG |
Khoảng 0h20 ngày 17-6 tại Km134+300 trên tuyến quốc lộ 6, địa phận xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu, Hòa Bình, chiếc xe tải chở sắt chạy trên quốc lộ 6 bất ngờ tông vào xe giường nằm 40 chỗ chạy chiều ngược lại. Vụ tai nạn khiến tài xế xe khách tử vong tại chỗ, 31 người bị thương, trong đó có 2 nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu.
Trong đêm, xe chuyển bệnh nhân bị thương đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) gần nơi xảy ra vụ việc để cấp cứu kịp thời cho các nạn nhân. Nghe tiếng bệnh nhân khóc lóc, la hét, một người đàn ông đang bán hàng ở gần đó chạy sang để giúp đỡ.
"Không ai đi cùng, tôi đi!"
Anh là Phạm Xuân Trường (35 tuổi, quê ở Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Vợ chồng anh mở quán ăn sát Bệnh viện Đa khoa huyện Mai Châu. Trong đêm, thấy nạn nhân đưa vào bệnh viện, anh Trường thương quá chạy ra giúp.
Có hai nạn nhân là Nguyễn Thị Uyên Trang (19 tuổi, quê ở Điện Biên) và Tòng Thị Vui (21 tuổi) không người thân bên cạnh, anh Trường lo lắng đưa các bạn đi chụp CT, truyền máu. Rồi cũng chính anh là người theo chiếc xe cứu thương ngay trong đêm đưa hai nạn nhân này chuyển lên tuyến trên ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Bà Lò Thị Nhơn (mẹ nạn nhân Vui) từ Điện Biên xuống viện chăm sóc con gái bị tai nạn - Ảnh: DANH TRỌNG |
"Mình sợ cho các bạn, thương các bạn không có người nhà nên thuê xe cho các bạn đi, không biết làm thế nào", anh Trường nhớ lại. Nạn nhân Trang nằm tầng trên, bị chấn thương sọ não, tụ máu, còn nạn nhân Vui nằm ở tầng dưới, bị đa chấn thương. Cũng chính người đàn ông này chạy đi từ tầng nọ sang tầng kia, đẩy các bệnh nhân đi thăm khám.
Gia đình cả hai nạn nhân đều ở xa, cách bệnh viện hơn 200km trong kia đường sá, xe cộ đi lại khó khăn. "Nạn nhân Trang bị mất máu quá nhiều, bác sĩ bảo phải mổ thôi. Tôi đóng viện phí, ký tên để cho em truyền máu. May quá Trang mổ rồi, trưa nay người nhà cũng kịp vào viện chăm sóc em nó", anh Trường thở phào nhẹ nhõm kể lại.
Anh Phạm Xuân Trường trò chuyện cùng phóng viên bên hành lang bệnh viện - Ảnh: DANH TRỌNG |
Cảm động trước tấm lòng "người lạ"
Giao lại cho người nhà nạn nhân Trang, anh lại xuống khoa hồi sức cấp cứu, ở đó có nạn nhân Tòng Thị Vui bị thương nặng nhất. Đêm qua, Vui lên chuyến xe khách ngược về Điện Biên lấy thuốc nam uống, không ngờ xảy ra tai nạn thương tâm. "Bác sĩ nói 50/50, tôi muốn ký cũng không ký được, phải đợi người nhà", anh Trường chia sẻ.
Tại khoa hồi sức cấp cứu, các bác sĩ, y tá không khỏi xúc động trước tấm lòng của anh Trường dành cho các nạn nhân. Ban đầu, các bác sĩ hỏi "Anh là người nhà à?", anh Trường lắc đầu, nói chỉ là người đi cùng…
Từ đêm qua, anh chạy đi chạy lại, không dám đi ăn cơm vì sợ không ai chăm sóc nạn nhân. Nạn nhân Tòng Thị Vui không còn tài sản trên người, anh Trường chạy đôn chạy đáo mua cho cô điện thoại "cục gạch" cho tiện liên lạc. Cũng may, Vui còn nhớ số của mẹ.
Anh cười và kể, anh chỉ làm được những chuyện như chăm sóc, đẩy xe cộ, nhưng có một khoản "hơi tế nhị" thì anh chịu. "Y tá đưa cho tôi bịch bỉm, kêu nhỡ các em bí quá thì thay cho các em. Nhưng tôi chịu rồi, tôi đành nói khéo cho các y tá làm giúp".
Đến 18h chiều 17-6, người nhà của nạn nhân Tòng Thị Vui mới đến được bệnh viện vì đường sá quá xa. Anh chạy ra cổng đón họ, vì mẹ nạn nhân là người dân tộc Thái nói không sõi tiếng Kinh, lại không biết đường. Anh Trường dặn đi dặn lại người chị gái: "Bây giờ, anh giao áo này cho em. Nhớ trao đổi ngay với bác sĩ, càng nhanh càng tốt, anh muốn ký cũng không ký được".
Bà Lò Thị Nhơn (mẹ chị Vui) không giấu được xúc động, cầm tay anh Trường nói lời cảm ơn: "Cảm ơn anh. Bác sĩ cứu được con hết thôi, nhưng tôi cho con gái làm em nuôi anh, cho thăm gia đình anh".
Còn Vui, dù sức khỏe đang còn rất yếu, nhìn thấy người đàn ông đã cứu giúp mình từ đêm qua không khỏi rơi nước mắt. "Anh ấy giúp em, giúp em từ đêm qua", Vui khóc.
Anh Phạm Xuân Trường ngại ngùng khi phóng viên hỏi chuyện cứu giúp người bị nạn - Ảnh: DANH TRỌNG |
Hiện tại, anh Trường an tâm hơn vì người nhà hai nạn nhân Tòng Thị Vui và Nguyễn Thị Uyên Trang đã đến được bệnh viện. Anh nói sẽ bắt xe về Mai Châu với vợ con. Từ đêm qua, họ cũng lo lắng cho anh nên gọi điện liên tục.
"Mình cũng sợ chứ, nhưng cố gắng động viên các bạn, không dám nói với các bạn phải mổ. Em Trang tỉnh dậy, sờ vào răng, sợ hỏng răng. Mình trêu hỏng thì mai đi làm cái khác. Tiếc cho bạn là tóc đang đẹp phải cạo hết. Bố mẹ Trang đến rồi, bố nó nhận mình là anh em", anh Trường kể. Người đàn ông này nói chuyện giúp đỡ là bình thường vì trong hoàn cảnh đó ai cũng làm như anh thôi.
21 tuổi, trải qua 3 lần mổ Bác sĩ Hoàng Công Tình, trưởng khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết sáng nay bệnh viện tiếp nhận ba bệnh nhân nặng nhất ở Bệnh viện Đa khoa huyện Mai Châu chuyển đến, bệnh nhân nặng nhất là Tòng Thị Vui (21 tuổi), quê ở Mường Ảng, Điện Biên. Bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị đa chấn thương nặng nhất, chấn thương nguy hiểm nhất là chấn thương cột sống thắt lưng, gây liệt hai chân; vỡ gan (độ 2 trong bao); vỡ xương chậu, tụ máu thành bụng. Hiện bệnh nhân đã được hồi sức tích cực để đảm bảo các chỉ số sinh tồn. Bệnh nhân được hội chẩn liên chuyên khoa để đưa ra phương án điều trị và chăm sóc. Trước tiên ưu tiên phẫu thuật giải phóng chèn ép tủy do chấn thương cột sống. Bác sĩ Tình cho biết bệnh nhân Vui mới 21 tuổi mà trải qua ba lần lên bàn mổ, một lần viêm ruột thừa, một lần mổ gãy xương chân, và đến hiện tại sắp một cột sống. Ngoài ra, bệnh viện còn tiếp nhận một nạn nhân bị chấn thương sọ não, tụ máu đã được phẫu thuật lấy khối máu tụ, hiện tại các chỉ số sinh tồn tạm thời ổn định. Một bệnh nhân bị chấn thương vùng đầu mặt, được xử trí ban đầu, hiện các chỉ số sinh tồn trong giới hạn cho phép. |
Tác giả: HÀ THANH - DANH TRỌNG - NGỌC QUANG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ