Trong nước

Vụ MobiFone mua AVG: Hai cựu bộ trưởng sắp bị xét xử với tội danh gì?

Dự kiến, ngày 16/12, TAND TP. Hà Nội sẽ chính thức mở phiên tòa xét xử với 14 bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty CP nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

VKSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 14 bị can trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

13 bị can bị VKSND Tối cao truy tố về tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng bao gồm: Nguyễn Bắc Son (SN 1953, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông(TTTT)), Trương Minh Tuấn (SN 1960, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Phạm Đình Trọng (SN 1970, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông), Võ Văn Mạnh (SN 1976, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thẩm định AMAX), Hoàng Duy Quang (SN 1983, thẩm định viên Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thẩm định AMAX), Lê Nam Trà (SN 1961, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone), Cao Duy Hải (SN 1961, nguyên Tổng Giám đốc MobiFone), Phan Thị Hoa Mai (SN 1966, Thành viên Hội đồng thành viên MobiFone) cùng 5 Phó Tổng Giám đốc MobiFone gồm: Phạm Thị Phương Anh (SN 1975), Hồ Tuấn (SN 1965), Nguyễn Đăng Nguyên (SN 1976, Phó Tổng Giám đốc phụ trách chức vụ Tổng Giám đốc MobiFone), Nguyễn Bảo Long (SN 1972), Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1969).

Bị can Phạm Nhật Vũ (SN 1973, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) bị truy tố về tội Đưa hối lộ.

Theo cáo trạng, năm 2015, Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG) với số tiền 8.900 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm A - thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ Quyết định chủ trương đầu tư.

Bộ Thông tin và truyền thông là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Mobifone có trách nhiệm chỉ đạo Mobifone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính Phủ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau tại Mobifone, Bộ TTTT và Công ty thẩm định giá AMax đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG; thẩm định giá; sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định giá mua cổ phần của AVG, trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với tổng giá trị thiệt hại là 6.590 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, các bị can Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải còn có hành vi đưa và nhận hối lộ.

Hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son (trái) và Trương Minh Tuấn (phải). Ảnh: TTXVN


Chỉ đạo thực hiện dù chưa được thông qua

Dự án Đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone có số vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ Quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, Dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chủ trương đầu tư nhưng Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo cho Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ QLDN đề xuất và giao cho Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TTTT ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone là vi phạm quy định Điều 31 Luật số 67/2014/QH13.

Bên cạnh đó, giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án là 02 yếu tố quan trọng đối với dự án đầu tư, chưa được làm rõ nhưng Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo ban hành Quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình là vi phạm khoản 6 Điều 5 Luật số 69/2014/QH13 quy định: Cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp bảo đảm hiệu quả và gia tăng giá trị vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, phòng, chống dàn trải, lãng phí thất thoát vốn tài sản của Nhà nước.

Ngoài ra, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và Phạm Đình Trọng còn có các hành vi khác trong quá trình chỉ đạo Mobifone lập, thẩm định, phê duyệt dự án không tuân theo những quy định của Luật 67/2014/QH13 và Luật 69/2014/QH13 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như đã nêu trên.

Bị can Nguyễn Bắc Son với thẩm quyền là Bộ trưởng có vai trò chỉ đạo xuyên suốt từ quá trình giới thiệu cho đến khi thực hiện việc thanh toán. Trương Minh Tuấn với tư cách là Thứ trưởng; Phạm Đình Trọng với tư cách là Vụ trưởng, là những người tham mưu, triển khai thực hiện tích cực các chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son.

Vi phạm tại Mobifone

Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone là hình thức đầu tư vốn nhà nước để mua lại doanh nghiệp nên phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo qui định của pháp luật về đầu tư, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của Mobifone....

Dự án đầu tư thuộc nhóm A chưa được Bộ TTTT phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm nhưng vẫn tổ chức triển khai là vi phạm khoản 2 Điều 19 Luật số 69/2014/QH13.

Quá trình thực hiện dự án các bị can tại Mobifone đã tiếp nhận và thực hiện theo chỉ đạo, can thiệp trực tiếp của bị can Nguyễn Bắc Son ngay từ giai đoạn đề xuất đầu tư (không lập phương án đầu tư mới mà phải mua cổ phần của AVG); yêu cầu thực hiện dự án xong trong năm 2015; phải ký hợp đồng mua bán cổ phần với AVG vào ngày 25/12/2015.

Đồng thời, trong quá trình báo cáo đề xuất đầu tư và lập Quyển Dự án đầu tư, các bị can thuộc Ban giám đốc Mobifone đã báo cáo không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng; phương án kinh doanh, biết rõ số lỗ lũy kế của AVG từ năm 2010 đến 31/3/2015 là 1.563,7 tỷ đồng (riêng năm 2014, AVG lỗ trên 300 tỷ đồng), tổng nợ phải trả 1.333 tỷ đồng, giá trị tài sản ròng là 1.970 tỷ đồng nhưng vẫn đánh giá dự án có hiệu quả về tài chính và đề xuất với Bộ TTTT phê duyệt dự án và đề xuất giá trị mua 95% cổ phần là 8.898,3 tỷ đồng.

VKSND xác định, các bị can ở Mobifone là những người thực hành tích cực gây thiệt hại trực tiếp cho Mobifone là 6.590 tỷ đồng.

Chỉ nhận trách nhiệm là người đứng đầu Bộ thông tin và truyền thông

Trong quá trình điều tra, bị can Nguyễn Bắc Son thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi phạm tội và nhận trách nhiệm trước pháp luật với vai trò chủ mưu, chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình tại Mobifone và xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Trong giai đoạn truy tố, bị can chỉ nhận trách nhiệm là người đứng đầu Bộ TTTT; không thừa nhận vai trò chủ mưu, chỉ đạo Mobifone thực hiện dự án như kết luận của Cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, với kết quả điều tra có đủ căn cứ kết luận Nguyễn Bắc Son là người chỉ đạo, quyết định và thúc đẩy việc mua cổ phần của AVG, quyết liệt trong phân công chỉ đạo cấp dưới thực hiện. Do vậy, Nguyễn Bắc Son là người chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu các bị can đã được phát hiện, khởi tố và truy tố.

Các bị can Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang đều thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi phạm tội, phối hợp với Cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án và chịu trách nhiệm về hậu quả thiệt hại cho nhà nước.

Đối với các bị can Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là những người tiếp nhận sự chỉ đạo và tích cực triển khai thực hiện các chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son nhưng vai trò của từng bị can có mức độ khác nhau.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP