Tin Hà Tĩnh

Vụ “Bất thường quy định mời thầu tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1”: Chủ đầu tư và nhà thầu nói gì?

Sau khi báo CAND phản ánh vụ việc “Bất thường quy định mời thầu tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1”, đại diện chủ đầu tư là Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh đã có văn bản giải trình. Đồng thời, một số nhà thầu cũng lên tiếng và đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh làm rõ.

Nội dung quy định mời thầu

Báo CAND ngày 29/8 có đăng bài viết ““Bất thường quy định mời thầu tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1”, phản ánh Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh đưa vào hồ sơ mời thầu gói “thi công nạo vét tuyến luồng, vùng đậu và quay tàu ra vào cảng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1” với nhiều yêu cầu, điều kiện về thiết bị thi công có dấu hiệu không đúng với quy định pháp luật, không đúng giấy phép được cấp. Những quy định này đã làm khó, hạn chế đối với các nhà thầu tham gia.

Cụ thể, dự án “thi công nạo vét tuyến luồng, vùng đậu và quay tàu ra vào cảng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1” được Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP phê duyệt tại Quyết định 948/QĐ-ĐLDK ngày 22/9/2021, với tổng kinh phí khoảng 101,781 tỷ đồng. Trong đó, gói thi công giá hơn 71,173 tỷ đồng, nguồn vốn thực hiện dự án từ vốn sản xuất kinh doanh năm 2021-2022 của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam.

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).


Ngày 16/7/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành Quyết định số 1407/QĐ-BTNMT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và ngày 28/9/2021, đơn vị này cũng đã cấp Giấy phép nhận chìm ở biển số 164/GP- BTNMT. Ngày 01/4/2022, Cục Quản lý XD và CLCTGT – Bộ GTVT có Công văn số 816/CQLXD – CCPN thông báo kết quả thẩm định TKBVTC chấp thuận để thực hiện dự án.

Ngày 22/6/2022, phía chủ đầu tư là Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh đã công bố hồ sơ mời thầu (HSMT), trong đó ban hành một số điều kiện về năng lực, phương tiện thi công có dấu hiệu không đúng quy định, trái với các văn bản được chấp thuận nói trên. Theo phản ánh của một số nhà thầu là những quy định này đã gây khó khăn cho họ khi nộp hồ sơ tham gia dự thầu.

Chủ đầu tư nói gì?

Ngay sau khi báo phản ánh, phía chủ đầu tư là Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh đã có phản hồi, phúc đáp về những vấn đề mà các nhà thầu cũng như dư luận quan tâm liên quan đến HSMT mà đơn vị này đưa ra.

Đối với quy định về việc yêu cầu loại và cấp phương tiện đổ thải là tàu VR-SB khi tham gia dự thầu, Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh cho rằng, theo Quyết định số 1407/QĐ-BTNMT ngày 16/7/2021 của Bộ TN&MT về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án quy định: “Toàn bộ lượng vật chất, nạo vét được vận chuyển bằng các sà lan và tàu hút bụng đến vị trí được phép nhận chìm ngoài biển. Khi di chuyển đến vị trí nhận chìm, tàu hút bụng và xà lan mở đáy để nhận chìm chất nạo vét xuống biển”.

Mặt khác, tại hồ sơ thiết kế đã được Cục Quản lý XD và CLCTGT – Bộ GTVT chấp thuận tại Công văn số 816/CQLXD – CCPN ngày 01/4/2022 về việc thông báo kết quả thẩm định TKBVTC: “Loại, cấp phương tiện đổ thải: VR-SB”. Đây là phương án phù hợp với tính chất, vị trí, phạm vi thi công của gói thầu, kết hợp tàu hút bụng tự hành và máy đào gầu dây + sà lan vận chuyển.

Theo chủ đầu tư, khoảng cách từ vị trí nạo vét đến bãi đổ là 26km...


Theo chủ đầu tư, hồ sơ thiết kế tính toán khoảng cách từ vị trí nạo vét đến bãi đổ là 26km, tuy nhiên khoảng cách từ mũi Ròn đến điểm xa nhất của vị trí đổ đất nhỏ hơn 12 hải lý (khoảng 21,9km). Căn cứ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa sửa đổi 1: 2015 QCVN 72:2013/BGTVT, quy định: “Vùng SB là các tuyến vận tải đường thủy nội địa ven bờ biển, từ bờ ra đảo, nối giữa các đảo do Bộ trưởng Bộ GTVT công bố, tổ chức quản lý, khai thác cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 12 hải lý”.

Như vậy, với khoảng cách từ mũi Ròn đến điểm xa nhất của vị trí đổ đất nhỏ hơn 12 hải lý (khoảng 21,9km), sử dụng tàu VR-SB là phù hợp. Ngoài ra, theo yêu cầu kỹ thuật/ chỉ dẫn kỹ thuật tại HSMT đưa ra yêu cầu loại, cấp phương tiện: VR-SB, đây là phần thuyết minh cho biện pháp thi công theo hồ sơ thiết kế được duyệt, trong tiêu chí đánh giá chỉ quy định công suất thiết bị tàu hút bụng tự hành 5.945 ≤ công suất < 8.800 CV hoặc thiết bị có công suất tương đương với tàu hút bụng tự hành (5.945 CV ≤ Công suất < 8.800 CV), nhà thầu được phép đề xuất phương án kỹ thuật thay thế.

Việc HSMT yêu cầu tàu thi công VR-SB là yêu cầu tối thiểu theo hồ sơ thiết kế, đối với các loại phương tiện được phép hoạt động trên biển ngoài phạm vi 12 hải lý có thể đáp ứng được yêu cầu HSMT, điều này là phù hợp và mở rộng được phạm vi lựa chọn thiết bị phục vụ thi công. Phía chủ đầu tư cho rằng, trong trường hợp cần thiết, nhà thầu có thể đề xuất phương án kỹ thuật thay thế hoặc yêu cầu bên mời thầu làm rõ nội dung này.

Đối với việc đưa ra quy định công suất tối thiểu và tối đa đối với tàu hút bụng tự hành (5.945 CV ≤ Công suất < 8.800 CV), tại giấy phép nhận chìm số 164/GP- BTNMT ngày 28/9/2021, cho phép loại tàu hút bụng tự hành nhỏ hơn 8.800 CV là phương án mở để chủ đầu tư và đơn vị thiết kế lựa chọn thiết bị phục vụ thi công phù hợp.

Theo hồ sơ thiết kế đã được Cục Quản lý XD và CLCTGT – Bộ GTVT chấp thuận tại Công văn số 816/CQLXD – CCPN ngày 01/4/2022 thẩm định, sử dụng loại tàu công suất ≥5.945CV là phù hợp với khu vực nạo vét (có độ sâu nạo vét từ -11 đến - 12m) và phạm vi đổ thải, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công và phù hợp với bộ định mức xây dựng được Bộ Xây dựng ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT- BXD (trong đó có quy định về định mức "Nạo vét bằng tàu hút bụng tự hành công suất 5.945CV" - mã hiệu AB.73210).

Trường hợp nếu huy động các loại tàu nhỏ hơn sẽ có độ sâu hạ gầu thấp hơn, dự toán chi phí cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, nếu lựa chọn tàu thi công với công suất nhỏ khi xảy ra sự cố gây tai nạn về thiết bị, con người và môi trường, chủ đầu tư sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm do thực hiện sai với hồ sơ thiết kế thi công đã được Cục Quản lý XD và CLCTGT - Bộ GTVT thông qua tại Công văn số 816/CQLXD – CCPN ngày 01/4/2022 (giới hạn công suất tàu thi công ≥ 5.900 CV).

... Và khoảng cách từ mũi Ròn đến điểm xa nhất của vị trí đổ đất (21,9km), nên sử dụng tàu VR-SB là phù hợp


Trên các cơ sở đó, bên mời thầu đưa ra yêu cầu huy động: Tàu hút bụng tự hành (5.945 CV ≤ Công suất < 8.800 CV) và để tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu có thể tham dự thầu, tăng tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu, bên mời thầu đưa thêm điều kiện mở: “Hoặc, máy móc, thiết bị có công suất tương đương với tàu hút bụng tự hành (5.945 CV ≤ Công suất < 8.800 CV)” mà không quy định về cấp, loại tàu là phù hợp với yêu cầu của gói thầu.

Trao đổi với phóng viên, đại diện chủ đầu tư là Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh cho rằng, quá trình xây dựng HSMT, chủ đầu tư đã thuê đơn vị tư vấn, khảo sát thực tế, tính toán kĩ lưỡng và đưa ra những phương án, điều kiện sát với tình hình thực tiễn tại vị trí triển khai dự án. Qua đó, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những phát sinh về chi phí, thời gian cũng như tăng hiệu suất thi công trong điều kiện tốt nhất có thể.

Nhà thầu đề nghị 3 cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ

Tuy nhiên, trước nội dung mời thầu nêu trên, một số nhà thầu cho rằng, điều này là không đúng các quy định về đấu thầu và gây khó khăn, hạn chế các nhà thầu tham gia. Đại diện một công ty cho biết, họ không tán thành nội dung trên và đã có văn bản gửi Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh đề nghị làm rõ các vấn đề này.

Theo đó, nhà thầu cho rằng, yêu cầu chính của dự án là nạo vét tuyến luồng, vùng đậu và quay tàu ra vào cảng Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, sau đó vận chuyển đi nhận chìm tại vị trí được cấp phép. Trong đó HSMT nêu rõ loại và cấp phương tiện vận chuyển chất nạo vét đi nhận chìm là tàu VR-SB.

Căn cứ vào tọa độ vị trí các điểm góc của khu vực được nhận chìm cấp phép và căn cứ vào tọa độ các điểm giới hạn mép ngoài tuyến vận tải ven bờ biển áp dụng cho tàu mang cấp VR-SB từ Quảng Ninh đến Quảng Bình theo Quyết định số 2495/QĐ-BGTVT ngày 30/6/2014, thì điểm gần nhất của khu biển được cấp phép nhận chìm cách tuyến mép ngoài giới hạn tuyến SB này là lớn hơn 6km (điều này khác với giải thích của chủ đầu tư).

Nhà thầu cho rằng, Quyết định 2495/QĐ-BGTVT là quy định cụ thể và chi tiết nhất về phạm vi được phép hoạt động của tàu VR-SB, hành lang được phép hoạt động được cụ thể hóa bằng các tạo độ khống chế trên biển xuyên suốt từ Bắc vào Nam nên chủ đầu tư cần phải áp dụng quyết định này.

Theo các nhà thầu, khu vực được cấp phép nhấn chìm cách tuyến mép ngoài giới hạn tuyến SB là lớn hơn 6km (trên 12 hải lý)


Từ lý do nêu trên, nhà thầu đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cho biết, các phương tiện vận chuyển là tàu VR-SB có được phép hoạt động ra ngoài vùng nước cho phép theo Quyết định số 2495/QĐ-BGTVT ngày 30/6/2014 của Bộ Giao thông vận tải hay không? Trường hợp được cấp phép thì dựa trên cơ sở nào?

Trường hợp tàu SB đi ra ngoài vùng biển được phép hoạt động nêu trên và xảy ra tai nạn trên biển khi đâm va với các tàu biển khác thì trách nhiệm này thuộc về cơ quan nào khi để tàu SB hoạt động sai vùng nước theo Quyết định số 2495/QĐ-BGTVT ngày 30/6/2014 của Bộ Giao thông vận tải?

Đồng thời, việc mời thầu yêu cầu tàu công suất lớn hơn 5.945 CV là rất hạn chế nhà thầu, do chỉ có rất ít đơn vị có khả năng đáp ứng. Nhà thầu cho rằng, viện dẫn tàu công suất ≥ 5.945 CV phù hợp với khu vực nạo vét có độ sâu -11 đến -12m là không thuyết phục.

Như vậy, giải thích của chủ đầu tư và quan điểm của nhà thầu là khác nhau. Để đảm bảo quyền lợi các nhà thầu và việc mời thầu tuân thủ đúng quy định pháp luật, đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh giải thích, trả lời cụ thể những vấn đề nêu trên.

Tác giả: Thiên Thảo

Nguồn tin: cand.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP