Dòng Sự kiện

Vụ ông Trần Văn Truyền: 1 trong 60 người được bổ nhiệm lên tiếng

 

Vị cán bộ này khẳng định, việc ông Truyền bổ nhiệm chức danh đối với ông thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục của quy định pháp luật, không hề có bất cứ vấn đề gì.

Theo thông tin trên báo Người Cao Tuổi đăng ngày 28/2/2014, từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011, ông Trần Văn Truyền nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) kí quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ (và tương đương) tại cơ quan TTCP. Đặc biệt, chỉ trong 2 ngày (1/8/2011 và 3/8/2011) kí bổ nhiệm 26 người, riêng ngày 3/8/2011 kí bổ nhiệm 22 người.

Cũng theo thông tin trên báo này, trong ngày 3/8/2011, ông Trần Văn Truyền đã kí bổ nhiệm 3 hàm Vụ trưởng ở văn phòng, 3 hàm Phó Vụ trưởng ở Trường Cán bộ Thanh tra, 3 hàm Cục phó ở Cục III, 2 hàm Phó Vụ trưởng, hàm Vụ phó ở Cục I, 2 hàm Vụ trưởng, hàm Vụ phó ở Tạp chí, nhiều Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, hàm Vụ trưởng, hàm Phó Vụ trưởng ở các cục, vụ, đơn vị trực thuộc. Các cục, vụ, đơn vị có đủ cấp trưởng, cấp phó rồi thì ông đưa chuyên viên lên cấp “hàm” mà cấp này chưa thấy quy định điều khoảng nào trong Luật Cán bộ, công chức.

“Đáng chú ý là sau khi ông Truyền kí bổ nhiệm nhiều người không có trong quy hoạch, ông thấy “giật mình” liền kí Quyết định số 2100/QĐ-TTCP ngày 3/8/2011 về bổ sung quy hoạch nhằm hợp thức hóa việc làm trái với quy trình, quy chế về công tác cán bộ của chính TTCP. Việc làm trên của ông Truyền là chống lại Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 3/12/2007. Tại Điều 15 Nghị định này quy định cấp cục, vụ, đơn vị thuộc bộ cấp phó không được vượt quá 3 người.

Trong khi đó, sau đợt ông Truyền bổ nhiệm năm 2011, nhiều cục, vụ, đơn vị ở TTCP có từ 4 – 6 cấp phó. Cục I có 7 cấp phó và 1 hàm cấp phó. Có một sự thật là, một số cán bộ ngay sau khi được ông Truyền quyết định bổ nhiệm đã mắc sai lầm, khuyết điểm, bị kỉ luật thậm chí bị đi tù như ở Cục I, Trung tâm Thông tin hay ở Vụ III”, báo Người Cao Tuổi thông tin.

Trụ sở Thanh tra Chính phủ.
Trụ sở Thanh tra Chính phủ.

Chúng tôi đã tìm gặp một số người được ông Trần Văn Truyền ký quyết định bổ nhiệm. Phải mất nhiều ngày liên lạc, chúng tôi mới được một cán bộ của Thanh tra Chính phủ nhận trả lời phỏng vấn. Ông được nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền ký quyết định bổ nhiệm ở giai đoạn tháng 3/2011 cho biết, việc bổ nhiệm chức danh đối với ông thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục của quy định pháp luật, không hề có bất cứ vấn đề gì.

“Trong thời kỳ tôi được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo đơn vị do ông Truyền ký thì các bước thực hiện hoàn toàn làm đúng theo quy trình, thủ tục của pháp luật quy định.

Ở đơn vị tôi, thời điểm đó, do nhu cầu cần có một cấp phó phụ trách công việc nên đã làm đề án đề xuất lên và ban cán sự Đảng TTCP họp rồi đồng ý cho bổ sung một lãnh đạo.

Sau khi có ý kiến đồng ý của cấp trên, đơn vị tiến hành họp chi bộ, lãnh đạo rồi giới thiệu danh sách bao gồm 6 người trong đó, có cả người thuộc diện quy hoạch và người không thuộc diện quy hoạch nhưng có năng lực làm việc tốt, có uy tín để đưa ra lấy phiếu giới thiệu trong cán bộ, nhân viên.

Việc lấy phiếu giới thiệu được tiến hành công khai, dân chủ. Kết quả lúc bấy giờ được công bố tại chỗ để chọn ra 1 người có phiếu giới thiệu cao nhất rồi lập biên bản chuyển đến Vụ tổ chức để làm tờ trình lên Tổng thanh tra, ban cán sự Đảng.

Khi đó, Tổng thanh tra sẽ đưa ra họp bàn với ban cán sự Đảng TTCP để xem xét và khi được duyệt thì lại chuyển trở lại đơn vị để lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ, nhân viên đơn vị đối với cán bộ được chọn đó.

Sau khi bỏ phiếu tín nhiệm cùng sự tham gia, giám sát của Vụ tổ chức cán bộ thì kết quả lại được lại lập biên bản chuyển Vụ tổ chức cán bộ để làm tờ trình lên để Tổng thanh tra, ban cán sự Đảng.

Ngoài việc lấy phiếu giới thiệu, tín nhiệm của cán bộ, nhân viên đơn vị, cán bộ của Vụ tổ chức còn về tận tổ dân phố, chính quyền địa phương nơi cứ trú để tìm hiểu, xác minh xem những người được bổ nhiệm như tôi có vấn đề gì không.

Từ kết quả bỏ phiếu của đơn vị và kết quả tìm hiểu của Vụ tổ chức ở địa phương thì sau đó sẽ trình lên Tổng thanh tra, ban cán sự Đảng. Sau khi xem xét, thống nhất, Tổng thanh tra mới ra quyết định bổ nhiệm chính thức.

Với cá nhân tôi, lúc đó, do năng lực công tác của mình và uy tín, được sự ủng hộ, công nhận của anh em trong đơn vị nên đã nhận được hơn 80% số phiếu giới thiệu, cao nhất trong số 6 người đưa ra. Từ kết quả đó, Tổng thanh tra, ban cán sự Đảng mới xem xét đồng ý và sau đó, quá trình lấy phiếu tín nhiệm thì tôi cũng được trên 90% số phiếu.

Ở đây, từ lúc đơn vị tôi có chủ trương xin bổ nhiệm đến lúc lấy phiếu giới thiệu, tín nhiệm trình lên sau đó là khi tôi được Tổng thanh tra chính thức bổ nhiệm đảm bảo theo đúng quy trình chứ không phải là bổ nhiệm ngay…”, vị này cho hay.

Vị này cũng khẳng định, với quy trình lấy phiếu bổ nhiệm chức danh dân chủ, công khai, minh bạch như thời kỳ của ông, ngay đến Tổng Thanh tra Chính phủ cũng không thể nào can thiệp.

Việc lấy phiếu giới thiệu, tín nhiệm lãnh đạo từ chính cán bộ, nhân viên của đơn vị cấp dưới rồi mới trình tiếp lên như của tôi thì đây là người ta công nhận, tự chọn người làm lãnh đạo nên ngay cả Tổng Thanh tra Chính phủ cũng không thể can thiệp được.

Các cán bộ, nhân viên trong đơn vị của tôi khi tiến hành lấy phiếu cũng nói thẳng luôn là họ bỏ phiếu là theo tư duy của mình người và bỏ cho người có năng lực để đảm đương công việc, để đoàn kết anh em, xây dựng đơn vị vững mạnh chứ không bỏ phiếu cho người không làm được việc.

Chính vì vậy, tôi phải khẳng định lại là quy trình bổ nhiệm chức danh ở đây hoàn toàn dân chủ, công khai, đúng quy trình và không có bất cứ vấn đề gì”, vị này nhấn mạnh.

Vị này cũng chia sẻ, việc một số đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ có nhiều cấp phó hơn so với quy định là do xuất phát từ chính đặc thù của công việc. Cán bộ này nói: “Thực tế, theo tôi thấy thời điểm đó, do đặc thù và yêu cầu của công việc nên nhiều đơn vị của Thanh tra Chính phủ còn thiếu cán bộ lãnh đạo để chỉ đạo giải quyết công việc. Từ đó, để mong muốn giải quyết công việc được trôi chảy hơn nên ở một số đơn vị mới có bổ nhiệm thêm các cấp phó với số lượng nhiều hơn quy định.

Nhưng, với các trường hợp được bổ nhiệm, tôi cho rằng hoàn toàn làm đúng theo quy trình, thủ tục trong quy định chứ không có gì sai cả.

Vì vậy, thông tin của báo chí đưa là chưa chính xác. Ở đây, tôi cũng mong rằng, việc thông tin cần phải khách quan, trung thực và đưa tin đa chiều, từ nhiều phía chứ không nên đưa theo kiểu một chiều, dẫn đến dư luận không hay, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng tới quá trình thực thi công việc của đơn vị, ngành thanh tra….”.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP