Xã hội

Vụ điện giật khiến 7 người thương vong: 'Đá bóng' trách nhiệm?

Liên quan đến vụ điện giật 7 người thương vong tại xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), công ty điện lực Nghệ An cho rằng phía Viettel Nghệ An không báo cho điện lực biết về vấn đề thi công. Viettel Nghệ An lại cho biết, đơn vị này đã ký kết hợp đồng với một công ty và họ tự thuê người để làm. Còn công ty trực tiếp thi công thì nói, lao động tự ý thi công sai vị trí…

Có “đá bóng” trách nhiệm?

Ngày 30/6, trao đổi với Tiền Phong, ông Hoàng Văn Luân – Giám đốc chi nhánh Viettel Nghệ An, cho biết, Viettel tại Nghệ An đã đình chỉ toàn bộ hoạt động liên quan đến Viettel của Công ty cổ phần Đông Đông (đơn vị kí hợp đồng thực hiện gói thầu dựng cột, kéo cáp viễn thông với Viettel để xảy ra tai nạn ngày 26/6).

“Nhận được thông tin về sự cố, chúng tôi đã cử cán bộ lên hiện trường ngay trong đêm. Hiện tại đang phối hợp với cơ quan địa phương để hỗ trợ cho các nạn nhân. Đồng thời phối hợp với cơ quan điều tra để xác định nguyên nhân vụ việc. Việc thi công kéo cáp đường dây này thì phía Viettel đã ký hợp đồng với một công ty thi công và họ tự thuê người để làm”, ông Luân cho biết thêm.

Cùng ngày, ông Phan Phương Đông – Giám đốc Công ty CP Đông Đông cho biết: “Chúng tôi không có hợp đồng lao động với những người lao động ở xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp. Do có người ở đó quen biết trước nên hợp đồng bằng miệng, tôi có nói kí kết hợp đồng nhưng anh ấy nói “tôi là cán bộ ở đây nên không phải làm hợp đồng đâu”. Gói thầu này, công ty thực hiện từ ngày 12/6. Vụ tai nạn đó không liên quan đến tôi vì ở đó tôi chưa xin được phép, anh Trương Minh Tuấn tự tiện làm, tôi chỉ đạo làm bên chỗ có phép cho đến khi báo chí viết có vụ tai nạn xảy ra thì tôi mới biết. Tôi đã nói rõ ràng với anh Tuấn “em làm bên chỗ xã Minh Hợp đã có giấy phép, em làm đúng cho anh”. Chỗ đó (vị trí xảy ra tai nạn - PV) dân bắt đền bù 106 nghìn đồng/cột, vì chưa có tiền và bản vẽ nên chưa xin phép. Tôi đã đến thăm hỏi, hỗ trợ 10 triệu/1 nạn nhân”.

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm.

Tuy nhiên, từ ý kiến của ông Phan Phương Đông cho thấy, Cty này đã vi phạm luật lao động. Không ký kết hợp đồng lao động với người dân nhưng vẫn để lao động tham gia vào dựng cột, kéo dây cáp dù đó là ở địa bàn xã Minh Hợp hay xã Hạ Sơn. Khi xảy ra tai nạn, ông Phan Phương Đông cho rằng, bản thân không liên quan, liệu có thỏa đáng?

Trong khi đó, ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho hay: “Cột viễn thông Viettel nằm trong tuyến điện của điện lực như thế là vi phạm nghiêm trọng về an toàn hành lang lưới điện. Ngoài ra, những người làm ở khu vực nguy hiểm như thế là phải được đào tạo, phải được sát hạch. Viettel không báo cho điện lực được biết, để khi xảy ra tại nạn rồi thì mọi người mới biết. Viễn thông Viettel phải có sự tính toán về độ cao bao nhiêu, độ võng bao nhiêu để không bị phóng điện chứ làm chừng chừng như thế là không được”.

Đau thương từ tình thân

Vụ điện giật tại xã Hạ Sơn đã khiến 7 người thương vong, trong đó, 4 người bị tử vong. Các nạn nhân là anh em, họ hàng với nhau. Anh Trương Văn Ngợi (SN 1979), trú tại xóm Xiểm, xã Hạ Sơn, là một trong số những người may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” trong vụ tai nạn trên.

Theo anh Ngợi cho biết: “Chúng tôi là những người dân nghèo, kinh tế khó khăn, được thuê đào hố rồi dựng cột viễn thông, biết là nguy hiểm nhưng vì miếng cơm manh áo gia đình nên đành chấp nhận. Mỗi ngày công, chúng tôi được trả 200 nghìn đồng. Anh Tuấn cũng là người anh em, họ hàng với chúng tôi, khi có việc thì anh em gọi nhau đi làm”.

Xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp là một xã miền núi, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Những người bị nạn đều có kinh tế eo hẹp, ngoài công việc ruộng đồng, họ phải bươn chải làm thuê để trang trải sinh hoạt gia đình, cuộc sống làng quê vì vậy nặng tình cảm tình thân. Sẻ chia, giúp đỡ của anh em họ hàng là truyền thống muôn đời này của con người Việt Nam. Không lạ lẫm gì khi có người thuê làm việc, họ gọi nhau cùng làm, đó không chỉ là thu nhập 200 nghìn/ngày công, mà còn là tình anh em. Vụ tai nạn đau thương xảy ra, những người bị nạn không có hợp đồng lao động, điều này xuất phát từ kiến thức hạn hẹp về luật lao động của người dân, từ tình thân nhưng bên cạnh đó là cách làm việc sơ sài, không “thượng tôn pháp luật” của doanh nghiệp.

Gia cảnh thương tâm của nạn nhân Quân.

“Từ nhỏ cho đến khi lập gia đình, Quân chẳng có khi nào được thảnh thơi, số nó khổ lắm. Cháu làm việc mưu sinh cũng chỉ lo cho mẹ già và con nhỏ. Chúng tôi rất lo lắng cho cuộc sống sau này của bà Toán và hai cháu. Giờ đại gia đình chỉ mong các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ”, ông Trương Văn Khuyến (SN 1964, chú ruột nạn nhân Trương Văn Quân) chia sẻ. Mong mỏi của ông Khuyến, khiến ai cũng phải nhói lòng khi biết về gia cảnh bi đát của nạn nhân Quân. Tất cả cũng chỉ là mưu sinh!

Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin, vào khoảng 17h (ngày 26/6), 7 người dân tại xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đang làm thuê cho bộ phận dựng cột viễn thông. Trong quá trình làm việc thì không may bị lưới điện 35KV phóng xuống khiến 4 người tử vong, 3 người bị thương. Thông tin được báo lên chính quyền địa phương. Công an tỉnh Nghệ An sau đó có mặt khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ việc.

Danh tính 7 nạn nhân trong vụ tai nạn gồm:

1, Trương Minh Tuấn (SN 1984, trú xóm Xuân Sơn, cán bộ địa chính xã Hạ Sơn; tử vong).

2, Bùi Văn Tý (SN 1977, trú xóm Xiểm; tử vong)

3, Trương Văn Toàn (SN 1981, trú xóm Xiểm; tử vong)

4, Trương Văn Quân (SN 1986, trú xóm Xiểm; tử vong)

5, Hoàng Văn Nghi (trú xóm Xiểm; bị thương)

6, Trương Văn Tùng (trú xóm Xiểm; bị thương)

7, Trương Văn Ngợi (trú xóm Xiểm; bị thương).

Tác giả: CẢNH HUỆ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

  Từ khóa: điện giật , quỳ hợp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP