Hàng loạt sai phạm được cơ quan chức năng phát hiện, phường sở tại cũng ra quyết định đình chỉ nhưng công trình vẫn thi công dẫn đến tai nạn.
Chiều 18/1, trao đổi với PV Người đưa tin ông Bạch Quốc Việt – Trưởng phòng An toàn lao động – Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết: Từ tháng 9/2015, khi tiến hành kiểm tra tại công trình Mỹ Sơn Tower, đoàn công tác Sở lao động thương binh và xã hội Hà Nội đã phát hiện ra nhiều sai phạm trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Dù đã bị phạt hành chính, nhắc nhở, thậm chí đình chỉ, công trình này vẫn ngang nhiên hoạt động.
Ông Bạch Quốc Việt: “Đơn vị nào đình chỉ thì phải có trách nhiệm giám sát”. |
Theo ông Việt, qua kiểm tra, đoàn công tác đã lập biên bản, phạt hành chính 15 triệu đồng đối với chủ đầu tư về lỗi không có biển cấm, biển báo đối với các loại máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt và những nơi nguy hiểm, dễ ngã.
Kiểm tra về trang thiết bị an toàn, đơn vị thi công đã có trang bị cho công nhân một số thiết bị bảo hộ, tuy nhiên, qua kiểm tra, vẫn còn nhiều thiếu sót.
Ngoài ra, đoàn công tác cũng đã kiến nghị một số nội dung như: Yêu cầu kiểm tra toàn diện hệ thống điện (dây điện nằm dài trên đất, ổ cắm, tủ điện không có mái che), đề nghị tăng cường che chắn khu vực thang máy, mép hiên, ban công, tăng cường biển báo, bảng nội quy, và đặc biệt, chủ đầu tư còn cho công nhân ăn ở, lưu trú ngay trong tầng hầm.
Ông Việt cho biết, Sở LĐTBXH Hà Nội đã đề nghị chủ đầu tư phải có văn bản giải trình gửi Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Số 8 trước 30/9/2015 . Tuy nhiên, theo lãnh đạo Phòng cảnh sát phòng cháy chữa, đã quá hạn gần 4 tháng, văn bản này vẫn chưa được Chủ đầu tư hoàn thành.
Các kiến nghị khắc phục sai phạm khác của đoàn công tác yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện, theo Trưởng phòng an toàn lao động thì: Chỉ thực hiện được một số nội dung, các nội dung khác dù đã nhắc nhở nhiều nhưng không hề có phản hồi.
Trước đó, trong buổi sáng 18/1, làm việc với PV Người đưa tin, Ông Tạ Thành Chung – Tổ trưởng tổ thanh tra xây dựng phường Thanh Xuân Trung cho biết, công trình này có rất nhiều vi phạm và từng bị lực lượng chức năng đình chỉ thi công.
Biên bản yêu cầu dừng thi công được lập từ ngày 29/12/2015. |
Theo ông Chung: Lãnh đạo quận cũng đã tống đạt quyết định tới các đơn vị chức năng, yêu cầu ngừng cấp điện, nước… tới đây.
Ông Chung cũng cho biết thêm, ngay sau khi nhận được tin báo, UBND phường đã phối hợp với Công an phường và Công an quận Thanh Xuân xuống công trình trên để kiểm tra.
“Ban đầu, bên phía công ty Mỹ Sơn tỏ thái độ không hợp tác với cơ quan chức năng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau một hồi tìm hiểu thông tin thì đúng là có xảy ra vụ sập giàn giáo vào khoảng 10h30′ ngày 17/1.
Khi nắm được thông tin vụ việc, bên phía đơn vị thi công thông báo là có 2 công nhân bị thương nhẹ và đã được xuất viện” – ông Chung nói.
Tuy nhiên, ông Chung nói rõ: “2 công nhân này vừa từ Bệnh viện Xây dựng về công trường. Chúng tôi đã trao đổi thì được biết vụ tai nạn đã khiến 6 người bị thương nặng và một người tử vong.
Khi nhận được thông tin, bên phía công ty Mỹ Sơn đã tỏ thái độ không hợp tác với cơ quan chức năng, vòng vo trốn tránh, ban đầu còn không thừa nhận vụ việc. Đến khi chúng tôi nắm được có sự việc xảy ra thì bên phía công ty lại trả lời chỉ có 2 người bị thương nhẹ và đã được xuất viện. Chính vì thế, phía Công ty Mỹ Sơn ém thông tin về vụ tai nạn nghiêm trọng nói trên là hoàn toàn có thể xảy ra”.
Phường cũng phải chịu trách nhiệm?
Trước câu hỏi về trách nhiệm khi địa phương đã ra quyết định đình chỉ nhưng công trình vẫn ngang nhiên thi công dẫn đến tai nạn chết người ông Việt cho biết, việc đình chỉ tại 1 công trình có nhiều lý do và việc giám sát thực hiện thuộc về đơn vị chức năng ra quyết định đình chỉ.
Công trình xảy ra vụ sập giàn giáo cao 24 tầng do Công ty CPĐT&XNK Mỹ Sơn làm chủ đầu tư. |
Ông Bạch Quốc Việt khẳng định: Về nguyên tắc, phải đình chỉ công trình ngay sau khi có tai nạn.
Trong diễn biến khác, trước dấu hỏi về trách nhiệm vụ việc ông Tạ Thành Chung cho hay: Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư công trình.
“Khi có đề xuất đình chỉ thì phường cũng đã tống đạt quyết định đến lực lượng liên quan như: Điện, nước…, yêu cầu phải cắt” – ông Chung nói.
Tuy nhiên, thực tế ra sao hẳn dư luận đã rõ, hơn nữa nếu không xảy ra vụ tai nạn trên hẳn công trình vẫn hoạt động dù lệnh đình chỉ đã được ban hành gần 20 ngày.
Chủ đầu tư thách thức dư luận?
Trong lúc dư luận đang hết sức quan tâm trước vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại công trình này.
Ngày 18/1, PV Người đưa tin cũng như nhiều cơ quan báo chí tìm đến liên hệ chủ đầu tư là Công ty CPĐT&XNK Mỹ Sơn để tìm hiểu thêm thông tin, tuy nhiên phía Công ty vẫn im bặt.
Liên lạc qua điện thoại cho lãnh đạo công ty này cũng không được. Thậm chí buổi chiều tìm đến hiện trường dù đã xuất trình giấy tờ đầy đủ nhưng PV chỉ có thể đứng ngoài đường quan sát.
Sau nhiều lần liên lạc, một số PV đã gọi được cho 1 lãnh đạo công ty này nhưng vị này cũng từ chối với lý do đang bận đi công tác.
Nhận định về vấn đề an toàn lao động trong hoạt động xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội khi tai nạn sập cần cẩu, sập giàn giáo gây chết người liên tục xảy ra trong thời gian qua, ông Bạch Quốc Việt cho rằng: Vấn đề an toàn lao động trong xây dựng được lãnh đạo TP Hà Nội quan tâm đặc biệt và đã có cải thiện. Tuy vậy, tai nạn là điều không thể tính trước và không ai mong muốn. Theo ông Việt, đối với vụ việc TP Hà Nội cùng các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ nạn nhân theo qui định, người tử vong là 5 triệu đồng… |
Chúng tôi tiếp tục thông tin vụ việc.
Nhất Nam