Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Nguyễn Thị Báo – giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, đối chiếu với 19 hành vi tiêu cực cần phải phòng chống trong Hướng dẫn 25 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ban hành, vụ việc ồn ào chia tay cựu Giám đốc CDC Quảng Ninh vừa qua thể hiện sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lối sống, suy nghĩ, hành vi. Từ kết luận vi phạm cần có hình thức kỷ luật nghiêm minh để làm gương cho người khác.
PGS.TS Nguyễn Thị Báo |
PV: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa ban hành hướng dẫn về 19 hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thị Báo: 19 hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống trong Hướng dẫn số 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo Trung ương) vừa ban hành đã được nêu trong nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua.
Song, điểm mới là trong Hướng dẫn 25 đã làm rõ một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực trong Quy định số 32 ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 19 hành vi này xuất phát từ thực tiễn các vụ việc tham nhũng đã được phát hiện trong thời gian qua, thể hiện sự hệ thống hóa, khái quát hóa, rõ ràng, tường minh từng hành vi.
Cụ thể hóa 19 hành vi như vậy sẽ giúp Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các địa phương vừa mới thành lập làm căn cứ để triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc chiến chống tham nhũng trong toàn quốc và từng địa phương cụ thể. Đồng thời đây cũng là cơ sở để Ban Chỉ đạo Trung ương kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Ban chỉ đạo các địa phương.
Như vậy, đến thời điểm này đã có một văn bản chuyên biệt, hướng dẫn cụ thể, chỉ rõ, nhận diện rõ các hành vi cho Ban chỉ đạo các địa phương và cũng là cơ sở cho toàn hệ thống chính trị và nhân dân theo dõi, giám sát, phát hiện kịp thời các biểu hiện vi phạm để cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền mà trực tiếp là Ban chỉ đạo ở các tỉnh, thành phố cũng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban chỉ đạo của Trung ương xem xét xử lý, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực.
PV: Như bà vừa nói Hướng dẫn 25 cũng chính là cơ sở để Ban chỉ đạo Trung ương kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Ban chỉ đạo các địa phương?
PGS.TS Nguyễn Thị Báo: Vì đã có hướng dẫn cụ thể như vậy cho nên các địa phương không thể không thực hiện. Nếu địa phương nào thực hiện đối phó hoặc lơ là, có biểu hiện bao che, không có trách nhiệm thì sẽ bị các cơ chế kiểm tra, giám sát, nhất là tai mắt của nhân dân phát hiện, phản ánh kịp thời.
Vì 19 hành vi tiêu cực này rất cụ thể, tường minh cho nên nhân dân dễ dàng nhận diện được. Khi đó người dân cũng dễ nhận diện hành vi bao che, dung túng, không thực hiện đúng, đủ trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền mà trực tiếp là Ban chỉ đạo ở địa phương. Đã đến lúc các địa phương không thể không làm vì các hành vi tiêu cực này rõ như ban ngày. Ví dụ, chiếu theo hướng dẫn, anh Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn B có biểu hiện tiêu cực thì không thể bao che, không thể nói là không rõ, không đủ căn cứ xử lý kỷ luật.
Đáng chú ý, ngoài 18 hành vi tiêu cực rất cụ thể, rõ ràng, ở hành vi số 19 nêu rõ “Các hành vi tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp khác do Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, quyết định”. Quy định của Đảng, Nhà nước phản ánh thực tiễn, nhưng thực tiễn luôn vận động, diễn ra từng phút, từng giờ, thiên hình vạn trạng, nhất là những người có động cơ tiêu cực thì rất tinh vi khó lường, để nhận diện là điều không hề dễ dàng.
Do vậy, nếu trong thực tiễn có những hành vi đan xen, khó nhận diện thì Ban chỉ đạo Trung ương sẽ xem xét, quyết định đó có phải hành vi tiêu cực hay không. Hành vi đó có cần phải xử lý nghiêm minh hay không để tránh việc quyết định không chính xác có thể dẫn đến oan sai. Bởi vì khi khẳng định một hành vi là tiêu cực thì phải xử lý, mà xử lý thì nó liên quan đến danh tính, uy tín, danh dự của một cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người có chức vụ, quyền hạn giữ vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Cho nên cơ quan có thẩm quyền quyết định việc này phải là Ban chỉ đạo Trung ương.
Vì vậy, khi xem xét, đánh giá, đối chiếu với hướng dẫn mà hành vi nào không nằm trong 18 biểu hiện trên thì ta đã có hành vi số 19 để xử lý. Như vậy sẽ không làm oan, không bỏ sót hành vi tiêu cực nào dù có tinh vi đến đâu, dưới sự xem xét thấu tình, đạt lý của Ban chỉ đạo Trung ương thì chắc chắn cũng sẽ tìm ra vấn đề. Nhìn vào động cơ thực hiện hành vi đó phân tích kỹ xem nó vì cái gì, vì sự nghiệp chung hay vì tư túi, tư lợi cá nhân từ đó chúng ta lượng hóa để Ban chỉ đạo Trung ương thẩm định xem hành vi đấy có phải là tiêu cực hay không, có cần phòng, chống hay không, có cần phải xử lý hay không. Như vậy, chúng ta không bỏ sót và cũng không làm oan sai.
Quang cảnh "hoành tráng" của tiệc tri ân ông Ninh Văn Chủ, nguyên giám đốc CDC Quảng Ninh |
PV: Vụ việc cựu Giám đốc CDC Quảng Ninh chủ trì, tổ chức và tham gia tiệc chia tay, giao lưu trước khi nghỉ hưu theo chế độ với quy mô lớn, nhiều người tham gia đã gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngày 15/8, tại kỳ họp 40, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh đã xem xét báo cáo của Đoàn Kiểm tra và thống nhất kết luận vi phạm của cựu Giám đốc CDC Quảng Ninh gây hậu quả nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Điều này cho thấy sự vào cuộc kịp thời của cơ quan kiểm tra, giám sát của địa phương, thưa bà?
PGS.TS Nguyễn Thị Báo: Tôi có đọc vụ việc này trên phương tiện thông tin đại chúng thì thấy lúc đầu, các vị ấy giải trình không phải là người đứng ra tổ chức mà nhân dịp hội nghị thường niên, kết hợp tổ chức chia tay các thành viên câu lạc bộ nghỉ hưu, kinh phí do các thành viên của câu lạc bộ tự đóng góp.
Thực ra, giải trình như vậy là đánh tráo khái niệm. Họ đã quên đi trách nhiệm của người đảng viên, quên việc học và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh mà đầu tiên đó là lối sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Trong bối cảnh hệ thống CDC đang tai tiếng vì liên quan đến vụ án công ty Việt Á, trong khi nhân dân đang gặp nhiều khó khăn vì hệ lụy của dịch Covid-19 như vậy mà họ vẫn đồng ý cho tổ chức tiệc liên hoan phô trương, lãng phí, xa hoa như vậy, điều đó thể hiện sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lối sống, suy nghĩ, hành vi. Họ phớt lờ quy định của Đảng, hướng dẫn của Ban chỉ đạo.
Tôi nghĩ rằng, cơ quan có thẩm quyền của Tỉnh ủy Quảng Ninh đã lên tiếng kịp thời để xem xét xử lý là đúng theo trách nhiệm, thẩm quyền và cũng thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của cấp ủy địa phương và đúng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị không thể bỏ sót hành vi vi phạm.
Khi có kết luận rõ ràng như vậy thì cũng cần những hình thức xử lý kỷ luật kịp thời, tương xứng với hành vi để làm gương cho những người khác. Trong Hướng dẫn 25 hay 37 điều đảng viên không được làm quy định đảng viên không được tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình một cách phô trương hình thức, lãng phí, gây phản cảm, bức xúc trong xã hội. Lợi dụng việc cưới, việc tang và các sự kiện khác để vụ lợi hoặc đem lại lợi ích riêng cho bản thân, gia đình hoặc cho người khác. Bởi vì những lễ đó là dịp để những người từng mang ơn, người muốn tiến thân kiếm cớ để biếu xén quà cáp dưới mọi hình thức.
Trong câu chuyện này, tuy không nói việc nhận quà cáp gì nhưng nó phô trương, lãng phí, xa hoa chính là những biểu hiện tiêu cực cần phải kỷ luật nghiêm khắc để làm gương, tránh việc sau này xuất hiện vụ việc tương tự người ta lại đánh tráo khái niệm, biện minh.
PV: Xin cảm ơn bà./.
Tác giả: Kim Anh
Nguồn tin: Báo VOV