Chiều 19/7, tại cuộc họp báo giới thiệu chương trình kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề Formosa Hà Tĩnh.
Theo ông Phúc, Chính phủ đã có họp báo và có những thông tin rất kỹ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Đối tượng gây ra xả thải cũng đã rõ, đối tượng cũng đã nhận đền bù thiệt hại. ĐBQH cũng đã đề nghị Chính phủ có báo cáo về vấn đề liên quan đến Formosa. Chính phủ cũng đã có những chuẩn bị báo cáo để gửi đến các ĐBQH”, ông Phúc nhấn mạnh.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ĐBQH đã đề nghị Chính phủ có báo cáo về vấn đề liên quan đến Formosa. Ảnh: TTO |
Về việc xử lý các cá nhân có liên quan, Tổng thư ký Quốc hội khẳng định, Chính phủ sẽ có những xem xét về trách nhiệm sau khi đánh giá các nguyên nhân, hậu quả.
“Sẽ đánh giá đúng theo mức độ vi phạm để có hình thức cho phù hợp, tôi nghĩ các cơ quan Chính phủ sẽ có biện pháp phù hợp”, ông Phúc cho biết thêm.
Theo dự kiến, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20/7 tại Nhà Quốc hội, Hà Nội. Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 8 ngày (bế mạc vào ngày 29/07/2016).
Trước đó, trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ông Dương Trung Quốc, ĐBQH khóa 14 tỉnh Đồng Nai khẳng định trong kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa mới nếu có điều kiện và vấn đề này được nêu ra, chắc chắn cá nhân ông sẽ chất vấn Chính phủ để làm rõ những vấn đề mà người dân và dư luận đang quan tâm.
Theo ông Quốc, sự cố môi trường mà Formosa gây ra cho các tỉnh miền Trung Việt Nam là một thách thức không hề nhỏ cho Chính phủ vừa được kiện toàn. Việc xử lý và có những biện pháp khắc phục, tạo điều kiện cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung ổn định cuộc sống cũng như trả lời trước quốc hội là thể hiện sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân.
“Thứ nhất tôi nghĩ là để tránh xảy ra tình trạng các Formosa khác thì chúng ta phải “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Chúng ta phải điều tra, lên án người làm sai là Formosa nhưng cũng xem xét lại công tác quản lý, phân cấp từ Trung ương đến địa phương.
Trách nhiệm như thế nào từ việc thu hút đầu tư, quá trình phân tích, đặc biệt là vấn đề môi trường, thay đổi công nghệ xử lý cốc và năng lực quản lý.
Thứ hai là vì sao có sự bất nhất trong các phát ngôn của một số vị lãnh đạo ban, ngành. Tại sao hồi đầu tiên khẳng định không có dấu vết gì của Formosa, đưa ra các kết luận thảm họa triều cường đỏ, rồi mời những nhà khoa học tiến hành điều tra. Sau hơn 3 tháng thì kết luận cuối cùng, Formosa là nguyên nhân dẫn đến thảm họa môi trường biển tại miền Trung. Điều này thể hiện điều gì? Sự thiếu năng lực của cán bộ lãnh đạo hay có ý làm ngơ cho Formosa?
Thứ ba thực tế đến giờ nhiều vấn đề vẫn chưa rõ ràng. Tiêu hết số tiền 500 triệu Fomusa đền bù đó còn hậu quả lâu dài ai sẽ gánh chịu? Người dân sẽ gánh hết!
Ngoài ra, tôi cho rằng việc khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển thì mục tiêu cuối cùng là phải biến biển trở lại biển sống và dân sống trên biển. Nếu chúng ta cho người dân đi lao động tại nước ngoài hay chuyển đổi nghề nghiệp trên bờ tức là đang hại họ. Vì không có dân trên biển thì bảo vệ chủ quyền biển sẽ như thế nào?
Nếu có điều kiện, tôi sẽ chất vấn những vấn đề trên”, ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Hà Đông (Tổng hợp)